Theo Newsweek, Nga vừa tăng thuế đối với ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc, một động thái được xem là nỗ lực bảo vệ nền sản xuất trong nước trước làn sóng xe hơi giá rẻ đến từ quốc gia láng giềng. Điều này cho thấy dù hai nước là đối tác chiến lược, Nga vẫn muốn duy trì một mức độ độc lập nhất định trong lĩnh vực kinh tế.
Một mẫu xe của Trung Quốc được trưng bày tại Moscow, Nga - Ảnh: Getty
Sự thống trị của các hãng xe Trung Quốc
Trước năm 2022, thị trường ô tô Nga được chi phối bởi các thương hiệu phương Tây như Volkswagen, Toyota, và Hyundai. Tuy nhiên, sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine và hứng chịu các lệnh trừng phạt từ phương Tây, hầu hết các hãng xe nước ngoài đã rút lui, để lại một khoảng trống lớn trong ngành công nghiệp ô tô nước này.
Trung Quốc nhanh chóng tận dụng cơ hội, với các thương hiệu như Geely, Chery, Haval và BYD gia nhập mạnh mẽ vào thị trường Nga. Kết quả là thị phần ô tô Trung Quốc tại Nga đã tăng từ dưới 10% vào năm 2021 lên hơn 60% vào năm 2023. Việc xe hơi Trung Quốc trở nên phổ biến không chỉ giúp Nga có thêm nguồn cung mà còn củng cố quan hệ thương mại song phương, góp phần nâng tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước lên mức 244,8 tỉ USD vào năm 2023.
Tuy nhiên, chính sự bùng nổ này đã khiến chính quyền Moscow lo ngại về khả năng Nga trở thành thị trường tiêu thụ xe Trung Quốc mà không phát triển được ngành sản xuất nội địa. Tình trạng này tương tự như những lo ngại ở Liên minh Châu Âu (EU), nơi các nhà sản xuất ô tô trong khu vực phải đối mặt với xe điện Trung Quốc có giá thành rẻ hơn do khả năng sản xuất quy mô lớn của Bắc Kinh.
Nga tăng thuế tái chế
Nhằm bảo vệ ngành sản xuất ô tô nội địa, vào tháng 10.2024, chính phủ Nga quyết định tăng thuế tái chế đối với ô tô nhập khẩu, một loại thuế được thiết lập từ năm 2012 khi Nga gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Trên danh nghĩa, thuế này nhằm hỗ trợ quá trình xử lý và tái chế xe hơi cũ, nhưng thực tế, nó được sử dụng như một biện pháp bảo hộ để khuyến khích các hãng xe nước ngoài mở nhà máy lắp ráp tại Nga thay vì xuất khẩu trực tiếp.
Với chính sách mới, mức thuế này tăng từ 70% lên 85%, tùy thuộc vào dung tích động cơ, khiến ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc trở nên đắt đỏ hơn đáng kể.
“Nga muốn nhập xe Trung Quốc nhưng lại khăng khăng yêu cầu các nhà sản xuất phải lắp ráp ngay tại Nga. Điều này cho thấy ngay cả đồng minh thân cận nhất của Bắc Kinh cũng không muốn trở thành bãi chứa cho công suất dư thừa của Trung Quốc”, Gregor Sebastian, nhà phân tích của Rhodium Group, nhận xét.
Mức thuế tái chế mới của Nga thậm chí cao hơn thuế chống bán phá giá mà EU áp dụng đối với xe điện Trung Quốc, cho thấy Moscow đang ưu tiên bảo vệ doanh nghiệp nội địa thay vì phụ thuộc quá mức vào nhập khẩu từ Bắc Kinh.
Trung Quốc phản ứng
Bắc Kinh đã nhanh chóng phản ứng trước động thái này của Moscow. Theo các nguồn tin từ ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc, Bộ Thương mại Trung Quốc gần đây đã yêu cầu các doanh nghiệp trong nước đánh giá tác động tiềm tàng của chính sách thuế mới và điều chỉnh chiến lược kinh doanh phù hợp.
Các hãng xe Trung Quốc có thể tăng giá để bù đắp chi phí thuế quan, tuy nhiên, điều này có thể làm giảm khả năng cạnh tranh tại thị trường Nga. Một số công ty có thể xem xét việc đầu tư vào nhà máy sản xuất hoặc lắp ráp tại Nga để né tránh mức thuế cao, giống như cách các thương hiệu phương Tây từng làm trước đây.
Dù Nga và Trung Quốc có mối quan hệ thân cận về chính trị và quân sự, nhưng trên phương diện kinh tế, Moscow vẫn phải duy trì một mức độ độc lập nhất định để không hoàn toàn bị chi phối bởi Trung Quốc. Việc tăng thuế này có thể là một tín hiệu cho thấy Nga không muốn biến mình thành một thị trường tiêu thụ đơn thuần cho xe hơi Trung Quốc mà không phát triển được ngành công nghiệp nội địa.
Hoàng Vũ