Chiều 4/7, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ đã có buổi làm việc với Viện nghiên cứu Cơ khí. Tham dự buổi làm việc còn có đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương.
Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: Cấn Dũng
Phát biểu khai mạc buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, buổi làm việc lần này nhằm lắng nghe báo cáo về tình hình hoạt động và kết quả công tác của Viện thời gian qua, đặc biệt là các kiến nghị, đề xuất liên quan đến những nhiệm vụ trọng tâm mà Đảng, Nhà nước giao cho ngành Công Thương, cũng như các nhiệm vụ mà Bộ giao cho Viện.
"Trên cơ sở đó, chúng ta cùng trao đổi, đánh giá, đề xuất các cơ chế hỗ trợ, chính sách phù hợp, đồng thời tìm kiếm giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để Viện hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu. Ảnh: Cấn Dũng
Viện Nghiên cứu Cơ khí thành lập ngày 6/7/1962, đến nay đã trải qua 63 năm hình thành và phát triển.
Tiền thân từ Viện Thiết kế chế tạo cơ khí, chỉ với 30 cán bộ, đến nay Viện đã có đội ngũ cán bộ khoa học và cộng tác viên khá hùng mạnh. Viện đã khẳng định là một đơn vị đầu ngành về công tác nghiên cứu phát triển và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực cơ khí - tự động hóa. Trên thực tế, Viện là một trong những đơn vị có nhiều đóng góp trong việc đặt nền móng và tạo các bước đột phá cho cho sự phát triển của ngành cơ khí trong nước. Hoạt động của Viện đã có tác động trực tiếp đến chiến lược phát triển ngành, luôn hướng tới và đáp ứng kịp thời các yêu cầu, nhiệm vụ của các chương trình kinh tế trọng điểm của đất nước.
Vinh dự của Viện còn là nơi đã đào tạo, đóng góp nhiều cán bộ được bổ nhiệm giữ chức vụ cao trong các cơ quan lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Nhiều cơ sở nghiên cứu khoa học, nhà máy cơ khí đã được hình thành từ các đơn vị của Viện.
Bên cạnh đó, Viện đã tham mưu Bộ Công Thương để ban hành các cơ chế chính sách để phát triển ngành cơ khí như: Quyết định 1791/QĐ-TTg, Đơn giá 3005 và 2519 về thiết bị cơ khí thủy công theo Quyết định 797/400 của Thủ tướng Chính Phủ, Thông tư 23/2014/TT-BCT quy định trình tự lập, thẩm định và phê duyệt hợp đồng thiết kế, chế tạo trong nước thiết bị phụ nhà máy nhiệt điện, Quyết định 2572/QĐ-BCT ban hành định mức dự toán chuyên ngành thiết kế, chế tạo thiết bị nhà máy nhiệt điện…
Đặc biệt, Viện đã chủ trì, phối hợp với Cục Công nghiệp, Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công xây dựng “Đề án phát triển ngành cơ khí điện, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa” theo phân công của Bộ trưởng tại Quyết định số 2350/QĐ-BCT ngày 30/8/2024, dự thảo Đề án đã được trình Bộ vào tháng 5/2025.
Trong công tác nghiên cứu khoa học và sản xuất, kinh doanh, để có được sự phát triển ổn định và bền vững, bên cạnh việc sớm làm chủ các công nghệ truyền thống, Viện đi lên từ các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ, nghiên cứu phát triển và hiện đại hóa các công nghệ nền.
Đến nay, năng lực cán bộ Viện đã có bước tiến nhảy vọt không chỉ trong công tác nghiên cứu, thiết kế, mà Viện còn đủ năng lực làm tổng thầu EPC hay EPCM cho nhiều lĩnh vực.
Với những thành tựu đạt được trong nghiên cứu khoa học, các cá nhân và tập thể Viện đã được tặng thưởng nhiều giải thưởng khoa học lớn như giải thưởng Hồ Chí Minh, các giải Nhất, Nhì, Ba Sáng tạo khoa học Việt nam (VIFOTEC), giải thưởng của tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), giải thưởng Kovalepskaia.
Báo Công Thương sẽ tiếp tục cập nhật thông tin...
Viện Nghiên cứu Cơ khí đã từng bước khẳng định vai trò là đơn vị nghiên cứu đầu ngành, đặt nền móng và tạo bước đột phá cho sự phát triển ngành cơ khí - tự động hóa nước nhà, ngành công nghiệp có tính chất nền tảng, “xương sống”, giúp nâng cao tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế đất nước.
Quỳnh Nga - Lê An