Phụ huynh "sốc" trước việc bỏ thi vào lớp 6 kể cả các trường tư và chất lượng cao
Nhiều phụ huynh có con đang ôn thi vào các trường THCS chất lượng cao, trường tư thục "top" đầu ở Hà Nội bày tỏ sự thất vọng và bất ngờ trước quy định cấm thi vào lớp 6. Chị Nguyễn Thị Hương Liêu (ở La Khê, Hà Đông, Hà Nội) có con học lớp 5, đang ôn thi vào trường chất lượng cao cho biết đã trải qua một ngày với nhiều cảm xúc.
"Việc Bộ GD&ĐT quy định chỉ áp dụng hình thức xét tuyển đối với tuyển sinh THCS trong khi học sinh lớp 5 sắp kết thúc học kỳ I khiến phụ huynh chúng tôi vô cùng "sốc". Theo tôi, quy định này chỉ hợp lý đối với các trường công lập đại trà còn với các trường chất lượng cao và trường tư, tôi thấy hình thức xét tuyển chưa phải là phương án hợp lý. Bởi xét tuyển liệu có phản ánh chính xác năng lực thực sự của học sinh, liệu có tình trạng "chạy chọt" để có điểm số tốt và học bạ đẹp hay không?
Đồng quan điểm, anh Nguyễn Phú Thanh có con đang học lớp 5 ở Thanh Xuân (Hà Nội) cho rằng, việc Bộ GD&ĐT cấm thi vào lớp 6 dưới mọi hình thức, áp dụng với tất cả các trường công lập và tư thục là khá đột ngột, khiến phụ huynh hoang mang.
Theo anh Thanh, ngoài việc gia đình đã lãng phí một số tiền lớn đầu tư cho con tham gia các lớp học thêm từ hồi lớp 3 tới nay thì điều khiến nhiều phụ huynh hoang mang và lo lắng là làm sao để việc xét tuyển sẽ công bằng. "Đối với các trường chất lượng cao thì số lượng thí sinh đăng ký vượt xa chỉ tiêu, nếu cho thi tuyển thì các trường sẽ làm thế nào trong khi học bạ của em nào cũng đẹp, cũng toàn 10 thì biết chọn ai. Chưa kể, việc đánh giá, xếp loại học sinh giữa các trường cũng có độ chênh lệch khác nhau nên sẽ rất khó đảm bảo công bằng", anh Thanh bày tỏ.
Tương tự, chị Đỗ Thúy Hằng ở quận Hai Bà Trưng cũng cho rằng quy định này quá đột ngột. "Những năm trước đây, nhiều trường vẫn tổ chức thi tuyển nên thay đổi này của Bộ GD&ĐT khiến tôi và nhiều phụ huynh khác không biết phải làm sao. Mặc dù con học tốt nhưng nếu trường xét thêm tiêu chí khác như giải thưởng các cuộc thi giải Toán, tiếng Anh, hay các môn nghệ thuật, thể thao thì con tôi không có vì ngay từ đầu gia đình đã xác định cho con ôn thi nên không đăng ký cho con tham gia các kỳ thi để làm đẹp hồ sơ".
Trên các diễn đàn của phụ huynh từ hôm qua tới nay, các bài đăng về chủ đề này thu hút hàng nghìn lượt tương tác. Đa phần phụ huynh có con học lớp 5 đều rơi vào tình cảnh tương tự với nhiều bất ngờ, hoang mang và bối rối. Họ không đồng tình với phương án này và cho rằng chỉ có thi tuyển mới đánh giá đúng năng lực của học sinh.
Đại diện các trường nói gì?
Sau khi có thông tư, trao đổi với PV Báo Sức khỏe và Đời sống, một giáo viên đang dạy tại một trường THCS chất lượng cao trên địa bàn Hà Nội cho rằng, việc Bộ không cho phép các trường chất lượng cao ngoài công lập tổ chức thi tuyển sẽ khó khăn trong tuyển sinh, nảy sinh nhiều hệ lụy, tiêu cực. Lý do là với hàng nghìn học bạ giống nhau, các trường có số lượng hồ sơ "khổng lồ" sẽ phải xét tiêu chí phụ bằng các chứng chỉ. Điều này khiến phụ huynh lại phải chạy đua bằng cách cho con tham gia các cuộc thi chứng chỉ ngoại ngữ, các cuộc thi kiến thức nhằm lấy giải thưởng với chi phí tốn kém, áp lực. Hệ quả là các kỳ thi trăm hoa đua nở hoặc tình trạng "chạy" để làm đẹp học bạ lại nhức nhối.
Từ năm 2025, sẽ không tổ chức thi tuyển vào lớp 6, kể cả trường THCS chất lượng cao.
Về phía các trường, trong sáng nay (9/1), Hội đồng tuyển sinh Trường THCS Đoàn Thị Điểm vừa thông báo tạm thời dừng nhận đăng ký dự tuyển vào lớp 6 năm học 2025-2026 đến khi nhận được hướng dẫn thực hiện thông tư từ Sở GD&ĐT Hà Nội và Phòng GD&ĐT Nam Từ Liêm. Hội đồng tuyển sinh sẽ thông báo đến cha mẹ học sinh ngay khi có phương án điều chỉnh phương thức tuyển sinh để đảm bảo quyền lợi của tất cả học sinh có nguyện vọng đăng ký dự tuyển vào trường.
Bà Lê Minh Nguyệt - Hiệu trưởng trường THCS Lê Lợi (quận Hà Đông) - một trong năm trường THCS công lập chất lượng cao cho biết đã nhận được nhiều câu hỏi của phụ huynh, giáo viên, tất cả lo lắng, băn khoăn về chất lượng đầu vào nếu xét tuyển. "Chương trình giáo dục phổ thông có các mô hình trường học khác nhau. Mỗi mô hình có yêu cầu, mục tiêu giáo dục riêng. Như trường chất lượng cao thì đầu vào phải tương đối, học sinh phải có năng lực, phẩm chất tốt. Đầu vào có sự lựa chọn thì mặt bằng chung học sinh mới đồng đều. Nếu đánh đồng tất cả không thi thì không hợp lý lắm".
Theo Hiệu trưởng trường THCS Lê Lợi, nguyện vọng của trường là dùng bài kiểm tra đánh giá năng lực, kết hợp xét học bạ. Lý do là hàng năm trường nhận được hàng nghìn hồ sơ, đều là học sinh xuất sắc 5 năm hoặc điểm Toán, Tiếng Việt 10, tiếng Anh 9 trở lên ở hai năm cuối cấp. Nhưng, trường chỉ được nhận 210-250 em. Hồ sơ đông, điểm số giống nhau nên khó đánh giá đúng học sinh nếu không có bài kiểm tra.
Tại Hệ thống giáo dục Archimedes, một lãnh đạo nhà trường cho biết, vì thông tư mới mới công bố nên thời điểm hiện tại nhà trường chưa có quyết định gì, cần có thời gian họp bàn và tính toán lại. "Những năm gần đây, tuyển sinh đầu vào lớp 6 nhà trường luôn có bài kiểm tra hướng tới đánh giá năng lực của học sinh để chọn được học sinh xuất sắc. Rõ ràng, nếu tuyển sinh bằng cách xét tuyển thì chỉ có thể xét trên học bạ, khó nhất là những hồ sơ học bạ toàn điểm 10. Thậm chí có hàng nghìn học bạ điểm 10 đẹp long lanh thì biết loại em nào, nhận em nào, rất khó cho các trường".
Ông Nguyễn Quang Tùng - Hiệu trưởng Trường THCS&THPT M.V. Lômônôxốp, cho hay: "Nhà trường đang chờ hướng dẫn, Sở GD&ĐT hướng dẫn như thế nào sẽ có phương án thực hiện để đảm bảo thống nhất trong thành phố".
Bà Nguyễn Huyền Trang - Hiệu trưởng Trường THCS Ngoại ngữ cho biết, trường đang xin ý kiến lãnh đạo Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) về quy định tuyển sinh mới.
Thầy Nguyễn Xuân Khang - Chủ tịch Hội đồng Trường Marie Curie Hà Nội cho biết, thông tư số 30/2024/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT ký ngày 30/12/2024, về việc ban hành Quy chế tuyển sinh THCS và THPT. Những người "hóng" tin nhất như chúng tôi cũng phải sau 10 ngày mới được đọc. Đọc đến nửa chừng thì bất ngờ và lo lắng.
Theo thầy Khang, từ năm 2018 đến nay tồn tại hai phương thức tuyển sinh vào lớp 6: xét tuyển hoặc kết hợp xét tuyển và kiểm tra đánh giá năng lực (nếu số học sinh đăng ký nhiều hơn chỉ tiêu tuyển sinh). Quy chế này phù hợp với thực tế, khắc phục khó khăn của các trường đặc thù như trường tư thục, trường chất lượng cao không phân tuyến tuyển sinh và có quá nhiều học sinh đăng ký: 1 "chọi" 5, 1 "chọi" 10, thậm chí có nơi 1 "chọi" 20…
Trong dự thảo của Bộ gần nhất vẫn giữ hai phương thức tuyển sinh vào lớp 6 như những năm vừa qua. Khi quy chế chính thức được công bố, mọi người bất ngờ khi đọc văn bản chính thức điều 4, khoản 2: "Tuyển sinh THCS được thực hiện theo phương thức xét tuyển". Như vậy, không còn được kiểm tra đánh giá năng lực trực tiếp để lựa chọn học sinh vào lớp 6, cho dù số học sinh đăng ký gấp nhiều lần chỉ tiêu tuyển sinh.
Quy chế quy định tiêu chí xét tuyển do sở GD&ĐT hướng dẫn cụ thể. Thế nhưng căn cứ vào đâu để định ra tiêu chí xét tuyển, nếu không dựa vào học bạ và một số "thành tích" của các kỳ thi văn hóa, văn nghệ, thể thao…?
Gần đây, Bộ GD&ĐT đã hạn chế tuyển sinh đại học bằng phương thức xét học bạ THPT. Vì sao? Câu trả lời thuyết phục nhất không ai khác ngoài Bộ GD&ĐT. Học bạ tiểu học còn "mờ" hơn học bạ THPT, hơn 90% là xuất sắc. Tôi hỏi một người tổ chức các kỳ thi toán quốc tế cho học sinh tiểu học thì được biết cách xếp giải thưởng: Huy chương vàng top 5%, huy chương bạc top 15%, huy chương đồng top 30%. Mỗi lần có đến hàng vạn thí sinh dự thi và hàng nghìn em có huy chương.
Năm học này phụ huynh sẽ thay vì "học thi" bằng việc "chạy đua" làm học bạ đẹp và huy chương các loại để có một suất vào trường "chất lượng cao", trường "hot"… Kỳ tuyển sinh vào lớp 6 trong tình huống đó liệu có đạt điều mong muốn: công bằng, khách quan, minh bạch?", thầy Khang đặt câu hỏi.
Theo quy chế tuyển sinh THCS và THPT vừa được Bộ GD&ĐT công bố, từ năm học 2025-2026, việc tuyển sinh lớp 6 thực hiện theo phương thức xét tuyển. Đại diện Bộ GD&ĐT cho biết, thông tư mới nhằm giảm áp lực thi chuyển cấp cho học sinh tiểu học. Vì vậy trường tư hay trường chất lượng cao cũng xét tuyển, không thi tuyển.
Tiêu chí xét tuyển do Sở GD&ĐT mỗi tỉnh, thành hướng dẫn; đảm bảo công bằng, khách quan và phù hợp với tình hình thực tế. Riêng với các trường THCS thuộc đại học, tiêu chí xét tuyển có thể theo hướng dẫn của cơ quan chủ quản hoặc của địa phương nơi đặt trụ sở.
Về quy trình, UBND cấp quận, huyện sẽ phê duyệt kế hoạch tuyển sinh lớp 6, gồm các thông tin về đối tượng, chỉ tiêu, địa bàn, tiêu chí, thời gian xét tuyển và công bố kết quả. Kế hoạch tuyển sinh được công bố trước ngày 31/3 hàng năm.
Năm học 2024-2025 cũng như nhiều năm trước đó, Hà Nội có nhiều trường tổ chức các kỳ thi, kiểm tra để tuyển sinh lớp 6, đa số là các trường chất lượng cao, trường tư và trường trực thuộc đại học như: THCS Nam Từ Liêm, THCS Thanh Xuân, THCS Cầu Giấy, THCS Lê Lợi, THCS - THPT Nguyễn Tất Thành (thuộc Trường ĐH Sư phạm Hà Nội), THCS Lương Thế Vinh, THCS Ngoại ngữ (thuộc Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHQGHN), Ngôi sao Hà Nội, THCS và THPT Nguyễn Siêu, Hệ thống Trường Newton, Hệ thống giáo dục Archimedes, THCS&THPT M.V. Lômônôxốp…
Đỗ Vi