Động lực mới thúc đẩy Đà Nẵng vươn mình

Động lực mới thúc đẩy Đà Nẵng vươn mình
4 giờ trướcBài gốc
Ngày 26/6/2024, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 136/2024/QH15 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Đà Nẵng (Nghị quyết 136). Một trong những điểm nhấn của Nghị quyết 136 là việc thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng được đề xuất phát triển theo mô hình đô thị kinh doanh tích hợp, gồm nhiều khu chức năng (khu sản xuất, trung tâm logistics, khu thương mại - dịch vụ và các loại hình khu chức năng khác) nhằm tận dụng tối đa lợi thế phát triển TP.Đà Nẵng tạo sức lan tỏa trong vùng.
THU HÚT ĐẦU TƯ BẰNG CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI
Theo Nghị quyết 136, các chính sách ưu đãi đầu tư trong Khu thương mại tự do Đà Nẵng mang tính chất đặc thù, vượt trội để khắc phục hạn chế cũng như điểm nghẽn khi thực hiện Nghị quyết số 119/2020/QH14. Qua đó, sẽ tạo điều kiện khơi thông nguồn lực, thúc đẩy, tạo xung lực mới để phát triển Thành phố Đà Nẵng, tạo cơ sở pháp lý hữu hiệu để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt về phát triển kinh tế - xã hội của Đà Nẵng.
Các quy định cụ thể bao gồm thời hạn hoạt động của dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng các khu chức năng thuộc Khu thương mại tự do Đà Nẵng, dự án của nhà đầu tư thuê lại đất tại Khu thương mại tự do Đà Nẵng được áp dụng như dự án đầu tư trong khu kinh tế theo quy định của pháp luật về đầu tư; Nhà đầu tư nước ngoài thành lập tổ chức kinh tế tại Khu thương mại tự do Đà Nẵng không phải có dự án đầu tư và không phải thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trước khi thành lập tổ chức kinh tế.
Nhà đầu tư nước ngoài thực hiện trình tự, thủ tục thành lập tổ chức kinh tế như áp dụng đối với nhà đầu tư trong nước theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, pháp luật khác tương ứng với từng loại hình tổ chức kinh tế. Sau khi được thành lập, tổ chức kinh tế thực hiện dự án đầu tư thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư.
Về mức ưu đãi, thời gian miễn, giảm tiền thuê đất đối với dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng các khu chức năng thuộc Khu thương mại tự do Đà Nẵng được áp dụng như dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng các khu chức năng trong khu kinh tế; Mức ưu đãi, thời hạn áp dụng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với dự án đầu tư trong Khu thương mại tự do Đà Nẵng được áp dụng ưu đãi như đối với dự án đầu tư trong khu kinh tế theo quy định của pháp luật.
TRUNG ƯƠNG VÀ ĐỊA PHƯƠNG CÙNG VÀO CUỘC
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 136, ngày 2/10/2024 Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1088/QĐ-CP phân công nhiệm vụ cho các bộ, ngành và TP.Đà Nẵng phối hợp tham mưu Chính phủ khẩn trương ban hành các văn bản pháp lý liên quan về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Đà Nẵng.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao Ủy ban Nhân dân TP.Đà Nẵng, trong tháng 12/2024 hoàn thành việc xây dựng đề án, hồ sơ thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong quý 4 năm 2024 đến quý 1 năm 2025, chủ trì thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng…
Đến nay, TP.Đà Nẵng đã xây dựng dự thảo Đề án Khu thương mại tự do và tổ chức tham vấn ý kiến của các bộ, ngành liên quan và nhiều chuyên gia để hoàn thiện hồ sơ trình thẩm định.
Theo dự thảo Đề án, quy mô diện tích của Khu thương mại tự do Đà Nẵng đến giai đoạn hoàn chỉnh hạ tầng và đồng bộ các khu chức năng đạt khoảng 2.400 ha. Đây là loại hình Khu thương mại tự do có hàng rào cứng với ranh giới không gian xác định, được áp dụng các chính sách ưu đãi cạnh tranh để thu hút các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp trong nước có vị thế dẫn dắt đối với một số ngành ưu tiên.
Khu thương mại tự do Đà Nẵng được tích hợp các chức năng logistics cảng biển, sân bay gắn với các hoạt động thương mại dịch vụ, công nghiệp chế xuất và các chức năng phụ trợ khác; là mô hình phức hợp đa chức năng theo cơ chế liên thông “khu trong khu”. Lấy thu hút phát triển bên ngoài lãnh thổ để cộng hưởng thu hút các hoạt động bên trong lãnh thổ, tạo hiệu ứng liên kết tổng hợp thúc đẩy phát triển vùng, quốc gia.
Theo ông Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP.Đà Nẵng, việc cho phép thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng sẽ tạo cơ sở pháp lý hữu hiệu để địa phương phát huy tiềm năng, lợi thế. Việc hình thành Khu thương mại tự do Đà Nẵng là cơ sở góp phần thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư FDI vào Đà Nẵng và vùng động lực miền Trung, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng và cả nước; đa dạng hóa các hoạt động thương mại, du lịch gắn với vai trò trung tâm của TP.Đà Nẵng.
Trong giai đoạn tới, dịch vụ logistics tiếp tục được Đà Nẵng xác định là một ngành quan trọng, tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế - xã hội. Thành phố đang quyết liệt đẩy nhanh tiến trình đầu tư các dự án trọng điểm như khu bến Liên Chiểu, trung tâm logistics tại Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng cũng như các trung tâm logistics, cảng cạn...
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài, với vị thế là một trong những thành phố phát triển năng động và hiện đại của Việt Nam, Đà Nẵng đã trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Nghị quyết số 136/2024/QH15 cho phép Đà Nẵng thành lập Khu thương mại tự do, là cơ sở để thí điểm các chính sách mới, làm tiền đề để luật hóa các quy định về khu thương mại tự do cho cả nước.
Việc phát triển mô hình các khu thương mại tự do sẽ là cơ hội thuận lợi đưa ngành dịch vụ logistics Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng phát triển và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng logistics toàn cầu. Thời gian qua, Bộ Công Thương luôn đồng hành cùng TP.Đà Nẵng trong quá trình xây dựng và triển khai Đề án thành lập Khu thương mại tự do. cũng như các nhiệm vụ thúc đẩy phát triển ngành logistics...
Theo Nghị quyết 136, Quốc hội cho phép TP.Đà Nẵng được thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư phát triển trong lĩnh vực công nghệ chip bán dẫn, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE), pin công nghệ mới, vật liệu mới và sản phẩm công nghệ cao, quản lý khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo... Trong đó, cơ chế mang tính đòn bẩy là việc thành lập Khu thương mại tự do gắn với cảng biển Liên Chiểu, nhằm mục tiêu thu hút đầu tư, tài chính, thương mại, du lịch và dịch vụ chất lượng cao; Phát triển dịch vụ logistics kết nối hiệu quả với Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Hành lang kinh tế Đông – Tây, giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng khẳng định: việc Quốc hội cho phép Đà Nẵng được thí điểm thành lập Khu thương mại tự do là chủ trương lớn, có ý nghĩa rất quan trọng, là “cú hích”, động lực lớn để kinh tế TP.Đà Nẵng phát triển và gánh vác sứ mệnh đầu tàu Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
TẠO CÚ HÍCH CHO ĐÀ NẴNG VƯƠN MÌNH
Ông Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh chính sách thí điểm Khu thương mại tự do mang tính đột phá, dám nghĩ, dám làm để thử nghiệm một mô hình đã được thế giới khẳng định nhưng chưa có tiền lệ ở Việt Nam. Đây là điều kiện rất thuận lợi để Đà Nẵng trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa của khu vực và quốc tế, góp phần thu hút mạnh mẽ các dòng vốn lớn đầu tư trong nước và FDI vào thành phố.
Theo TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cảng biển Liên Chiểu là yếu tố quyết định sự thành công của Khu thương mại tự do. Đà Nẵng cần khẩn trương hoàn thiện hạ tầng cảng, xây dựng mở rộng thêm nhiều tuyến đường kết nối với cảng Liên Chiểu. Chính phủ quyết định đầu tư hơn 3.400 tỷ đồng xây dựng cảng biển Liên Chiểu (giai đoạn 1-Phần cơ sở hạ tầng dùng chung). Quốc hội đã đồng ý để Đà Nẵng làm thí điểm Khu thương mại tự do đầu tiên của nước ta nhằm tạo đột phá phát triển TP.Đà Nẵng, qua đó để rút kinh nghiệm cho các địa phương khác áp dụng.
Theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng, Khu thương mại tự do là một trong những đột phá, thể hiện tinh thần dám nghĩ, dám làm của Chính phủ cũng như TP.Đà Nẵng. Các chính sách trong Nghị quyết 136 đều hướng tới mục tiêu phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đây là điểm mới, khác biệt so với chính sách ở các địa phương khác. Chính sách sẽ tập trung vào lĩnh vực người Việt Nam có thế mạnh như thiết kế chip bán dẫn và chip trí tuệ nhân tạo (AI); đưa ra nhiều cơ chế để thu hút tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới về đầu tư. Các tập đoàn như Intel, Qualcomm, Ampere, ARM đã đặt vấn đề đầu tư vào thành phố, họ chỉ chờ cơ chế chính sách này. Đà Nẵng sẽ thu hút nguồn lực cho ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, hiện thực hóa mục tiêu Chính phủ, Quốc hội đang đặt ra là xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao.
Ngoài nguồn lực từ Trung ương, Đà Nẵng sẽ xây dựng chính sách để tăng tính tự chủ và huy động nguồn lực của xã hội cho đầu tư phát triển. Đây là việc rất mới so với địa phương khác, là động lực giúp Đà Nẵng vươn mình mạnh mẽ trong tương lai gần...
Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 4+5-2025 phát hành ngày 27/1/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/tap-chi-kinh-te-viet-nam/detail/1194
Ngô Anh Văn
Nguồn VnEconomy : https://vneconomy.vn/dong-luc-moi-thuc-day-da-nang-vuon-minh.htm