Điều tiết nước hay phá đập, bộ trưởng quyết là được, sao phải lên đến Thủ tướng?

Điều tiết nước hay phá đập, bộ trưởng quyết là được, sao phải lên đến Thủ tướng?
4 giờ trướcBài gốc
Một việc chỉ một cơ quan làm
Sáng 12/2, phát biểu tại phiên thảo luận ở tổ, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chủ trương lớn của Đảng là tiến hành cách mạng bộ máy, làm sao tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, cơ cấu phù hợp với tổ chức bộ máy mới.
Đi kèm với đó, Thủ tướng cũng cho rằng, bộ máy mới khi đi vào vận hành, sẽ phát sinh những vướng mắc, trục trặc, và cần phải điều chỉnh. Cũng như khi mua xe ô tô mới về có cái suôn sẻ nhưng cũng có cái vướng phải điều chỉnh, giải quyết. "Thực tiễn luôn đặt ra bài toán có thể trơn tru, thuận lợi nhưng có thể vướng mắc, khó khăn, chúng ta phải giải quyết", Thủ tướng nói.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tại phiên thảo luận. Ảnh: Như Ý
Trên tinh thần đó, Thủ tướng nhấn mạnh phải "đúng vai, thuộc bài", dễ xác định trách nhiệm; phân cấp phân quyền theo hướng "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm". Qua đó, giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ của người dân, doanh nghiệp. Đó là những nguyên tắc rất cơ bản, cần bám sát để triển khai. Từ thực tiễn, thấy vướng mắc phải sửa.
Về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, Thủ tướng cho rằng, lần sửa này phân định rõ cơ quan xây dựng chính sách cũng như vấn đề quy trình. Muốn nhanh và kỹ, cần có sự phối hợp hiệu quả, và một cơ quan chịu trách nhiệm và chịu trách nhiệm đến cùng.
Tuy nhiên, theo Thủ tướng, cùng một công việc mà có 2 cơ quan cùng làm, có khi cũng không tốt. “Một việc chỉ một cơ quan làm, và một cơ quan thì có thể làm nhiều việc. Phải rạch ròi như vậy để rõ trách nhiệm. Tôi thấy đó là đổi mới trong lần này", Thủ tướng nhìn nhận.
Thủ tướng dẫn chứng, cơn bão Yagi vừa rồi, gây chết người như vậy, mưa bão lụt như thế, đặt ra vấn đề, có phá đập Thác Bà hay không, có di dân với hàng chục nghìn người trong đêm hay không?... “Phải có người quyết định. Chỗ này phải rạch ròi, đáp ứng nhu cầu thực tiễn”, Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu tại phiên thảo luận ở tổ. Ảnh: Như Ý
"Không phải quyền anh quyền tôi"
Nhấn mạnh tinh thần cái gì "đã chín, đã rõ", được thực tiễn chứng minh là đúng thì luật hóa, Thủ tướng lưu ý, những vấn đề biến động, như kinh tế thì nên có "khung" để làm linh hoạt, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, xử lý lúc cấp bách, cá biệt. Đồng thời, Thủ tướng bày tỏ, khi thiết kế luật, phải có không gian sáng tạo, phải phân cấp phân quyền nhiều hơn, giảm thủ tục hành chính.
“Rõ ràng việc điều tiết, phá đập hồ Thác Bà, bộ trưởng quyết là được, sao phải lên đến Thủ tướng? Việc này bộ trưởng quyết được rồi. Nếu như anh Hiệp (Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp - PV) nói với tôi là chưa thể phá được, thì tôi làm sao quyết định được, vì tôi có mặt tại chỗ đâu? Việc phân cấp phân quyền nó quan trọng ở chỗ đó, chứ không phải quyền anh quyền tôi”, Thủ tướng dẫn chứng.
“Thực tiễn mình ngồi đây không hình dung hết vấn đề có tính cá biệt, nên cần thiết kế sao cho có tính nguyên tắc, có khung. Làm sao để người dân, doanh nghiệp, chủ thể có liên quan đổi mới sáng tạo và có cơ chế bảo vệ họ, cùng với việc phòng, chống tiêu cực, lãng phí”, Thủ tướng cho hay.
Về quy trình, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, làm sao phải nhanh và quyết nhanh, trên tinh thần phải quý trọng thời gian, trí tuệ. Đây là những vấn đề mang tính quyết định thành công của một công việc.
Luân Dũng
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/dieu-tiet-nuoc-hay-pha-dap-bo-truong-quyet-la-duoc-sao-phai-len-den-thu-tuong-post1716392.tpo