Nhiều ý kiến trái chiều
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư số 30/2024/TT-BGDĐT ngày 30/12/2024 về quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT. Theo đó, kể từ năm 2025, các trường THCS phải xét tuyển học sinh vào lớp 6 chứ không được tổ chức thi, kể cả với trường chất lượng cao.
Sau khi thông tư được ban hành đã nhận được sự quan tâm của rất nhiều người, nhất là phụ huynh, học sinh và giáo viên trên địa bàn thành phố Lào Cai- nơi có hai trường THCS chất lượng cao.
Chị P.T.H., phường Cốc Lếu “thở phào”: Bỏ thi tuyển THCS sẽ giảm áp lực rất nhiều cho học sinh và phụ huynh, bởi ở nhiều địa phương kỳ thi tuyển sinh vào THCS còn căng thẳng ngang thi vào THPT.
Cũng ủng hộ việc bỏ thi tuyển lớp 6, trên trang cá nhân, một phụ huynh viết: "Cá nhân tôi ủng hộ Thông tư 30. Tôi thấy nhiều gia đình đang đầu tư nhiều tiền bạc, thời gian cho con ôn thi để vào các trường chất lượng cao. Học nhồi nhét kiến thức, tìm các lò luyện thi cấp tốc, gây áp lực và căng thẳng cho con. Nhiều phụ huynh vì kỳ vọng của bản thân mà “ép” con vừa thoát cổng trường mầm non đã bước vào lò luyện thi từ ngày này qua ngày khác".
Nhiều học sinh tiểu học đã phải chịu nhiều áp lực để chuẩn bị cho kỳ thi vào trường THCS chất lượng cao. (Ảnh minh họa)
Trong khi nhiều ý kiến ủng hộ việc bỏ thi tuyển vào lớp 6, thì không ít phụ huynh khác cảm thấy hụt hẫng trước thay đổi đột ngột này của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chị Tr.M.H., phụ huynh có con học lớp 5, đang ôn thi vào Trường THCS Lê Quý Đôn, thành phố Lào Cai cho biết: Nên giữ kỳ thi này cho các trường chất lượng cao vì xét học bạ sẽ không đánh giá được năng lực thực sự của học sinh, thậm chí dẫn đến tình trạng “mua điểm” ngay ở bậc tiểu học. Ngoài ra, việc đánh giá, xếp loại học sinh giữa các trường cũng có độ chênh lệch chất lượng khác nhau nên sẽ rất khó đảm bảo công bằng. Việc thi đánh giá năng lực như hiện nay sẽ phân loại học sinh tốt hơn.
Cũng trên diễn đàn mạng xã hội, chị Ph.T.H. chia sẻ: "Tôi không phản đối Thông tư 30 của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng cá nhân tôi nghĩ cần có lộ trình. Vấn đề giáo dục thì càng phải có hướng dẫn rõ ràng, tránh thay đổi đột ngột gây ảnh hưởng tâm lý cả phụ huynh và học sinh".
Bên cạnh đó, một số phụ huynh cho rằng, việc bỏ thi tuyển sinh vào lớp 6 đang làm giảm tính cạnh tranh và chất lượng đầu vào của các trường chuyên, cũng như cơ hội học tập của học sinh. “Tôi cho rằng quy định này hợp lý đối với các trường công lập đại trà. Tuy nhiên, đối với những trường chất lượng cao có số lượng thí sinh đăng ký vượt xa chỉ tiêu mà không cho thi tuyển thì quá “làm khó” các trường. Biết chọn ai giữa hàng loạt học bạ toàn điểm 9, 10?”– chị B.T.A., phường Kim Tân bày tỏ quan điểm.
Giảm áp lực tuyển sinh gắn với đảm bảo chất lượng
Trung bình mỗi năm học, thành phố Lào Cai có khoảng gần 3.000 học sinh cuối cấp tiểu học được tuyển vào các trường THCS thông qua hình thức tuyển sinh trực tuyến.
Cô giáo Cao Thị Thúy Hồng, Hiệu trưởng Trường THCS Lý Tự Trọng, thành phố Lào Cai cho biết: Năm học 2024 – 2025, nhà trường có hơn 400 hồ sơ dự tuyển, trong đó chỉ tiêu tuyển sinh là 200 học sinh. Nhà trường không tổ chức thi tuyển mà xét tuyển đầu vào lớp 6, kết hợp với khảo sát năng lực 3 môn Toán, Ngữ Văn, Tiếng Anh. Việc xét tuyển kết hợp khảo sát đánh giá năng lực giúp nhà trường đánh giá đúng chất lượng học sinh 80 - 90%, đồng thời phân hóa được đối tượng học sinh. Trước sự thay đổi của kỳ tuyển sinh năm nay, chúng tôi sẽ thực hiện nghiêm túc các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Về cơ bản, nhà trường luôn sẵn sàng các phương án tuyển sinh, đảm bảo minh bạch và công bằng.
Hằng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các phòng giáo dục và đào tạo, các trường tiểu học thực hiện nghiêm túc việc ra đề kiểm tra, đánh giá học sinh lớp 4, 5 bảo đảm theo Thông tư số 22/2016/TT-BGDĐT; tổ chức kiểm tra, đánh giá định kỳ, xét hoàn thành chương trình lớp học, hoàn thành chương trình cấp tiểu học đúng kế hoạch theo khung thời gian năm học… Thực tế cho thấy, các trường tiểu học đã tổ chức kiểm tra, đánh giá học sinh theo đúng định hướng phát huy ưu điểm và khắc phục những hạn chế trong quá trình học tập của học sinh. Việc tổ chức bàn giao chất lượng giáo dục cuối năm học vì thế cũng bảo đảm tính nghiêm túc, hiệu quả, học sinh lên lớp thực chất, không có học sinh “ngồi nhầm lớp”.
Cô giáo Trần Thị Minh Chung, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bắc Cường, thành phố Lào Cai cho rằng: Nhà trường thực hiện nghiêm túc việc bàn giao kết quả giáo dục cuối năm học, phù hợp với từng nhóm đối tượng, không để học sinh “ngồi nhầm lớp”. Chính vì vậy, các bậc phụ huynh hoàn toàn yên tâm về việc xét tuyển hồ sơ vẫn đảm bảo tính công bằng, đánh giá được thực chất năng lực mỗi học sinh trong suốt 5 năm tiểu học.
Trường THCS Lý Tự Trọng, thành phố Lào Cai thường xuyên có số lượng học sinh đăng ký tuyển sinh vượt quá chỉ tiêu.
Bà Trần Thị Thùy Dung, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Lào Cai cho biết: Từ trước đến nay, thành phố Lào Cai không tổ chức thi tuyển đối với đầu vào cấp THCS. Đối với 2 trường THCS Lê Quý Đôn và THCS Lý Tự Trọng, do số lượng học sinh đăng ký tuyển sinh vượt quá chỉ tiêu nên có tổ chức xét tuyển học bạ kết hợp với khảo sát. Từ năm học tới đây, hai trường này cũng chỉ thực hiện xét tuyển theo quy định.
Bà Dung cũng khẳng định việc tự chủ kế hoạch chương trình giáo dục và thực hiện nghiêm các quy định, đáp ứng yêu cầu đầu ra đối với từng cấp được các trường trên địa bàn thực hiện nghiêm túc. Đặc biệt, việc kiểm soát chất lượng học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 và nghiệm thu liên thông giữa 2 cấp học được ngành giáo dục thành phố thực hiện nghiêm túc, bài bản nhiều năm nay. Vì vậy, ngành giáo dục thành phố cam kết chất lượng về việc học sinh hoàn thành chương trình tiểu học có đầy đủ các điều kiện về kiến thức, kỹ năng để lên cấp THCS, hình thức xét tuyển hay khảo sát kết hợp xét tuyển không ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.
Ngay khi có văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố đã thông tin quy chế mới tới các trường, truyền đạt tới các bậc cha mẹ học sinh. Để đảm bảo chất lượng đầu vào, các trường tiểu học sẽ hướng dẫn học sinh đăng kí nguyện vọng sớm, bồi dưỡng cho học sinh lồng ghép trong các tiết học, đảm bảo chất lượng tuyển sinh phân loại theo đúng vành đai, phù hợp mục tiêu phát triển của từng đơn vị trường.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thông tư 30/2024 được xây dựng trên nguyên tắc kế thừa những nội dung phù hợp của Thông tư 11/2014, bổ sung quy định mới phù hợp với bối cảnh giáo dục và xã hội. Thông tư mới xây dựng theo 3 nguyên tắc: không gây áp lực tốn kém cho phụ huynh, học sinh và xã hội, với tinh thần gọn nhẹ, cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính, phù hợp với chủ trương chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục đào tạo; thúc đẩy hoạt động giáo dục toàn diện, chuẩn bị bước đầu cho học sinh những phẩm chất, năng lực để có đủ điều kiện học tập ở cấp học cao hơn hoặc có thể học nghề theo định hướng hướng nghiệp, phân luồng; bảo đảm thực hiện chức năng quản lý nhà nước ở cấp vĩ mô, xây dựng được những quy định thống nhất trong toàn quốc, đồng thời thực hiện tốt nguyên tắc phân cấp, phân quyền, rõ thẩm quyền, trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương, các trường đại học, viện nghiên cứu.
Thanh Huệ