Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng: 5 động lực để Việt Nam đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2025

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng: 5 động lực để Việt Nam đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2025
4 giờ trướcBài gốc
Năm 2025, kinh tế Việt Nam dự báo tiếp tục có những yếu tố thuận lợi đan xen với khó khăn, thách thức. Trong đó, về thuận lợi, có thể kể đến như: Tư duy chiến lược, tầm nhìn phát triển về kỷ nguyên mới - kỷ nguyên phát triển vươn mình, phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng của dân tộc.
Cùng với đó là sự thống nhất nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị về đổi mới mạnh mẽ, dứt khoát, quyết liệt, cách mạng và toàn diện hơn nữa trong quản lý kinh tế. Sự kế thừa, phát huy mạnh mẽ kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội, các ngành, lĩnh vực và địa phương trong năm 2024.
Thuận lợi nữa cho tăng trưởng kinh tế năm 2025 đó là niềm tin của nhân dân, doanh nghiệp và bạn bè quốc tế đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2025. Đồng thời với đó là những cơ hội thu hút đầu tư, thúc đẩy thương mại từ vị thế của Việt Nam trên bản đồ công nghiệp bán dẫn, khởi nghiệp sáng tạo toàn cầu.
Năm 2025, Chính phủ đã trình Trung ương Đảng, Quốc hội quyết nghị mục tiêu tăng trưởng năm 2025 là 6,5-7%, phấn đấu 7-7,5%, đồng thời, yêu cầu phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên. Đây là mức tăng trưởng cao, nhiều thách thức, nhưng có thể đạt được và cần quyết tâm đạt được để tạo đà tăng trưởng bứt phá cho kỷ nguyên phát triển mới.
Tuy nhiên, để đạt được mức tăng trưởng trên, tôi nhấn mạnh 5 động lực chủ yếu sau đây: Thứ nhất, sự đoàn kết, tinh thần đột phá, đổi mới của hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, hiệu quả có trọng tâm, trọng điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương và ủng hộ của bạn bè quốc tế.
Thứ hai, những thành tựu phát triển năm 2024 được tiếp nối, thúc đẩy mạnh mẽ hơn trong năm 2025. Các ngành, địa phương trên cả nước có động lực phấn đấu tăng trưởng bứt phá, cao hơn năm 2024. Trong đó, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh phấn đấu tăng trưởng 8-10% để phát huy vai trò đầu tàu kinh tế.
Thứ ba, năm 2025, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược; trong đó, thể chế được xác định là “đột phá của đột phá” để tập trung tháo gỡ, hoàn thiện, nhằm giải phóng mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực đang bị tồn đọng cho phát triển.
Năm 2025 là năm có nhiều thuận lợi trong giải ngân vốn đầu tư công. Các dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư, bước vào giai đoạn nước rút hoàn thành. Do đó, sẽ đóng góp ngay cho tăng trưởng và mở ra không gian phát triển mới cho các vùng, các địa phương.
Thứ tư, sự ổn định về kinh tế, chính trị, xã hội và triển vọng tăng trưởng, phát triển của Việt Nam ngày càng bộc lộ rõ. Các doanh nghiệp trong và ngoài nước cam kết đầu tư, gắn bó lâu dài, đồng hành cùng với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.
Thứ năm, sự phát triển mạnh mẽ của các ngành, lĩnh vực mới, các mô hình kinh tế mới, động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, khu thương mại tự do, trung tâm tài chính quốc tế và khu vực…
Tình hình thế giới năm 2025 dự báo tiếp tục rất khó khăn, thách thức, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế trong nước. Trong khi đó, Chính phủ quyết tâm yêu cầu tăng trưởng 8% trở lên năm 2025, cao hơn mục tiêu của Quốc hội đề ra là 6,5-7%, phấn đấu 7-7,5%.
Theo đó, để thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025, theo tôi Việt Nam cần tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả 5 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau đây:
Thứ nhất, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn. Các ngành, các địa phương động lực phải phấn đấu tăng trưởng bứt phá, cao hơn năm 2024. Trong đó, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh phải phấn đấu tăng trưởng 8-10% để phát huy vai trò đầu tàu kinh tế.
Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược; trong đó, thể chế được xác định là “đột phá của đột phá” để tập trung tháo gỡ, hoàn thiện, nhằm giải phóng mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực đang bị tồn đọng cho phát triển.
Năm 2025 là năm có nhiều thuận lợi trong giải ngân vốn đầu tư công. Các dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư, bước vào giai đoạn nước rút hoàn thành. Do đó, sẽ đóng góp ngay cho tăng trưởng và mở ra không gian phát triển mới cho các vùng, các địa phương.
Thứ ba, giữ vững ổn định về kinh tế, chính trị, xã hội, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh. Qua đó, củng cố niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư về triển vọng phát triển kinh tế, để doanh nghiệp cam kết đầu tư, gắn bó lâu dài, đồng hành cùng với sự phát triển của Việt Nam.
Thứ tư, tập trung thúc đẩy, phát triển mạnh mẽ của các ngành, lĩnh vực mới, các mô hình kinh tế mới, động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, khu thương mại tự do, trung tâm tài chính quốc tế và khu vực…
Thứ năm, đẩy mạnh đối ngoại, tranh thủ mọi nguồn lực bên ngoài và sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, góp phần vượt qua khó khăn, thách thức, thúc đẩy phát triển.
Năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối thực hiện Kế hoạch 5 năm 2021-2025, năm tăng tốc, bứt phá để thực hiện đạt kết quả cao nhất kế hoạch đề ra, chào mừng Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng; đồng thời tích cực chuẩn bị, củng cố nền tảng cho giai đoạn 2026-2030, tạo tiền đề đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc.
Chính phủ đã trình Trung ương Đảng, Quốc hội quyết nghị mục tiêu tăng trưởng năm 2025 là 6,5-7%, phấn đấu 7-7,5%, đồng thời, yêu cầu phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP năm 2025 cao hơn mục tiêu đề ra (8% trở lên).
Đây là nhiệm vụ lớn đặt ra trong bối cảnh thế giới dự báo tiếp tục diễn biến rất phức tạp, nhiều khó khăn, thách thức lớn, yếu tố rủi ro, khó lường, tiềm ẩn tác động không nhỏ đến kinh tế nước ta.
Trong bối cảnh đó, quán triệt tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, ngành Kế hoạch và Đầu tư xác định phương châm “phát triển bứt phá, tự tin vươn mình” để chủ động tham mưu, thực hiện các nhiệm vụ, ngành kế hoạch và đầu tư sẽ tập trung vào 10 nhiệm vụ, giải pháp sau đây:
(1) Bám sát, nắm chắc tình hình, kịp thời báo cáo, tham mưu các chính sách, giải pháp điều hành phát triển kinh tế - xã hội.
Mục tiêu nhất quán là tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
(2) Xác định đột phá về thể chế là “đột phá của đột phá” để thúc đẩy phát triển; tiếp tục đổi mới tư duy xây dựng và hoàn thiện thể chế, pháp luật.
Khẩn trương trình Chính phủ ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư công (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, quy hoạch, đấu thầu, PPP để thực hiện ngay từ đầu năm 2025.
(3) Tập trung tham mưu chỉ đạo, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 đạt khoảng 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Tập trung hoàn thành mục tiêu 3.000 km đường cao tốc, khởi công đầu tư các tuyến đường sắt kết nối Việt Nam - Trung Quốc, khởi động Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam và áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm.
(4) Phát huy hiệu quả vai trò là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án. Góp phần khơi thông nguồn lực lớn đang bị tồn đọng, đóng góp ngay cho tăng trưởng, sản xuất kinh doanh, thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm... trong năm 2025.
(5) Đồng hành cùng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, xác định khó khăn, vướng mắc cũng là khó khăn, vướng mắc của mình để tham mưu hỗ trợ, tháo gỡ.
(6) Tăng cường hợp tác, đối thoại kinh tế với các đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia, nhà đầu tư chiến lược để thu hút các dự án đầu tư lớn trong các lĩnh vực chíp, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo…
Triển khai hiệu quả cơ chế “luồng xanh” cho các dự án công nghệ cao trong các khu công nghiệp, để dự án sớm khởi công, đi vào vận hành.
Tổ chức thực hiện hiệu quả Đề án Trung tâm tài chính quốc tế và khu vực tại Việt Nam, Nghị định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư ngay sau khi được ban hành.
(7) Phát huy hiệu quả hoạt động của các Hội đồng điều phối vùng; kịp thời tham mưu chỉ đạo, đôn đốc để bảo đảm tiến độ thực hiện các quy hoạch, đồng bộ, gắn kết chặt chẽ giữa đầu tư các dự án hạ tầng chiến lược với khai thác các hành lang phát triển mới được mở ra.
(8) Phát huy hiệu quả hoạt động Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo; triển khai hiệu quả Đề án phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn.
(9) Nâng cao năng lực phân tích, dự báo và thống kê, đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu về tính kịp thời, chính xác, khách quan, đầy đủ phục vụ tham mưu, điều hành kinh tế vĩ mô.
(10) Thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế; nghiên cứu, tham mưu các giải pháp, cơ chế chính sách cụ thể để thúc đẩy phát triển mô hình kinh tế mới, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn...
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Nguyễn Hòa (thực hiện)
Đồ họa: Hồng Thịnh
Nguyễn Hòa - Hồng Thịnh
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/bo-truong-bo-ke-hoach-va-dau-tu-nguyen-chi-dung-5-dong-luc-de-viet-nam-dat-muc-tieu-tang-truong-nam-2025-371799.html