Truyền dạy để lưu giữ, bảo tồn văn hóa các dân tộc

Truyền dạy để lưu giữ, bảo tồn văn hóa các dân tộc
18 giờ trướcBài gốc
Hà Giang là tỉnh miền núi, giàu bản sắc văn hóa, nơi sinh sống, hội tụ, đoàn kết, gắn bó của 19 dân tộc. Nhiều già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng trở thành “Người thầy”, những tấm gương đoàn kết dân tộc, gương mẫu thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.
Thời gian qua, Sở VHTT&DL mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể nhằm nâng cao nhận thức về công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS); khuyến khích đồng bào bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc mình và trao truyền cho thế hệ trẻ, giúp thế hệ trẻ biết trân trọng giá trị văn hóa truyền thống; phát hiện, bồi dưỡng những cá nhân có năng khiếu, đam mê với các loại hình văn hóa phi vật thể; góp phần bảo tồn, khai thác và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc.
Biểu diễn hát Then, đàn Tính của dân tộc Tày tại thôn Chì, xã Xuân Giang (Quang Bình). Ảnh: Trâm Anh
Trong buổi khai giảng Lớp truyền dạy chế tác nhạc cụ truyền thống của dân tộc Mông cho hơn 50 học viên tại thôn Nậm Dịch, xã Nậm Dịch (Hoàng Su Phì), “thầy” Sùng Chủ Dìn, tâm sự: “Giờ đây cuộc sống hiện đại, giới trẻ được giao lưu với các nền tảng văn hóa đa dạng. Việc lưu truyền những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc hiện càng phải được chú trọng hơn gấp bội. Nếu bây giờ không lưu truyền cho thế hệ tiếp theo, tính đặc trưng về văn hóa của dân tộc sẽ dần mai một... Bởi thế, ngay từ thời gian tôi làm Bí thư Đảng ủy xã và giờ đã nghỉ chế độ tôi vẫn luôn vận động, thuyết phục mọi người học, lưu giữ giai điệu khèn của dân tộc mình”.
Trong khoảng 10 ngày, các học viên được truyền dạy kỹ thuật chế tác khèn Mông. Học viên sẽ được nắm rõ vai trò, ý nghĩa và xuất xứ của cây khèn. Hiểu rõ kỹ thuật phối âm, cộng âm và nội dung thang bậc của các bài khèn trong nghi lễ tín ngưỡng, phong tục truyền thống của dân tộc Mông trong từng vùng trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Qua đây, các nghệ nhân còn hướng dẫn cho học viên biết cách tổ chức, dựng một số điệu múa khèn đơn giản. Bên cạnh đó, các học viên cũng nhận thức rõ hơn về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc phát huy, bảo tồn di sản văn hóa các dân tộc Việt Nam nói chung và dân tộc Mông nói riêng.
Quảng bá du lịch và nét văn hóa riêng của địa phương từ nghề làm Quẩy tấu tại làng H’ Mông Pả Vi. Ảnh: Viên Sự
Với lớp truyền dạy các làn điệu dân ca và kỹ thuật sử dụng nhạc cụ truyền thống của dân tộc Tày tại thôn Chì, xã Xuân Giang (Quang Bình). Gần 70 nghệ nhân, học viên đều là hạt nhân văn nghệ ở cơ sở được học hát Then, đàn Tính, múa Tày, múa khèn Mông, hát dân ca, học viết và nói tiếng dân tộc… Ông Hoàng Văn Bình, dân tộc Tày, thôn Then, xã Xuân Giang, cũng là một trong những “người thầy” đã và đang truyền đam mê về nhạc cụ dân tộc Tày cho biết: “Nhạc cụ truyền thống của người Tày rất đa dạng, gồm: Sáo, nhị, đàn Tính, trống, kèn... Trong đó, đàn Tính và các loại sáo là những nhạc cụ quan trọng được sử dụng phổ biến trong các lễ hội, sinh hoạt văn hóa. Với những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc, tôi cũng như bao nghệ nhân trong vùng đều rất tích cực tranh thủ tối đa thời gian để sưu tầm, lưu truyền các nhạc cụ, làn điệu cho thế hệ sau”.
Là một trong những học viên trẻ tuổi, em Hoàng Văn Luận, sinh năm 1994, trú tại thôn Chì, xã Xuân Giang tâm sự: “Dù cuộc sống tất bật với bao bộn bề, nhưng khi nắm được kế hoạch của lớp học, em đã rủ thêm nhiều người trong thôn có cùng đam mê đăng ký tham gia. Sau một tuần được truyền dạy các làn điệu dân ca và kỹ thuật sử dụng nhạc cụ truyền thống đã giúp thế hệ trẻ chúng em khơi dậy ý thức tự hào và đam mê về các làn điệu dân ca, dân vũ và các nhạc cụ của dân tộc mình”.
Việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS, kết hợp với phát triển du lịch đã trở thành một chủ trương quan trọng được các địa phương chú trọng nhằm nâng cao đời sống cho người dân vùng DTTS. Trưởng phòng Quản lý Văn hóa và Gia đình Hoàng Văn Phú cho biết: “Dự án 6 nhằm hướng tới mục tiêu: Khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa cho vùng đồng bào DTTS và miền núi để nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa cho đồng bào gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Thực hiện dự án, ngành đã triển khai nhiều hoạt động nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS trên địa bàn tỉnh gắn với phát triển du lịch bền vững”.
Với kết quả đạt được thông qua lớp truyền dạy, các học viên nhận thức rõ ràng hơn về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc. Từ đó, các nghệ nhân, học viên sẽ tiếp tục lưu truyền cho con cháu hiểu biết về ý nghĩa, vai trò, trách nhiệm trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị, nét văn hóa đặc sắc của dân tộc cho thế hệ mai sau.
Phi Anh
Nguồn Hà Giang : http://baohagiang.vn/van-hoa/202412/truyen-day-de-luu-giu-bao-ton-van-hoa-cac-dan-toc-60336f8/