Bỏ thuế khoán, hộ kinh doanh sẽ được quản lý như thế nào từ 1/1/2026?

Bỏ thuế khoán, hộ kinh doanh sẽ được quản lý như thế nào từ 1/1/2026?
11 phút trướcBài gốc
Chia hộ kinh doanh theo 4 nhóm quản lý thuế
Tại dự thảo Luật Quản lý thuế (thay thế) đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến, với việc xóa bỏ thuế khoán từ năm 2026, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung quy định hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh áp dụng cơ chế tự khai, tự nộp thuế theo phương pháp tính thuế trực tiếp (tỷ lệ phần trăm trên doanh thu). Theo đó, ngành thuế sẽ phân loại hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo doanh thu để áp dụng phương pháp quản lý.
Theo ông Mai Sơn, Phó Cục trưởng Cục Thuế, trên thực tế, có sự khác biệt lớn giữa các hộ kinh doanh. Ví dụ, có những hộ chỉ mang tính mưu sinh, tự sản tự tiêu tại các thị trấn, khu chợ, hay các tiệm tạp hóa nhỏ với doanh thu thường dưới hoặc trên ngưỡng nộp thuế một chút.
Ngành thuế sẽ phân loại hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo doanh thu để áp dụng phương pháp quản lý (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, cũng có rất nhiều hộ kinh doanh quy mô lớn, hoạt động theo chuỗi, trải dài trên nhiều địa bàn, tỉnh thành và có năng lực tổ chức kế toán như một doanh nghiệp siêu nhỏ. Đặc biệt là các chuỗi nhà hàng, kinh doanh vật liệu xây dựng, thực phẩm chức năng, thực phẩm y tế hoặc dịch vụ thẩm mỹ... Đây là những đơn vị có rất nhiều các điều kiện để lên doanh nghiệp (DN).
“Công tác quản lý cần có sự thay đổi để phù hợp hơn, việc áp dụng phương thức điện tử giúp hộ kinh doanh giảm chi phí và thời gian tuân thủ”, ông Mai Sơn nhận định.
Do đó, dự thảo Luật Quản lý thuế (thay thế) đã đưa ra các ngưỡng doanh thu để áp dụng các chính sách quản lý khác nhau.
Nhóm 1 là dưới ngưỡng doanh thu chịu thuế, tức là dưới 200 triệu đồng/năm sẽ được miễn thuế; Nhóm 2 là từ 200 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng/năm; Nhóm 3 là từ 1 - 3 tỷ đồng/năm (với lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng) và 1 - 10 tỷ đồng/năm (với lĩnh vực thương mại, dịch vụ); Nhóm 4 là trên 10 tỷ đồng/năm.
Đại diện Cục Thuế cho biết, sau khi xóa thuế khoán, hộ kinh doanh thuộc nhóm 1 và nhóm 2 được khuyến khích sử dụng hóa đơn điện tử. Lộ trình áp dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế hoặc hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền cho hộ kinh doanh nhóm 2 từ năm 2027 - 2028. Hộ kinh doanh nhóm 3 và nhóm 4 thuộc diện bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế hoặc hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền khi bán lẻ.
Ông Mai Sơn, Phó Cục trưởng Cục Thuế
Với việc phân chia nhóm như trên, nhóm 3 và nhóm 4 thuộc diện bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế hoặc hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền khi bán lẻ hàng hóa dịch vụ. Trong đó, nhóm 3 dự kiến sẽ thực hiện chế độ kế toán đơn giản. Còn nhóm 4 dự kiến sẽ thực hiện các chế độ kế toán như các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã được quy định.
“Việc thay đổi này sẽ giúp hộ kinh doanh làm quen với hóa đơn điện tử, quản lý thu chi minh bạch, tiết kiệm thời gian và chi phí. Các nội dung mới chỉ là dự kiến, Cục Thuế sẽ tiếp tục lấy ý kiến người dân, hiệp hội, chuyên gia để hoàn thiện khung quản lý, báo cáo Bộ Tài chính, trình cấp có thẩm quyền ban hành”, ông Mai Sơn cho hay.
Ngoài ra, cơ quan thuế dự kiến đề xuất tăng mức ngưỡng doanh thu không chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) và thuế thu nhập cá nhân (TNCN) lên ít nhất gấp đôi mức 200 triệu đồng/năm. Đồng thời, sửa đổi tỷ lệ % thuế TNCN cho hộ, cá nhân kinh doanh phân biệt theo quy mô doanh thu.
Nhiều chuyên gia cho rằng, có thể tham khảo cách xác định mức giảm trừ gia cảnh đối với cá nhân làm công ăn lương để xây dựng phương pháp tính thuế phù hợp cho hộ kinh doanh. Theo đó, cần căn cứ vào tỷ suất lợi nhuận bình quân theo từng ngành hàng, từ đó xác định mức doanh thu tối thiểu tương ứng. Đây được xem là một cơ sở thực tiễn nhằm xây dựng phương pháp tính thuế hợp lý, sát thực tế.
Liên quan tới vấn đề này, ông Mai Sơn cho biết sẽ xác định trên miễn trừ gia cảnh của cá nhân làm công ăn lương.
"Chúng tôi sẽ tính toán theo ngành hàng, tỉ suất lợi nhuận của doanh nghiệp, hộ kinh doanh bình quân chung để xác định doanh thu tối thiểu", ông Mai Sơn thông tin.
Cần sự đồng hành, tạo thuận lợi và giảm chi phí tuân thủ
Trên thế giới, cá nhân, hộ kinh doanh thường được xem như một loại hình doanh nghiệp siêu nhỏ. Vì vậy, cách tiếp cận hiện nay sẽ không đơn thuần là "khoán" theo doanh thu nữa, mà phải dựa trên tỷ suất lợi nhuận và áp thuế suất phù hợp (gồm thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng), thay vì chỉ áp dụng tỷ lệ khoán đơn giản như trước đây.
Theo TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam, việc phát triển khu vực hộ kinh doanh cần được thực hiện một cách hợp lý, có lộ trình. Trước khi thực hiện các giải pháp căn cơ, toàn diện thì không nên làm quá mạnh, xáo trộn ảnh hưởng tới sinh kế của hàng triệu hộ kinh doanh, hàng triệu người.
“Các hộ kinh doanh rất khác nhau, không thể thiết kế một công cụ duy nhất cho tất cả”, ông Bình nói và dẫn chứng, với những hộ có doanh thu khoảng 1 tỷ đồng/năm, tính bình quân mỗi tháng là dưới 100 triệu đồng. Sau khi trừ các chi phí đầu vào như nhập hàng, thuê mặt bằng, nhân công, điện nước, nhiều hộ chỉ còn giữ lại chưa tới 15 triệu đồng/tháng, tương đương 180 triệu đồng/năm. Khoản thu nhập này bao gồm cả tiền công cho chính chủ hộ và không phải mức cao.
Do đó, TS. Lê Duy Bình cho rằng, cần chia đối tượng hộ kinh doanh thành các nhóm cụ thể, căn cứ vào quy mô, doanh thu, mức độ sẵn sàng, từ đó, xây dựng lộ trình phù hợp. Đặc biệt, đối với những nhóm hộ kinh doanh nhỏ, thu nhập thấp cần có sự hỗ trợ, thời gian chuẩn bị và hướng dẫn đầy đủ.
“Chuyển đổi không thể thực hiện bằng mệnh lệnh hành chính mà cần sự đồng hành, tạo thuận lợi và giảm chi phí tuân thủ. Nếu chính sách được thiết kế quá mạnh, không phù hợp với năng lực thực tế của hộ kinh doanh, thì không chỉ gây khó khăn trong thực thi mà còn khiến người dân lo lắng, thậm chí sinh ra tâm lý tránh né, rút lui khỏi khu vực chính thức”, TS. Lê Duy Bình thẳng thắn.
Cẩm Tú/VOV.VN
Nguồn VOV : https://vov.vn/kinh-te/bo-thue-khoan-ho-kinh-doanh-se-duoc-quan-ly-nhu-the-nao-tu-112026-post1212349.vov