Bỏ thuế khoán: Kỳ vọng hộ kinh doanh sẽ chuyển mình

Bỏ thuế khoán: Kỳ vọng hộ kinh doanh sẽ chuyển mình
10 giờ trướcBài gốc
Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị đã xác định mục tiêu rõ ràng: chậm nhất đến năm 2026 sẽ loại bỏ hoàn toàn hình thức thuế khoán. Chủ trương này nhanh chóng được Quốc hội Khóa XV cụ thể hóa bằng Nghị quyết 198/2025 vào ngày 17-5-2025, ấn định thời điểm có hiệu lực từ 1-1-2026.
Quyết sách bỏ thuế khoán đang thắp lên hy vọng về một môi trường kinh doanh thực sự bình đẳng, khuyến khích các hộ cá thể bứt phá thành doanh nghiệp. Dù còn đó những băn khoăn, lo lắng nhưng với sự đồng hành mạnh mẽ từ chính sách hỗ trợ, đây được xem là cơ hội lịch sử để Việt Nam tiến gần hơn đến mục tiêu có 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030.
Từ nỗi lo "cào bằng" đến kỳ vọng minh bạch
Việc áp dụng thuế khoán trong một thời gian dài đã bộc lộ những bất cập, chưa thực sự tạo động lực cho các hộ kinh doanh phát triển. Nay, chủ trương bỏ thuế khoán đang nhận được nhiều sự quan tâm, với những kỳ vọng xen lẫn chút ưu tư ban đầu.
Chị Thu Lan, chủ một tiệm spa chăm sóc sức khỏe (quận Tân Bình, TP.HCM), chia sẻ trước giờ quen nộp khoán cố định hàng tháng, dù có tháng đông tháng vắng cũng áng chừng được. Nếu qua năm 2026, bỏ thuế khoán, kê khai doanh thu chi tiết qua hóa đơn điện tử, rồi thuế tính theo doanh thu thực tế thì chị cũng hơi lo lắng.
"Đặc thù ngành spa là chi phí mỹ phẩm, thuê mặt bằng, trả lương nhân viên kỹ thuật khá cao. Nếu mức thuế ấn định theo tỷ lệ % trên tổng doanh thu (5% thuế thu nhập cá nhân + 2% thuế giá trị gia tăng) mà không được khấu trừ các chi phí đầu vào tương xứng, tôi e rằng số thuế phải nộp sẽ cao hơn nhiều so với mức khoán hiện tại. Cũng mong cơ quan thuế có hướng dẫn cụ thể, dễ hiểu cho những người không rành sổ sách kế toán như chúng tôi" - chị Lan bày tỏ.
Ngược lại, anh Hoàng Tuấn, chủ một nhà hàng tại khu trung tâm quận Gò Vấp (TP.HCM), lại tỏ ra khá hào hứng và cho biết sẽ cân nhắc nghiêm túc việc chuyển đổi lên mô hình doanh nghiệp khi áp dụng bỏ thuế khoán.
Bỏ thuế khoán được đánh giá là quyết sách hợp lý, tạo môi trường kinh doanh thực sự bình đẳng, khuyến khích các hộ kinh doanh cá thể bứt phá thành doanh nghiệp. Ảnh: QH/AI
"Nhà hàng của tôi quy mô cũng tương đối, chi phí nguyên vật liệu đầu vào hàng ngày, tiền thuê mặt bằng vị trí đắc địa, lương đầu bếp, nhân viên phục vụ là những khoản rất lớn. Trước đây, đóng thuế khoán nhiều khi cảm thấy không phản ánh đúng thực tế kinh doanh, có những giai đoạn ảnh hưởng dịch bệnh, doanh thu sụt giảm mạnh nhưng mức khoán vẫn phải đóng đủ" - anh Tuấn tính toán.
Anh Hoàng Tuấn nhẩm tính, nếu chuyển lên doanh nghiệp, việc xuất hóa đơn điện tử cho khách hàng, được khấu trừ các chi phí đầu vào hợp lý như thực phẩm, tiền thuê nhà, chi phí nhân công... sẽ giúp tối ưu hóa nghĩa vụ thuế.
"Quan trọng hơn là sổ sách kế toán minh bạch, rõ ràng. Điều này không chỉ giúp quản trị nội bộ tốt hơn mà còn tạo uy tín khi làm việc với các đối tác, nhà cung cấp lớn, và đặc biệt là dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng để mở rộng kinh doanh trong tương lai," anh Tuấn kỳ vọng.
Luật sư Đào Văn Hưng, Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý và Phát triển doanh nghiệp, nhận định đây là một chính sách rất tiến bộ. Bỏ thuế khoán đối với hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh từ năm 2026 sẽ đảm bảo việc thu nộp thuế được minh bạch, công bằng, chống thất thu thuế.
"Theo thống kê thì nước ta hiện nay có khoảng 950.000 doanh nghiệp và 5 triệu hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh. Thực tế trong 5 triệu hộ, cá nhân kinh doanh thì có rất nhiều hộ kinh doanh có doanh thu hàng năm lên đến hàng chục tỉ đồng. Do đó, việc bỏ thuế khoán đối với hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh từ 1-1-2026 sẽ tạo động lực thúc đẩy các hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp"- Luật sư Hưng phân tích.
Bỏ thuế khoán đối với hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh từ năm 2026 sẽ đảm bảo việc thu nộp thuế được minh bạch, công bằng, chống thất thu thuế. Ảnh: QH
2 triệu doanh nghiệp là hoàn toàn khả thi
Cùng với chính sách của Nhà nước về việc hỗ trợ các hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh trong tiếp cận đất đai, thuê nhà xưởng, tiếp cận vốn, khoa học công nghệ, nâng cao năng lực quản trị, pháp lý miễn phí, cung cấp miễn phí các nền tảng số, phần mềm kế toán dùng chung cho các hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh cũng như miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân trong 2 - 3 năm và giảm thuế trong 4 năm tiếp theo ...thì mục tiêu đến năm 2030 có 2 triệu doanh nghiệp là hoàn toàn khả thi.
- Luật sư Đào Văn Hưng, Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý và Phát triển doanh nghiệp -
Công nghệ là chìa khóa
Chuyên gia thuế Nguyễn Thái Sơn nhận định, việc bãi bỏ thuế khoán mang lại nhiều điểm tích cực. Điểm rõ nét nhất là hộ kinh doanh không phát sinh doanh thu hoặc bị lỗ sẽ không phải nộp thuế, nhờ phương pháp kê khai và hóa đơn điện tử. Trong khi đó, với thuế khoán, kể cả thua lỗ, họ vẫn phải đóng thuế cố định hằng tháng.
Tuy nhiên, ông Sơn cũng thừa nhận sự thay đổi này có thể gây tâm lý lo ngại cho các hộ nhỏ lẻ vốn quen với sự đơn giản của thuế khoán. Vì vậy, khi ban hành chính sách mới, cần có giải pháp hỗ trợ thiết thực, giúp hộ kinh doanh làm quen và thực hiện các thủ tục thuế.
Giải tỏa băn khoăn về sự phức tạp trong kê khai, ông Sơn nhấn mạnh vai trò của công nghệ. Hộ kinh doanh có thể dùng máy tính tiền kết nối dữ liệu với cơ quan thuế, hoặc khai báo qua điện thoại với chi phí rất thấp, chỉ vài chục nghìn đồng mỗi tháng.
"Về bản chất, kê khai thuế không đòi hỏi nghiệp vụ kế toán phức tạp. Hộ chỉ cần khai đúng doanh thu thực tế, sau đó áp tỷ lệ thuế nhất định để tính thuế phải nộp. Nếu muốn khấu trừ chi phí đầy đủ, hộ kinh doanh nên cân nhắc chuyển sang mô hình doanh nghiệp và tận dụng các ưu đãi thuế kèm theo" - ông Sơn khuyến nghị.
Khi bỏ thuế khoán thì phương thức kê khai thực tế với tỷ lệ thuế thấp chỉ từ 1,5 - 10% (gồm thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng) trên tổng doanh thu. Ảnh: QH/AI
Luật sư Trần Xoa, chuyên gia thuế cho biết phương pháp thuế khoán, ấn định doanh thu và mức thuế cố định vẫn phổ biến nhưng bộc lộ bất cập: thiếu minh bạch, dễ thỏa thuận "ngầm", không phản ánh đúng thực tế. Do đó, chủ trương bỏ thuế khoán từ năm 2026 được đánh giá là phù hợp.
"Khi chuyển sang kê khai, hộ kinh doanh sẽ nộp thuế dựa trên doanh thu thực tế. Bán nhiều nộp nhiều, bán ít nộp ít, không có doanh thu thì không phải nộp thuế. Hộ có doanh thu dưới 200 triệu đồng/năm có thể được miễn thuế. Khi bỏ thuế khoán thì phương thức kê khai thực tế với tỷ lệ thuế thấp"- Luật sư Xoa phân tích.
Nếu muốn khấu trừ chi phí đầy đủ, hộ kinh doanh nên cân nhắc chuyển sang mô hình doanh nghiệp. Ảnh: QH
Cụ thể, nếu bỏ thuế khoán thì hộ kinh doanh nộp thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng tính trên doanh thu theo Thông tư 40/2021 của Bộ Tài chính. Như thuế suất 1,5% với phân phối hàng hóa, 7% với dịch vụ, xây dựng không bao thầu vật liệu, và 10% với cho thuê tài sản. Mức thuế cũng thấp nên các hộ kinh doanh nên thực hiện nghiêm túc.
Theo Luật sư Trần Xoa, để kiểm soát, ngành thuế áp dụng giải pháp về công nghệ. Một là, sử dụng hóa đơn điện tử cho mọi giao dịch, từ đó đối chiếu doanh thu nhập hàng và bán ra. Hai là, kiểm soát dòng tiền qua ngân hàng, đặc biệt với mã QR liên kết tài khoản. Nếu dòng tiền cao mà kê khai doanh thu thấp, cơ quan thuế sẽ can thiệp.
Sẽ có luật riêng cho hộ kinh doanh
Tại phiên thảo luận Quốc hội mới đây (ngày 20-5), Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết hộ kinh doanh hiện chưa thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp. Trước đó, Quốc hội từng bác đề xuất bổ sung hộ kinh doanh vào luật này do không phù hợp về tên gọi và phạm vi điều chỉnh. Tuy nhiên, theo chỉ đạo từ Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị, cần hoàn thiện khung pháp lý cho kinh doanh cá thể. Vì vậy, Bộ Tài chính đang xem xét đề xuất xây dựng Luật Hộ kinh doanh cá thể.
Ngoài ra, Bộ cũng tính toán các chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp như: miễn thuế thu nhập trong giai đoạn đầu, hỗ trợ tiền thuê đất, đơn giản hóa thủ tục thuế và kế toán. Đồng thời, từ năm 2026, sẽ bỏ thuế khoán, chuyển sang kê khai theo doanh thu thực tế và bắt buộc xuất hóa đơn điện tử từ máy tính tiền. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định mô hình doanh nghiệp sẽ mang lại nhiều thuận lợi và ưu đãi hơn cho hộ kinh doanh.
QUANG HUY
Nguồn PLO : https://plo.vn/bo-thue-khoan-ky-vong-ho-kinh-doanh-se-chuyen-minh-post850957.html