Ủy viên TƯ Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh phát biểu tại Hội nghị.
Chiều 23/12, tại tỉnh Bình Phước, Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 và đề xuất Chương trình giai đoạn II từ năm 2026 - 2030 khu vực phía Nam.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh - Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương các Chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025 - dự và chỉ đạo hội nghị.
Nhiều khởi sắc
Chương trình mục tiêu quốc gia DTTS&MN khu vực Phía Nam được triển khai thực hiện trên địa bàn 13 tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương (Cà Mau, Bạc Liêu, Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bình Phước, Vĩnh Long, An Giang, Hậu Giang, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh và Cần Thơ). Dân số của cả khu vực khoảng 17.342.195 người, trong đó có 1.724.068 người là DTTS (chiếm khoảng 10% dân số của vùng); tỷ lệ nghèo DTTS bình quân là 2,95% (số liệu năm 2023).
Toàn cảnh Hội nghị.
Theo báo cáo tại Hội nghị, giai đoạn từ năm 2021-2024, Chính phủ đã phân bổ hơn 66.000 tỷ đồng cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Trong đó, phân bổ cho các địa phương hơn 62.754 tỷ đồng. Riêng khu vực Phía Nam, tổng số vốn ngân sách trung ương giao giai đoạn 2021-2025 là hơn 3.477 tỷ đồng, chiếm khoảng 6% tổng vốn của cả Chương trình (Khu vực miền núi phía Bắc chiếm 60%, khu vực miền Trung và Tây Nguyên chiếm 34%). Tính đến hết tháng 9/2024, tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách trung ương đạt 63,6%.
Cùng với đó, chương trình mục tiêu quốc gia DTTS&MN đã mang lại những kết quả tích cực cho khu vực phía Nam. Nhờ nguồn lực đầu tư vào hạ tầng, giáo dục, y tế và sản xuất, đời sống của người dân đã được nâng cao rõ rệt. Cụ thể, chương trình đã góp phần xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi, nhà ở, tạo điều kiện tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, nâng cao thu nhập và bảo tồn văn hóa các dân tộc.
Một số nhóm các chỉ tiêu đạt tỷ lệ cao, dự báo sẽ sớm về đích như: Tỷ lệ trạm y tế được xây dựng kiên cố; Tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp, sử dụng điện lưới quốc gia; Tỷ lệ đồng bào DTTS được xem truyền hình, được nghe đài phát thanh; Tỷ lệ học sinh trong độ tuổi học trung học cơ sở đến trường.
Những vướng mắc
Bên cạnh những kết quả nổi bật, việc triển khai thực hiện còn một số vướng mắc như: Nhiều địa phương còn gặp lúng túng, có cách hiểu khác nhau trong quá trình nghiên cứu, vận dụng triển khai văn bản hướng dẫn của cấp trung ương; việc phân bổ vốn của một số địa phương còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu về tiến độ thời gian; việc lồng ghép vốn thực hiện các Chương trình MTQG và quy trình thanh quyết toán vốn các địa phương còn gặp lúng túng…
Ông Hà Thanh Sơn, Phó Ban dân tộc tỉnh Trà Vinh, phát biểu tại Hội nghị.
Ông Hà Thanh Sơn, Phó Ban dân tộc tỉnh Trà Vinh, phát biểu: "Hiện nay, nhóm đồng bào DTTS thuộc diện có nguồn nhân lực thấp, trong đó có đồng bào dân tộc Khmer. Tỉnh Trà Vinh lại có rất đông đồng bào dân tộc Khmer. Tuy nhiên, điều kiện hỗ trợ cho các đối tượng này phải dựa trên tiêu chí nằm trong vùng đặc biệt khó khăn. Khi thực hiện chương trình nông thôn mới, tỉnh Trà Vinh không còn vùng đặc biệt khó khăn. Do đó, xảy ra những vướng mắc, lúng túng trong việc triển khai các chính sách hỗ trợ. Hay nội dung về Dự án 8, việc quy định đối tượng là phụ nữ và trẻ em gái ở xã, thôn đặc biệt khó khăn nên khó triển khai thực hiện".
Tương tự, đại diện tỉnh Bình Phước cho biết: Một số đối tượng, địa bàn có sự thay đổi (nhiều hộ nghèo đồng bào DTTS đã thoát nghèo qua chính sách giảm nghèo của tỉnh, một số xã thụ hưởng Chương trình đã về đích nông thôn mới nên đối tượng, địa bàn thực hiện Chương trình bị giảm so với kế hoạch đăng ký ban đầu) dẫn đến việc phân bổ kế hoạch nguồn vốn sự nghiệp gặp khó khăn, kế hoạch vốn phân bổ chưa thực hiện giải ngân được…
Tập trung giải quyết dứt điểm những khó khăn mang tính đặc thù
Tại chương trình, các đại biểu cũng thảo luận, đề xuất nội dung Chương trình giai đoạn II từ năm 2026-2030; xác định khung pháp lý cũng như giải pháp, bước đi cụ thể nhằm mục tiêu xây dựng một cơ chế, chính sách đặc thù, lâu dài phù hợp với địa phương.
Theo các đại biểu, giai đoạn II của Chương trình tập trung giải quyết dứt điểm một số khó khăn mang tính đặc thù của khu vực đối với các nhóm hộ nghèo người DTTS của khu vực Phía Nam như: vấn đề nước sạch và vệ sinh môi trường, việc làm và nhà ở cho người có thu nhập thấp, vấn đề thiếu đất sản xuất, chính sách an sinh xã hội, nhóm chính sách dành cho các hộ nghèo neo đơn, nhóm hộ nghèo do phụ nữ, người già làm chủ hộ...
Các địa phương cần có đánh giá, rà soát kỹ để đề xuất các nhiệm vụ trọng tâm gồm: Đầu tư xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng vùng đồng bào DTTS&MN để giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, nước sinh, bố trí ổn định dân cư ở những nơi cần thiết, Đầu tư cơ sở vật chất các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong lĩnh vực công tác dân tộc; Hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của đồng bào DTTS; Phát triển nguồn nhân lực vùng DTTS&MN; Hỗ trợ DTTS có khó khăn đặc biệt, DTTS rất ít người; Thông tin, tuyên truyền; kiểm tra, giám sát; thông tin, báo cáo thực hiện chương trình.
Chủ tọa điều hành Hội nghị.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh nhấn mạnh, điều cốt lõi, đáng mừng nhất sau gần 4 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN ở giai đoạn I là đời sống của bà con được nâng lên, truyền thống văn hóa truyền thống của đồng bào được bảo tồn và phát huy…
Ông Hầu A Lềnh đề nghị trong thời gian tới: "Ban Dân tộc các tỉnh cần phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan để tham mưu cho Tỉnh ủy và Ủy ban Nhân dân trong việc rà soát và quyết tâm triển khai thực hiện Chương trình. Cần xác định rõ tinh thần quyết tâm cao nhằm đảm bảo việc giải ngân hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho bà con nhân dân. Các địa phương phải quyết tâm thực hiện để đem lại lợi ích cho bà con nhân dân, được cái gì cho bà con thì chúng ta quyết tâm làm. Đề nghị các địa phương phải có quyết tâm cao, tham mưu hết sức tích cực và phối hợp chặt chẽ trong quá trình thực hiện".
Một số nội dung liên quan đến phụ nữ và trẻ em DTTS được đề xuất quan tâm trong giai đoạn II như: Thiết lập cơ chế để các hộ nghèo DTTS, đặc biệt là phụ nữ và người cao tuổi, có thể tiếp cận dễ dàng hơn với các dịch vụ công và dịch vụ xã hội thiết yếu. Chú trọng tạo nguồn cán bộ nữ DTTS, đồng thời hỗ trợ nâng cao năng lực để họ có thể tham gia vào các vị trí quản lý, lãnh đạo trong các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống chính trị. Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS&MN. Tăng cường chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng và tầm vóc của người DTTS, đặc biệt là phòng chống suy dinh dưỡng ở trẻ em. Thúc đẩy bình đẳng giới.
Phạm Thương