Ban đầu, người nuôi thấy "dễ thở" hơn vì cá và một số loại thủy sản mới khác phát triển thuận lợi, ít dịch bệnh. Tuy nhiên, tương lai thì vẫn mập mờ vì cần có thời gian để biết chắc vật nuôi mới có thực sự phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của vùng hay không và thị trường có thể tiêu thụ ở mức nào.
Ông Tạ Thanh Tùng, ngụ ấp Nhà Thờ, xã Trung Bình, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng bên ao nuôi cá dứa được chuyển đổi từ ao tôm. Ảnh: Trung Chánh
Những người “đánh lẻ” tìm hướng mới
Vài năm gần đây, có không ít hộ nuôi tôm ở huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng, một trong những địa phương nuôi tôm trọng điểm của vùng ĐBSCL đã quyết định chuyển đổi sang mô hình nuôi cá nước lợ. Quyết định này được đưa ra khi môi trường cho tôm nuôi phát triển ngày càng khó khăn, dịch bệnh gia tăng, nông dân thường xuyên rơi vào cảnh thua lỗ do tỷ lệ nuôi thành công thấp.
Trao đổi với KTSG Online, ông Tạ Thanh Tùng, ngụ ấp Nhà Thờ, xã Trung Bình, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng, người đang nuôi 3 héc ta (gồm 7 ao) cá dứa cho biết, ông đã nhiều năm lăn lộn với cả tôm sú và thẻ chân trắng nhưng cuối cùng phải chuyển phần lớn diện tích ao nuôi tôm sang cá dứa vì nuôi tôm rủi ro quá cao, thường xuyên thua lỗ.
Người nông dân này kể, cách đây 22 năm, ông bắt đầu sự nghiệp nuôi trồng thủy sản với con tôm sú, đến năm 2010 chuyển sang thẻ chân trắng. Tuy nhiên, 5 năm trở lại đây, phần lớn diện tích ao nuôi đã được chuyển sang cá dứa.
“Lúc trước dễ nuôi hơn còn bây giờ nuôi là chết”, ông nói và cho biết, mới có thêm một ao tôm 30 ngày tuổi chết. Quá trình nuôi cá dứa dù cũng xảy ra dịch bệnh nhưng tỷ lệ thấp hơn rất nhiều so với con tôm.
Cũng trong tình cảnh tương tự, ông Nguyễn Thái Việt, ngụ ấp Mỏ Ó, xã Trung Bình, huyện Trần Đề, cho biết ba năm trở lại đây, gia đình ông đã chuyển toàn bộ 6 héc ta diện tích ao tôm sang nuôi cá hồng mỹ, kết thúc 20 năm gắn bó với tôm, loại thủy sản chủ lực của ĐBSCL.
Theo ông, ở giai đoạn hiện tại, cá phát triển rất thuận lợi, ít bị thiệt hại do dịch bệnh, nhưng tương lai xa hơn vẫn là… ẩn số vì những vật nuôi mới thường phát triển thuận lợi trong những năm đầu. “Ví dụ, hơn 10 năm trước, nuôi tôm ở đây rất thuận lợi nhưng hiện nay rất khó khăn, phát sinh rất nhiều loại dịch bệnh, môi trường bị ô nhiễm. Đáng nói là trước đây dịch bệnh xảy ra theo mùa nhưng hiện nay xảy ra bất cứ lúc nào”, ông Việt chia sẻ.
Về hiệu quả kinh tế, ông cho biết, dù không cao hơn so với con tôm (trường hợp nuôi tôm thành công nhưng duy trì ổn định khoảng 10-20%. Bù lại, nuôi cá rủi ro thấp, chăm sóc nhẹ nhàng hơn con tôm.
Trao đổi với KTSG Online, ông Võ Điền Trung Dũng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Đại Ngư Nghiệp, đơn vị có hơn 40 héc ta diện tích nuôi cá chẽm cho biết, loại cá này và một số loại thủy sản khác khá phù hợp để phát triển ở các địa phương ven biển ĐBSCL nói chung và Sóc Trăng nói riêng. Giữa phát triển nuôi tôm và cá nước lợ, mỗi loại đều có vai trò riêng nhưng ông quyết định chuyển đổi vì thấy cơ hội của loại thủy sản mới này.
Ở thời điểm hiện tại, cá chẽm bán cho doanh nghiệp chế biến xuất khẩu 90.000 đồng/kg (cá ướp đá), trong khi cá oxy (cá sống) bán thị trường nội địa 95.000 - 100.000 đồng/kg, tức đạt lợi nhuận 20.000 - 30.000 đồng/kg.
Ông Phan Văn Hà, Trưởng trạm khuyến nông huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng, cho biết riêng địa phương này, đến cuối năm ngoái, đã có 65 hécta nuôi tôm chuyển đổi sang nuôi cá chẽm, 36 hécta cá dứa, 55 héc ta cá hồng mỹ, 20 hécta cá kèo và 100 héc ta nuôi cua biển.
Theo ông, người dân chuyển đổi do tôm nuôi bị dịch bệnh tăng trong khi giá cả vật tư đầu vào gồm giống, thức ăn, chế phẩm nuôi tăng. Hiện chủ trương của ngành và của Sóc Trăng là đa dạng hóa đối tượng vật nuôi, khi chuyển tôm sú và thẻ chân trắng, hai vật nuôi chủ lực sang một số loại thủy sản khác cơ bản cũng đáp ứng được mong đợi của người dân.
Cần giải quyết nút thắt thị trường để hỗ trợ nuôi cá nước lợ trong ao tôm phát triển. Trong ảnh là nông dân đang thu hoạch cá chẽm. Ảnh: Trung Chánh
“Nút thắt” thị trường
Các mô hình chuyển đổi từ tôm nước lợ sang cá mang lại hiệu quả tích cực nhưng để tạo sự lan tỏa, trở thành ngành hàng chủ lực, đóng góp quan trọng cho ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung vẫn còn nhiều khó khăn.
Ông Hà cho biết, khả năng nhân rộng mô hình/diện tích của một số đối tượng nuôi chưa thật sự phổ biến do chưa chủ động được con giống, nhất là cá kèo phụ thuộc vào nguồn giống tự nhiên trong khi cua biển lại mang tính thời vụ.
Ngoài ra, một số vật nuôi mang lại hiệu quả còn khiêm tốn như cá dứa có giá bán 70.000-75.000 đồng/kg, thời gian nuôi kéo dài 18 đến 24 tháng làm cho hiệu quả kinh tế chưa được như kỳ vọng. Nhà nông cũng thiếu vốn để đầu tư dài hạn nên sức hấp dẫn và lan tỏa chưa nhiều.
Trao đổi với KTSG Online, Nguyễn Văn Hà, Chủ trang trại Khang Thịnh (Sóc Trăng), cho biết do có ít đơn vị chế biến các loại cá nước lợ xuất khẩu khiến khả năng cạnh tranh không cao, người nuôi thường xuyên bị ép giá. Chẳng hạn, với cá chẽm, hiện chỉ có một đơn vị ở Tiền Giang chế biến phi lê xuất khẩu sang Úc, Nhật Bản, Trung Quốc. Các loại khác như cá hồng mỹ thì bán cá sống cho thị trường nội địa thông qua chợ đầu mối Bình Điền.
Ông Võ Quan Huy, Chủ tịch Hiệp hội tôm Mỹ Thanh cũng xác nhận, hiện chỉ có một nhà máy chế biến ở Tiền Giang khai thác phân khúc sản phẩm cá nước lợ phi lê xuất khẩu. Do đó, để giải quyết bài toán phát triển mô hình nuôi này vấn đề cần quan tâm là phải giải quyết đầu ra. Cùng với đó, cần mở rộng thị trường cũng như đơn vị tham gia chế biến để tăng khả năng tiêu thụ, giúp giá mua bán trong nước ổn định nhằm khuyến khích nông dân đầu tư phát triển.
Ông Dũng của Công ty Đại Ngư Nghiệp cho biết, hiện cung cấp ra thị trường khoảng 3.000 tấn cá chẽm mỗi năm. Trong đó, có 1.000 tấn cho chế biến xuất khẩu và 2.000 tấn phục vụ thị trường nội địa như TPHCM, Cần Thơ, Long An và Tiền Giang.
Rõ ràng, việc “đánh lẻ”, chuyển đổi ao nuôi tôm nước lợ sang cá bước đầu giúp nông dân hạn chế được rủi ro về dịch bệnh và có hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, để trở thành ngành hàng chủ lực, đóng góp quan trọng vào ngành nông nghiệp là vấn đề không dễ dàng.
Trung Chánh