Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trong vai trò Chủ tịch Hội đồng Quản lý Bảo hiểm xã hội, đã có buổi làm việc quan trọng với lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam vào sáng ngày 1/4. (Ảnh: Bảo hiểm xã hội)
Trong bối cảnh Bảo hiểm xã hội Việt Nam chính thức trở thành đơn vị thuộc Bộ Tài chính từ ngày 1/3/2025, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trong vai trò Chủ tịch Hội đồng Quản lý Bảo hiểm xã hội, đã có buổi làm việc quan trọng với lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam vào sáng ngày 1/4.
Tại đây, Bộ trưởng không chỉ ghi nhận những thành tựu ấn tượng của ngành trong 30 năm qua mà còn trực tiếp chỉ đạo 8 nhiệm vụ then chốt, định hướng hoạt động của Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong giai đoạn mới, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, hiệu quả và phục vụ tốt hơn nữa quyền lợi của người dân và người lao động.
Giảm gần 50% đầu mối vẫn đảm bảo hiệu quả
Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW về sắp xếp, tinh gọn bộ máy, toàn hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã giảm mạnh số lượng đơn vị đầu mối từ 1.470 xuống còn 747 đơn vị, tương ứng giảm 723 đơn vị (giảm 49,2%), thể hiện quyết tâm và hiệu quả trong việc đổi mới tổ chức.
Trình bày báo cáo về kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của toàn ngành trong năm 2024 và 3 tháng đầu năm 2025, Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Lê Hùng Sơn cho biết đến nay, độ bao phủ về Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp ngày càng được mở rộng, thể hiện sự tăng trưởng bền vững. Theo đó, ngành đã hoàn thành và hoàn thành vượt các chỉ tiêu quan trọng được giao tại các Nghị quyết của Đảng và Nhà nước. Cụ thể, công tác quản lý tài chính, tài sản và kế toán được thực hiện một cách chặt chẽ, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật. Điều này đảm bảo nguồn lực tài chính luôn sẵn sàng, phục vụ kịp thời việc chi trả các chế độ, chính sách cho hàng triệu người tham gia và thụ hưởng.
Đặc biệt, ông Lê Hùng Sơn nhấn mạnh công tác quản lý đầu tư quỹ Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp luôn được đặt dưới sự giám sát chặt chẽ, thực hiện đúng quy định của pháp luật và Nghị quyết của Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội với kim chỉ nam là "an toàn, bền vững và hiệu quả." Trong đó, việc giải quyết các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp luôn được ưu tiên hàng đầu, đảm bảo nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ với thủ tục hành chính liên tục được cải cách theo hướng tinh gọn, thuận tiện nhất. Cùng với đó, chính sách bảo hiểm y tế cũng được triển khai hiệu quả, vừa kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng quỹ trong bối cảnh nguồn lực còn hạn hẹp song luôn đảm bảo chi đúng, chi đủ, kịp thời cho hoạt động khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Lê Hùng Sơn cho biết đến nay, độ bao phủ về Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm nhân thọ ngày càng được mở rộng, thể hiện sự tăng trưởng bền vững. (Ảnh: Bảo hiểm xã hội)
Một điểm nhấn quan trọng khác là công tác cải cách thủ tục hành chính và chuyển đổi số. Lãnh đạo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam chia sẻ ngành đã và đang đẩy mạnh triển khai trên mọi lĩnh vực, ứng dụng công nghệ thông tin sâu rộng vào hoạt động nghiệp vụ, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp.
Bên cạnh những thành tựu, ông Lê Hùng Sơn cho biết một số khó khăn, vướng mắc đang tồn tại trong quá trình thực thi chính sách. Ông bày tỏ mong muốn và đề xuất kiến nghị Bộ trưởng, lãnh đạo Bộ Tài chính tiếp tục quan tâm, chỉ đạo sát sao. Đặc biệt, ông nêu ra kiến nghị cấp thiết là việc sớm có hướng dẫn về việc phân cấp, phân quyền đối với một số nội dung, công việc, phù hợp với vị trí, chức năng mới của Bảo hiểm xã hội Việt Nam là đơn vị đặc thù thuộc Bộ Tài chính.
Sự cộng hưởng sức mạnh
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng gửi lời chúc mừng tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chính thức trở thành một thành viên của ‘ngôi nhà chung” của ngành Tài chính. Ông nhấn mạnh, sự kiện này không chỉ là một bước ngoặt tổ chức mà còn mang ý nghĩa sâu sắc.
Bộ trưởng chỉ ra Bộ Tài chính từ khi sáp nhập Bảo hiểm xã hội Việt Nam có thêm chức năng, nhiệm vụ và cũng là cơ hội để thực hiện tốt hơn trách nhiệm với người dân, người lao động. Bên cạnh đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam có thể tiếp cận thuận lợi hơn với các cơ chế tài chính, tài khóa mà Bộ đang được giao thực hiện, vận hành. Đây là sự cộng hưởng sức mạnh, mở ra những tiềm năng phát triển mới cho cả hai bên.
Nhận định về bối cảnh sắp tới, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho rằng khối lượng công việc và nhiệm vụ của Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ ngày càng nặng nề hơn, đòi hỏi sự nỗ lực và quyết tâm cao độ. Trên tinh thần đó, Bộ trưởng đã trực tiếp chỉ đạo và giao 8 nhiệm vụ trọng tâm cho toàn ngành.
Thứ nhất, phải tiếp tục bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, và đặc biệt là các chỉ đạo của Bộ Tài chính trong việc triển khai thực hiện hiệu quả chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Mục tiêu cuối cùng là bảo đảm tốt nhất các chế độ cho người dân, không ngừng mở rộng độ bao phủ Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Thứ hai, yêu cầu cấp bách là khẩn trương ổn định tổ chức bộ máy tại các đơn vị trực thuộc và Bảo hiểm xã hội các khu vực, đảm bảo nhanh chóng đi vào hoạt động hiệu quả theo mô hình mới. Song song đó, ngành cần chủ động rà soát, hoàn thiện các quy trình nghiệp vụ, quy chế làm việc, các văn bản hướng dẫn để "đảm bảo thực hiện các chế độ chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp xuyên suốt, không gián đoạn trong quá trình chuyển đổi, bảo đảm tối đa quyền lợi cho người tham gia thụ hưởng chính sách."
Bộ trưởng cũng đặc biệt lưu ý ngành cần đặc biệt chú ý, quan tâm, ổn định tư tưởng của từng viên chức, người lao động trong quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy.
Thứ ba, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam phải tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm người đứng đầu; Phải bảo đảm nguyên tắc "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm" trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ đã được phân định theo mô hình mới; Cần tăng cường chỉ đạo, phối hợp nhịp nhàng giữa các đơn vị chức năng để thực hiện nhiệm vụ một cách thông suốt. Cụ thể, mỗi viên chức, người lao động của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cần chủ động thực hiện đúng vai trò, chức năng nhiệm vụ được giao.
Thứ tư, Bảo hiểm xã hội Việt Nam chủ động rà soát, đánh giá và báo cáo, đề xuất kịp thời với Bộ Tài chính, các cấp có thẩm quyền để hoàn thiện hệ thống chính sách Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Việc này bao gồm cả việc mạnh dạn đề xuất bãi bỏ những quy định không còn phù hợp, nhằm tạo dựng hành lang pháp lý đầy đủ, thuận lợi cho hoạt động hiệu quả của bộ máy mới.
Thứ năm, nhiệm vụ cốt lõi là ngăn ngừa rủi ro và sử dụng hiệu quả, an toàn, minh bạch các quỹ Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Mục tiêu cao nhất là phục vụ tốt nhất cho việc chi trả kịp thời, đầy đủ các chế độ cho người tham gia và thụ hưởng. Để làm được điều này, ngành cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong quản lý và sử dụng quỹ, tài sản công.
Thứ sáu, phát huy những kết quả đã đạt được, Bảo hiểm xã hội Việt Nam phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hóa tối đa, công khai, minh bạch, trong đó ứng dụng mạnh mẽ, sâu rộng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động của hệ thống. Điều này góp phần tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp khi tham gia giao dịch với cơ quan Bảo hiểm xã hội.
Thứ bảy, ngành phải luôn lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Điều này đòi hỏi phải tăng cường công tác đối thoại, lắng nghe ý kiến, phản ánh kịp thời, báo cáo các kiến nghị của người dân, doanh nghiệp. Mục tiêu là xây dựng hình ảnh cơ quan Bảo hiểm xã hội gần gũi, thân thiện, tận tâm, chuyên nghiệp, đáng tin cậy trong lòng người dân cũng như cộng đồng doanh nghiệp.
Thứ tám, trong vai trò mới, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cần chủ động phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các đơn vị chức năng thuộc Bộ Tài chính trong quá trình triển khai nhiệm vụ. Sự phối hợp này nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh, tập trung nguồn lực hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị được giao.
"Tôi tin tưởng rằng với sự quan tâm sát sao của lãnh đạo Bộ Tài chính, với sự nỗ lực không ngừng, kế thừa truyền thống vẻ vang và những kết quả quan trọng đã đạt được, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ tiếp tục gặt hái được những thành công mới, to lớn hơn nữa, đóng góp ngày càng quan trọng vào sự nghiệp an sinh xã hội của đất nước," Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói.
Đối với các đề xuất, kiến nghị cụ thể do Bảo hiểm xã hội Việt Nam nêu ra tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đã trực tiếp lắng nghe, giải đáp một số nội dung. Bộ trưởng cho biết đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị chức năng trực thuộc Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu, xem xét và có hướng dẫn kịp thời, nhằm đảm bảo mọi hoạt động của hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam diễn ra ổn định, xuyên suốt và hiệu quả trong giai đoạn chuyển đổi quan trọng này./.
(Vietnam+)