Kiên quyết loại dự án chậm tiến độ
Chiều 28/4, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII. Quy hoạch này được sửa đổi sau hơn 2 năm được phê duyệt (lần đầu) và trong bối cảnh Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 2 con số; bổ sung nguồn điện hạt nhân, xu hướng phát triển xanh, dịch chuyển năng lượng, đồng thời một số dự án chậm tiến độ gây nguy cơ thiếu điện trong thời gian tới.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII được sửa đổi trong vòng 4 tháng với tinh thần vừa chạy vừa xếp hàng là một nỗ lực rất lớn của bộ, các địa phương và đơn vị liên quan. Tuy nhiên, việc tổ chức và thực hiện còn quan trọng hơn, nhằm không để đứt gãy nguồn cung năng lượng.
Với công suất nguồn điện đến năm 2030 tăng gấp 2-2,8 lần so với hiện tại, lãnh đạo Bộ Công Thương đề nghị các tỉnh, thành phố cần khẩn trương chỉ đạo rà soát, cập nhật nguồn và lưới điện vào trong quy hoạch tỉnh, các quy hoạch liên quan phù hợp quy mô công suất tăng thêm, tuân thủ thứ tự danh mục ưu tiên đã đề xuất gửi bộ.
Ngoài danh mục các dự án điện đã có quy hoạch, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, các dự án năng lượng tái tạo dưới 50MW, và nguồn lưới điện 110 kV đều thuộc thẩm quyền của các địa phương. Do đó, các địa phương cần khẩn trương phê duyệt chủ trương, lựa chọn nhà đầu tư các dự án.
Bộ trưởng Công Thương chủ trì hội nghị.
Đặc biệt, với những dự án trọng điểm như LNG Nghi Sơn, Cà Ná, lãnh đạo Bộ Công Thương yêu cầu bắt buộc phải xong cuối Quý II và đầu Quý III. Các dự án điện khí LNG Hải Phòng, Công Thanh, Vũng Áng 3, Quảng Trạch 3, Hiệp Phước 2, cần phải khẩn trương hoàn thành chủ trương đầu tư muộn nhất cuối quý III, đầu quý IV.
“Chúng tôi đã nói rất nhiều lần tại các cuộc họp giao ban. Lần này nếu chậm hơn nữa bộ sẽ phải buộc điều chỉnh, khi đó phải thay đổi một loạt pháp lý thủ tục thì hậu quả, địa phương phải chịu trách nhiệm”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói và khẳng định Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII lần này thành công hay không phụ thuộc vào sự nỗ lực rất của địa phương, năng lực thực sự của các chủ đầu tư. Đặc biệt, tiến độ dự án được xem là yếu tố quyết định để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
“Giai đoạn trước tôi thấy rất nhiều chủ đầu tư được chọn, nhưng chọn xong rồi chỉ chờ thời để lướt sóng, ăn chênh lệch. Trong điều chỉnh Quy hoạch điện VIII lần này, các địa phương, đơn vị cần phải kiểm soát chặt chẽ tiến độ dự án, khi đưa vào quy hoạch khó mấy cũng phải làm, không thể gắn an ninh năng lượng quốc gia vào một vài chủ đầu tư không đảm bảo được yêu cầu”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.
Cần có cơ chế giá điện hấp dẫn
Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng yêu cầu khẩn trương giải quyết dứt điểm vướng mắc dự án năng lượng tái tạo, chủ động đề xuất thay thế dự án chậm tiến độ bằng dự án khác khả thi hơn, để đảm bảo cung ứng điện.
Đặc biệt, để hiện thực Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, sắp tới sẽ cần nguồn lực rất “khủng” khi dự kiến từ nay đến năm 2035 mỗi năm cần khoảng 16-18 tỷ USD, Bộ trưởng Bộ Công Thương đề nghị các bộ, ngành, EVN soát quy định liên quan, nhất là vấn đề giá điện.
Ông Phạm Nguyên Hùng - Cục trưởng Cục Điện lực - thông tin về nội dung Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII.
“Cần có cơ chế giá đủ mạnh, đủ sức hấp dẫn với nhà đầu tư, nhất là năng lượng tái tạo. Nếu chúng ta không có khung giá phù hợp không thể thu hút đầu tư; không để nhà đầu tư bỏ tiền tấn thu tiền lẻ”, ông Diên nói và đề nghị EVN tiếp tục rà soát đề xuất khung giá điện hàng năm sát với thực tiễn, và hoàn thành khung giá điện các loại hình còn lại chậm nhất vào giữa tháng 5.
Trước đó, thông tin về nội dung Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, ông Phạm Nguyên Hùng - Cục trưởng Cục Điện lực, Bộ Công Thương - cho biết, định hướng phát triển của Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII là phát triển đồng bộ, đa dạng hóa các loại hình nguồn điện; tiếp tục đẩy mạnh phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng xanh với giá thành điện hợp lý.
Theo ông Hùng điểm mới của quy hoạch lần này là đưa ra danh mục các dự án dự phòng, linh hoạt để sẵn sàng bổ sung khi các dự án khác bị chậm tiến độ. Để đảm bảo mục tiêu, Quy hoạch điện VIII cũng đưa ra 11 giải pháp về đảm bảo an ninh cung cấp điện, huy động vốn, chính sách, khoa học và công nghệ, tiết kiệm điện, phát triển nguồn nhân lực...
Theo Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, tổng công suất các nhà máy điện phục vụ nhu cầu trong nước đến năm 2030 của Việt Nam (không bao gồm xuất khẩu) là 183.291 - 236.363 MW, trong đó điện gió trên bờ và gần bờ đạt 26.066 - 38.029 MW (chiếm tỷ lệ 14,2% - 16,1%).
Điện gió ngoài khơi 6.000 - 17.032 MW; điện mặt trời đạt 46.459-73.416 MW (chiếm tỷ lệ 25,3% - 31,1%).
Điện sinh khối 1.523-2.699 MW, điện sản xuất từ rác 1.441-2.137 MW, điện địa nhiệt và năng lượng mới khác khoảng 45 MW.
Thủy điện 33.294-34.667 MW (chiếm 14,7-18,2%).
Điện hạt nhân 4.000 - 6.000 MW đưa vào vận hành giai đoạn 2030 - 2035, có thể đẩy sớm tiến độ nếu điều kiện thuận lợi.
Dương Hưng