Trong những ngày đầu năm mới, không khí khẩn trương, tấp nập trên công trường các đại dự án mới cho thấy quyết tâm rất mạnh mẽ của Chính phủ và hoàn hệ thống chính trị. Trong đó, đầu tư vào hạ tầng cả giao thông và năng lượng là những "xương sống" quan trọng để "thay da đổi thịt" cả nền kinh tế.
Các nhà thầu, kỹ sư và công nhân lao động vẫn miệt mài bám trụ tại công trường để thi công xuyên Tết, nhằm hoàn thành nhiều dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia theo đúng cam kết với Chính phủ.
Dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành thi công xuyên Tết Nguyên đán. (Ảnh: VGP).
Như tại Dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành, để tiến độ đảm bảo, Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, liên danh các nhà thầu duy trì 70% nhân sự với 3.000 thiết bị máy móc thi công tại công trường. Điều này cho thấy nỗ lực trong việc hoàn thành cơ bản sân bay vào cuối năm 2025.
Hay tại các dự án cao tốc khác nhưDự án cao tốc Hàm Nghi - Vũng Áng, Dự án xây dựng cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng, các nhà thầu đang cũng huy động hàng loạt nhân sự ở lại dự án để hoàn thành đúng tiến độ.
Không chỉ các dự án đang triển khai, các đại dự án lớn như: Đường sắt cao tốc Bắc - Nam, các tuyến đường sắt đô thị chưa khởi công cũng đang quyết liệt thực hiện công tác chuẩn bị hồ sơ dự án.
Những đại dự án như vậy sẽ mang lại tác động tích cực đối với tăng trưởng trong ngắn hạn mà còn làm thay đổi diện mạo cho Việt Nam.
Động lực quan trọng với mục tiêu tăng trưởng 8% 2025
Theo ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, trong cỗ xe tam mã đầu tư - xuất khẩu - tiêu dùng, trong năm 2025, đầu tư công là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng. "Trong ngắn hạn, động lực này nằm trong tầm tay của Chính phủ và có nhiều việc có thể làm được ngay", ông Hùng nói.
Hạ tầng giao thông giống như xương sống của nền kinh tế, các kết nối hạ tầng liên quan đến thương mại và logistics. Trong đó, cần có tất cả các kênh gồm: Cảng biển, cảng hàng không và kết nối với đường bộ, đường sắt và đường thủy.
Các đại dự án sẽ có tác động rất tích cực đến phát triển kinh tế xã hội, không chỉ thúc đẩy tiêu dùng, sử dụng nguồn nhân lực, các dự án này còn tác động đến thu hút đầu tư nước ngoài và tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt thông qua chi phí logistics giảm xuống.
Khi phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ, chi phí vận chuyển chắc chắn sẽ giảm đáng kể, qua đó tác động làm giảm chi phí của doanh nghiệp, nhất là với những ngành hàng xuất khẩu cần có sự cạnh tranh về giá cước vận tải. Không chỉ đóng vai trò là những công trình hoàn thiện mạng lưới giao thông quốc gia, các dự án tỷ USD này còn là động lực để hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài.
Tỷ lệ tăng trưởng của các nguồn vốn. (Nguồn: VNDirect).
Đồng quan điểm, Chuyên gia kinh tế Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân cũng đánh giá, động lực tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, tức là năm 2025 sẽ xuất phát từ động lực chính từ đầu tư, trong đó đầu tư công là chủ yếu.
"Việc khởi công hàng loạt dự án mới sẽ kéo theo các ngành nghề, lĩnh vực khác và là động lực tăng trưởng chính cho năm 2025. Dự án sân bay Long Thành, điện hạt nhân, thu hút các đại bàng trong lĩnh vực công nghệ, đường sắt cao tốc,.. Đây là những chương trình rất lớn có sức ảnh hưởng lâu dài, sâu rộng đến nền kinh tế", ông Thế Anh cho hay.
Các dự án giao thông có sức ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế, như Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam theo tính toán nếu đưa vào triển khai ngay từ năm nay có thể làm tăng khoảng 0,97 điểm % GDP từ nay đến năm 2035.
Việc xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ góp phần tiết kiệm thời gian đi lại cho hành khách với giá trị ước tính khoảng 2 tỷ USD. Đồng thời, giảm chi phí đi lại cho xã hội khoảng 6,5 tỷ USD vào năm 2050.
Bên cạnh đó, các dự án như vậy cũng có thể tiêu thụ được rất lớn nguồn lực nội địa từ lao động, vật liệu xây dựng,… Qua đó, thúc đẩy tiêu dùng trong nước và thu hút một lượng lớn vốn đầu tư của các thành phần kinh tế khác tham gia vào. Tuy nhiên, điểm nghẽn đối với các dự án này là hồ sơ thủ tục còn phức tạp, kéo dài làm giảm hiệu quả đầu tư dự án.
Chính sách đặc thù để đột phá về hạ tầng
GS. Hoàng Văn Cường, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. (Ảnh: NVCC).
Chuyên gia Hoàng Văn Cường, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nói: "Khi thông qua dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, kéo theo hàng loạt chính sách đặc thù để rút ngắn thời gian chấp hành thủ tục hành chính xuống".
Đặc biệt là cần trao quyền cho địa phương. Quyền của người thực thi cần tính đến, trao cho các địa phương và cần công khai trước khi thực hiện, giải trình sau khi thực hiện mới bộc lộ được sự năng động, sáng tạo của các địa phương, chỉ có như vậy, hiệu quả đầu tư công mới được nâng lên, ông đánh giá.
Theo ước tính từ ADB, ngân sách phân bổ dành cho đầu tư công từ 6-7% tổng GDP là ngưỡng tối thiểu để phát triển hạ tầng dài hạn. Hiện mỗi năm Việt Nam phân bổ khoảng 600.000 tỷ đồng đến 700.000 tỷ đồng, như năm 2025 Chính phủ đã đề ra kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025 là 790.727 tỷ đồng, tăng đáng kể so với kế hoạch 670.000 tỷ đồng của năm 2024.
Vốn đầu tư công thực hiện và tỷ lệ tăng trưởng giai đoạn 2019 - 2024. (Nguồn: VNDirect).
Về mặt kế hoạch, lượng vốn dành cho đầu tư công của Việt Nam đã đạt ngưỡng đủ đề phát triển hạ tầng tuy nhiên, do hiệu quả giải ngân thấp nên mỗi năm mới chỉ giải ngân được khoảng trên 5% tổng GDP.
"Tỷ lệ này rất thấp và sau nhiều năm tiếp diễn sẽ gây ra sự đầu tư thiếu hụt trong cái hạ tầng cần thiết", Chuyên gia Kinh tế trưởng ADB cảnh báo.
Điều này khiến cho thu hút đầu tư nước ngoài và phát triển đầu tư trong nước sẽ càng khó khăn, khi có thêm về hạ tầng, năng lượng, giao thông và chi phí vận hành, dịch vụ logistics, rồi thậm chí kể cả là phát triển thị trường ô tô, là phát triển đô thị.
“Khi đầu tư vào hạ tầng không đi trước để đón đầu được cái tăng trưởng dài hạn thì nền kinh tế sẽ gặp phải những áp lực trong cái tăng trưởng giải hạn. Vì vậy, đẩy mạnh hiệu quả đầu tư công rất quan trọng, đạt được hiệu quả tạo động lực cho nền kinh tế",ông Hùng nói.
Theo ông, muốn phát triển nhanh về hạ tầng Chính phủ cần có những biện pháp mạnh mẽ hơn như cải cách thủ tục hành chính để giảm thời gian và chi phí cho các thủ tục xuống. Bên cạnh đó, cần tăng nguồn vốn đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài trong các dự án hạ tầng.
Chính phủ đang nói rất nhiều về các dự án có tính chuyển đổi trạng thái, tính lan tỏa, trong đó các dự án đầu tư công sẽ đáp ứng được yêu cầu này như: Đường sắt cao tốc Bắc – Nam, đường sắt đô thị, đường sắt kết nối các khu công nghiệp ra các cảng cũng rất quan trọng để tạo thuận lợi, thu hút đầu tư, các dự án hạ tầng liên quan đến các khu công nghiệp ở các địa phương.
Tuy nhiên, chỉ mình nguồn vốn đầu tư công là không đủ, vì vậy cần tạo điều kiện để các nhà đầu tư tư nhân, đầu tư FDI tham gia vào xây dựng hạ tầng. Khi đã có hạ tầng khu công nghiệp, giao thông tốt vừa giúp chi phí kinh doanh, chi phí logistics,... thấp đi và hiệu quả đầu tư tư nhân lại tốt lên.
Hạ An