Có chương trình trung học nghề tích hợp sẽ tạo đột phá đối với giáo dục nghề nghiệp

Có chương trình trung học nghề tích hợp sẽ tạo đột phá đối với giáo dục nghề nghiệp
9 giờ trướcBài gốc
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố Dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi) với nhiều nội dung đổi mới. Trong đó, một trong những đề xuất đột phá là việc hình thành chương trình trung học nghề tích hợp nhằm tạo thêm lựa chọn học tập cho học sinh sau bậc trung học cơ sở.
Theo nội dung dự thảo, chương trình trung học nghề tích hợp sẽ kết hợp giữa kiến thức cốt lõi của chương trình trung học phổ thông với nội dung đào tạo nghề, đảm bảo. Chương trình này được xây dựng dành cho đối tượng học sinh đã hoàn thành chương trình trung học cơ sở. Sau khi hoàn tất chương trình học, người học sẽ được cấp bằng trung học nghề, bằng này có giá trị tương đương với bằng tốt nghiệp trung học phổ thông. Cũng theo dự thảo, các trường cao đẳng và trường trung cấp đủ điều kiện sẽ là những cơ sở được phép triển khai chương trình trung học nghề.
Qua chia sẻ từ nhiều lãnh đạo trường trung học cơ sở cho thấy, việc có chương trình trung học nghề với nội dung đào tạo tích hợp như vậy sẽ mang lại nhiều thuận lợi cho cả nhà trường và người học, kỳ vọng sẽ mở ra cánh cửa mới cho giáo dục nghề nghiệp Việt Nam hoạt động một cách thực chất, hiệu quả và phù hợp với xu thế phát triển kinh tế - xã hội hiện đại.
Góp phần hiện thực hóa mục tiêu thu hút 50-55% học sinh trung học vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Xuân Phái – Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Phúc Lâm (Hà Nội) cho biết, trong năm học vừa qua, công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở đã được nhà trường triển khai mạnh mẽ thông qua tư vấn hướng nghiệp tại trường, các hoạt động ngoại khóa, các buổi truyền thông đến phụ huynh. Tuy nhiên, theo thầy Phái, vẫn còn không ít phụ huynh chưa thực sự cởi mở với các hình thức học nghề, bởi tâm lý xã hội vẫn còn ưu tiên con đường phải vào các trường trung học phổ thông.
Học sinh Trường Trung học cơ sở Phúc Lâm. Ảnh: Website Nhà trường.
“Thực tế, nhiều em học sinh rất thích vào học tại trường nghề nhưng lại chịu áp lực từ phía phụ huynh, một phần cũng xuất phát từ kỳ vọng của phụ huynh. Chính vì vậy, nếu chương trình trung học nghề tích hợp được triển khai, đây sẽ là một lựa chọn linh hoạt, vừa học nghề, vừa học văn hóa, giúp phụ huynh và học sinh an tâm hơn nếu lựa chọn học trường nghề”, thầy Phái nói.
Thầy Phái bày tỏ, khi chương trình trung học nghề được đưa vào Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi) tất yếu sẽ góp phần tích cực trong hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030 thu hút 50 - 55% học sinh trung học vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo Chỉ thị số 21-CT/TW của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thầy Phái cho biết thêm, nếu Luật Giáo dục nghề nghiệp sửa đổi được thông qua, nhà trường sẽ tích cực truyền thông đến học sinh và phụ huynh qua các chuyên đề, hội thảo đầu năm học, với sự tham gia của đại diện trường nghề, chuyên gia và cựu học sinh đã lựa chọn con đường học nghề để tăng sự tin tưởng.
Ngoài ra, thầy Phái cũng đánh giá cao điểm mới khác trong dự thảo là việc cắt giảm thủ tục hành chính trong giáo dục nghề nghiệp bởi điều này sẽ giảm gánh nặng cho cả phụ huynh và nhà trường trong quá trình làm hồ sơ, nhất là trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay.
Đáp ứng nhu cầu đa dạng của học sinh
Cùng chung quan điểm, thầy Bùi Duy Quốc – Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Lương Thế Vinh (Đà Nẵng) cho rằng, trung học nghề là một bước tiến cần thiết, nhất là khi nhiều phụ huynh vẫn chưa biết định hướng rõ ràng cho con sau trung học cơ sở. “Nếu chương trình trung học nghề tích hợp được triển khai, phụ huynh sẽ có thêm cơ sở để chọn lựa chương trình học phù hợp với năng lực và mong muốn của con. Học sinh cũng có thể yên tâm học nghề ngay mà không lo bị thiệt thòi về học vấn”, thầy Quốc nhận định.
Theo thầy Quốc, để chuẩn bị cho năm học 2025–2026, vào tháng 3 và tháng 4 vừa qua, trường đã chủ động phối hợp với các trường nghề tổ chức tư vấn hướng nghiệp cho học sinh lớp 9. Sau khi có kết quả tuyển sinh lớp 10, nhà trường lập danh sách những học sinh không vào học các trường trường trung học phổ thông công lập và gửi tới các trường nghề để tiếp tục được tư vấn, định hướng phù hợp. Đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ học sinh của trường vào học các trường trung học phổ thông công lập là khoảng 89%, số còn lại phần lớn đã được định hướng theo học nghề.
Thầy Quốc cho rằng, chương trình trung học nghề tích hợp sẽ là phương án lý tưởng. Tuy nhiên, để chương trình trung học nghề thực sự mang lại hiệu quả, cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ phía các cơ sở giáo dục nghề nghiệp không chỉ về cơ sở vật chất mà còn về chương trình, đội ngũ và khả năng đảm bảo chất lượng. Học sinh sau tốt nghiệp chương trình trung học nghề phải đủ năng lực để hoặc đi làm ngay, hoặc hoàn toàn có thể tiếp tục học lên các bậc cao hơn tùy theo nhu cầu.
Tương tự, theo thầy Lê Văn Lực – Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Đặng Tấn Tài (Thành phố Hồ Chí Minh), điểm mới trong Dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi) về việc hình thành chương trình trung học nghề tích hợp là một chủ trương rất hay và đáng kỳ vọng.
Học sinh Trường Trung học cơ sở Đặng Tấn Tài. Ảnh: Website nhà trường.
Thầy Lực bày tỏ, chương trình trung học nghề là mô hình đào tạo tiên tiến, khi vừa đảm bảo học sinh được học kiến thức văn hóa cơ bản, vừa được tiếp cận sớm với đào tạo nghề nghiệp, kỹ năng thực tiễn, phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động hiện đại. Do đó, mô hình này tất yếu sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, một nhiệm vụ quan trọng trong hệ thống giáo dục phổ thông hiện nay.
Đáng chú ý, học sinh theo học chương trình trung học nghề không chỉ có thể đi làm ngay sau khi tốt nghiệp nhờ được trang bị kỹ năng nghề, mà nếu có nguyện vọng học tiếp lên các trình độ cao hơn thì cũng không cần phải học lại chương trình văn hóa trung học phổ thông như trước kia. Điều này giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và tạo ra lộ trình học tập linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng người học.
Việc xây dựng chương trình trung học nghề như trong Dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi) được thầy Lực đánh giá là một bước đột phá quan trọng trong quá trình cải cách giáo dục nghề nghiệp, không chỉ hỗ trợ quá trình phân luồng mà còn góp phần đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng đa dạng của học sinh.
Tuy nhiên, để chương trình này thực sự đi vào cuộc sống, thầy Lực cho rằng, các trường trung học cơ sở cần chủ động đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp cho học sinh và phụ huynh. Việc này có thể được thực hiện thường xuyên thông qua các buổi sinh hoạt chuyên đề hàng tuần, hàng tháng, nhằm giúp các em học sinh và phụ huynh hiểu rõ lộ trình học tập phù hợp với năng lực và sở thích của bản thân. Từ đó giảm áp lực tâm lý cho cả học sinh lẫn phụ huynh.
Chia sẻ thêm, thầy Lực cho biết, trong năm học vừa qua, thực hiện theo kế hoạch của Phòng Giáo dục và Đào tạo, nhà trường đã phối hợp với các trường trung học phổ thông, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tổ chức nhiều buổi tư vấn, giới thiệu chương trình đào tạo cho học sinh và phụ huynh lớp 9. Tuy nhiên, tỷ lệ học sinh đăng ký vào giáo dục nghề nghiệp vẫn còn thấp, phần lớn các em vẫn theo học tại các trường trung học phổ thông. Dẫu vậy, so với trước đây, công tác phân luồng hiện nay đã có nhiều chuyển biến tích cực. Trước kia, dù học sinh có mong muốn học nghề, nhưng việc thuyết phục phụ huynh của nhà trường còn gặp phải nhiều khó khăn.
Tường San
Nguồn Giáo Dục VN : https://giaoduc.net.vn/co-chuong-trinh-trung-hoc-nghe-tich-hop-se-tao-dot-pha-doi-voi-giao-duc-nghe-nghiep-post252680.gd