Khu vực lưu trú xinh xắn, thân thiện với môi trường của La Bằng Farmstay thu hút nhiều du khách đến trải nghiệm.
Chúng tôi đến xã La Bằng đúng giữa trưa hè tháng 5 oi ả. Theo người dân địa phương, đây cũng là thời điểm La Bằng “hút” nhiều khách du lịch nhất trong năm. Do nằm bên sườn Đông của dãy núi Tam Đảo nên vùng đất nơi đây được thiên nhiên ưu ái với cảnh quan đẹp và khí hậu mát mẻ. Du khách có thể đắm mình giữa không gian thoáng đãng, mát mẻ của núi rừng; cắm trại, tắm suối, chinh phục những vách núi và thác nước, leo núi theo những con đường mòn, ngắm nhìn thiên nhiên hùng vĩ…
Anh Nguyễn Văn Tới, chủ cơ sở La Bằng homestay: Chúng tôi lên ý tưởng và xây dựng một địa điểm du lịch với không gian xanh mát, sạch sẽ, đồng thời giữ được tối đa nét đẹp của thiên nhiên bản địa bằng nhiều loại hoa, cây xanh, vật liệu thân thiện với môi trường.
Ông Trần Văn Tiến, người dân xóm Rừng Vần, thu gom rác thải ở khu vực suối Kẹm, xã La Bằng.
Không chỉ hộ kinh doanh có ý thức tạo cảnh quan du lịch xanh, sạch, đẹp, ý thức bảo vệ môi trường còn đến từ chính những người dân địa phương nơi đây. Chúng tôi cảm nhận được điều đó khi trải nghiệm tại suối Kẹm và tận mắt chứng kiến một người đàn ông trung tuổi, dáng người mảnh khảnh đang cần mẫn gom nhặt từng chai nhựa, vỏ bánh, giấy gói đồ ăn… Đó là ông Trần Văn Tiến, ở xóm Rừng Vần.
Ông Trần Văn Tiến: Mỗi ngày, tôi đều có mặt ở dòng suối này. Khi thấy có nhiều rác thải vứt bừa bãi, tôi tiện tay nhặt, thu gom lại rồi mang bỏ vào đúng nơi quy định. Tôi cảm thấy vui vì việc làm của mình góp phần giúp dòng suối luôn trong lành, không còn rác trôi rạt bên bờ, hay mắc kẹt ở ghềnh đá như trước…
Trao đổi với chúng tôi, bà Hoàng Thị Phương, Phó Trưởng phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin huyện Đại Từ, cho biết: Huyện Đại Từ có lợi thế về phát triển du lịch nổi trội dọc sườn Đông dãy Tam Đảo; du lịch văn hóa tâm linh và các hệ thống đình, đền, chùa… với nền nông nghiệp lâu đời, còn lưu giữ nhiều nét bản sắc văn hóa các dân tộc. Do đó, để thu hút du khách ngoài việc đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng phục vụ, thì các khu, điểm du lịch trong huyện đều chú trọng đến việc giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ môi trường.
Hằng năm, địa phương thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ du lịch gắn với việc tuyên truyền công tác bảo vệ môi trường nhằm tạo sự chuyển biến và nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của người dân, các hộ kinh doanh du lịch.
Rác thải tại Khu du lịch hồ Núi Cốc liên tục được thu gom, vận chuyển đến nơi quy định.
Việc giữ cảnh quan xanh, sạch, đẹp, thân thiện với môi trường cũng là mục tiêu mà Khu du lịch Quốc gia hồ Núi Cốc luôn hướng đến. Ông Nguyễn Minh Chí, Tổng Giám đốc Công ty CP khách sạn du lịch công đoàn hồ Núi Cốc, thông tin: Để đảm bảo giữ gìn vệ sinh môi trường sạch sẽ, an toàn tại các điểm tham quan, vui chơi, chúng tôi đều lắp đặt thùng rác và có biển chỉ dẫn du khách bỏ rác đúng nơi quy định. Ngoài ra, tổ vệ sinh môi trường của Công ty thường xuyên thu gom, không để xảy ra tình trạng ô nhiễm vì rác thải, góp phần tạo ấn tượng tốt với du khách.
Với 10 xã, thị trấn bám dọc dãy núi Tam Đảo, Đại Từ có nhiều hồ, thác nước tự nhiên đẹp say đắm lòng người, những đồi chè bát úp trải dài, tạo nên cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ. Nơi đây còn là mảnh đất mang nhiều dấu ấn lịch sử với gần 170 điểm di tích. Trên cơ sở đó, nhiều sản phẩm du lịch đã, đang từng bước được Đại Từ xây dựng, phát triển như: Du lịch cộng đồng, nông nghiệp gắn với văn hóa trà; du lịch lịch sử, tâm linh; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Chính vì vậy, công tác bảo vệ môi trường tại các khu, điểm du lịch càng trở nên quan trọng.
Nhiều ý kiến cho rằng, ngoài nỗ lực của những người làm du lịch, chính quyền địa phương, thì rất cần sự chung sức của cả người dân và du khách đến tham quan. Ngoài ra, cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, mở các lớp tập huấn về bảo vệ môi trường cho nhân dân, những hộ kinh doanh du lịch…
Thu Huyền