Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị. Ảnh: Đức Trung
Hội nghị được tổ chức nhằm thảo luận các nhiệm vụ, giải pháp góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên, tạo đà, tạo thế, tạo lực cho những năm tiếp theo đạt tăng trưởng 2 con số; triển khai Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 57.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết, KHCN, ĐMST, nhân lực chất lượng cao là những nhân tố có ý nghĩa quyết định trong nâng cao năng suất lao động, tối ưu hóa nguồn lực, phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và tạo ra các sản phẩm, dịch vụ có giá trị gia tăng cao.
Bên cạnh đó, KHCN, ĐMST có vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, bền vững, theo chiều sâu, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong kỷ nguyên công nghệ, tạo tiền đề cho những bứt phá mạnh mẽ để đạt được mục tiêu tăng trưởng cao trong thời gian dài. Phát triển mạnh mẽ KHCN, ĐMST là yêu cầu tất yếu để nâng cao vị thế quốc gia, chủ động tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu và từng bước khẳng định vai trò của Việt Nam trong nền kinh tế thế giới.
Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Đức Trung
Theo Bộ trưởng, thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Đảng, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đồng hành của Quốc hội, các Bộ ngành đã đẩy mạnh việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách cho KHCN, ĐMST.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời ban hành các chiến lược, chương trình, đề án, chỉ thị về phát triển các ngành, lĩnh vực trọng tâm; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Nghị định về cơ chế đặc thù cho Trung tâm ĐMST Quốc gia (NIC) tiếp tục được điều chỉnh, bổ sung và dự kiến ban hành trong tháng 02/2025. Đặc biệt, Nghị định 182 quy định việc thành lập và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư đã được Chính phủ ban hành với nhiều chính sách hỗ trợ đột phá được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao và kỳ vọng vào các cơ chế chính sách hỗ trợ trong thời gian tới.
Những nỗ lực và quyết tâm cao của Việt Nam trong việc thúc đẩy KHCN, ĐMST và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đã mang lại những kết quả tích cực, được cộng đồng, đối tác quốc tế đánh giá cao. Hình ảnh, vị thế về KHCN, ĐMST của Việt Nam ngày càng được ghi nhận trên các diễn đàn thế giới cho thấy một Chính phủ năng động, linh hoạt và hiệu quả.
Để KHCN, ĐMST, nguồn nhân lực chất lượng cao là động lực thúc đẩy mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên, tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026-2030,Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, Chính phủ cần đặt quyết tâm cao nhất, nỗ lực lớn nhất để tổ chức thực hiện Nghị quyết số 03 một cách hiệu quả, toàn diện, mang lại những chuyển biến lớn, có tính cách mạng, có tác động rõ nét lên các chỉ số tăng trưởng kinh tế.
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Đức Trung
Theo đó, Bộ KHĐT đề xuất cần triển khai thực hiện ngay 5 nhóm giải pháp trong thời gian tới, cụ thể: Tập trung đẩy mạnh rà soát, loại bỏ các “điểm nghẽn” thể chế ngay trong quý I/2025 đối với các Nghị định và quý II/2025 đối với các Luật.
Thứ hai, xác định ngay các dự án trọng tâm về KHCN, ĐMST gắn với mục tiêu tăng trưởng của ngành, lĩnh vực, địa phương và vùng có thế mạnh để tập trung nguồn lực triển khai thực hiện trong năm 2025.
Thứ ba, nhân rộng mô hình thu hút FDI như thu hút Tập đoàn NVIDIA, tập trung vào dự án đầu tư đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao, dẫn dắt doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; bổ sung quy định về thủ tục đầu tư đặc biệt, tạo “luồng xanh” cho việc triển khai dự án, giúp giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp; sử dụng hiệu quả Quỹ hỗ trợ đầu tư để duy trì sự hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam.
Thứ tư, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trước mắt tập trung vào giáo dục đại học, đào tạo ngắn hạn; thí điểm xây dựng và triển khai cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ sở giáo dục đại học theo gói cam kết đầu ra (KPI) với chính sách học bổng toàn phần cho học viên sau đại học và yêu cầu phải có doanh nghiệp đồng hành.
Thứ năm, đẩy mạnh triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, thúc đẩy kết nối sâu rộng tầm khu vực và quốc tế về KHCN, ĐMST; phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo cho các lĩnh vực trọng tâm để thu hút mọi nguồn lực, trong đó có nhân tài người Việt trên toàn thế giới tham gia vào các ngành, lĩnh vực công nghệ cao: bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học…; khuyến khích, tạo mọi điều kiện cho thế hệ trẻ tham gia học các ngành STEM.
"Với tinh thần quyết liệt, mạnh mẽ của NQ 57-NQ/TW, cùng với các chỉ đạo cụ thể, trực tiếp của NQ 03/NQ-CP, chúng ta cần hết sức khẩn trương, tích cực triển khai, cụ thể hóa các nhiệm vụ được giao, mang đúng tinh thần “đột phá, cách mạng” nhằm khơi thông mọi nguồn lực và cơ chế cần thiết cho KHCN, ĐMST. Tôi tin tưởng rằng với sự đồng lòng, chủ động, quyết tâm của các cơ quan Bộ ngành, địa phương, Viện - trường, doanh nghiệp, chúng ta sẽ cùng nhau triển khai thành công các kế hoạch, nhiệm vụ đề ra" - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định./.
PHÚ THÀNH