Thực hiện Quy hoạch điện VIII điều chỉnh hiệu quả, đáp ứng tốt an ninh năng lượng quốc gia

Thực hiện Quy hoạch điện VIII điều chỉnh hiệu quả, đáp ứng tốt an ninh năng lượng quốc gia
6 giờ trướcBài gốc
Tại điểm cầu Thanh Hóa, đồng chí Lê Đức Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện các sở, ngành liên quan, Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh dự hội nghị.
Đồng chí Lê Đức Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu Thanh Hóa.
Tại hội nghị, Cục trưởng Cục Điện lực Phạm Nguyên Hùng đã công bố Quyết định số 768/QĐ-TTg, ngày 15/4/2025 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch điện VIII điều chỉnh; đồng thời giới thiệu ngắn gọn, tổng quan về các nội dung quy hoạch.
Theo đó, Quy hoạch điện VIII điều chỉnh đặt mục tiêu cụ thể cung cấp đủ nhu cầu điện trong nước, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 10%/năm trong giai đoạn 2026 - 2030, khoảng 7,5%/năm trong giai đoạn 2031-2050. Trong đó, điện thương phẩm đến năm 2030 đạt khoảng 500,4 - 557,8 tỷ kWh; định hướng năm 2050 đạt khoảng 1.237,7 - 1.375,1 tỷ kWh. Điện sản xuất và nhập khẩu đến năm 2030 đạt khoảng 560,4 - 624,6 tỷ kWh; định hướng năm 2050 khoảng 1.360,1 - 1.511,1 tỷ kWh. Công suất cực đại năm 2030 khoảng 89.655 - 99.934 MW; năm 2050 đạt khoảng 205.732 - 228.570 MW.
Quy hoạch cũng đặt ra yêu cầu bảo đảm cung cấp điện an toàn, tin cậy, đáp ứng tiêu chí N-1 đối với vùng phụ tải quan trọng và N-2 đối với vùng phụ tải đặc biệt quan trọng, nguồn điện hạt nhân. Đến năm 2030, độ tin cậy cung cấp điện năng thuộc tốp 4 nước dẫn đầu ASEAN, chỉ số tiếp cận điện năng thuộc tốp 3 nước dẫn đầu ASEAN.
Được biết, Quy hoạch điện VIII điều chỉnh sẽ tập trung phát triển tối đa nguồn điện từ năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối...), tiếp tục gia tăng tỷ trọng của năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện và điện năng sản xuất. Cụ thể, sẽ đẩy mạnh phát triển điện gió trên bờ, gần bờ và ngoài khơi, điện mặt trời, đặc biệt là điện mặt trời mặt nước phù hợp với khả năng hấp thụ của hệ thống, khả năng giải tỏa công suất của lưới điện và tận dụng tối đa cơ sở hạ tầng lưới điện hiện có.
Đến năm 2030, tổng công suất điện gió trên bờ và gần bờ đạt 26.066 - 38.029 MW. Phát huy tối đa tiềm năng kỹ thuật điện gió ngoài khơi (khoảng 600.000 MW) để sản xuất điện và năng lượng mới. Tổng công suất điện gió ngoài khơi phục vụ nhu cầu điện trong nước đạt khoảng 6.000 MW-17.032 MW, dự kiến sẽ vận hành giai đoạn 2030-2035 và định hướng đến năm 2050 đạt 113-139.097 MW. Ước tính, công suất nguồn điện gió ngoài khơi để sản xuất năng lượng mới vào khoảng 15.000 MW vào năm 2035 và khoảng 240.000 vào năm 2050.
Về tiềm năng điện mặt trời của Việt Nam khoảng 963.000 MW, đến năm 2030 tổng công suất các nguồn điện mặt trời đạt 46.459 -73.416 MW; định hướng đến năm 2050 tổng công suất 293.088-295.646 MW.
Quy hoạch cũng ưu tiên, khuyến khích phát triển các loại hình điện sinh khối, điện sản xuất từ rác, chất thải rắn nhằm tận dụng phụ phẩm nông lâm nghiệp, chế biến gỗ...; đồng thời nêu rõ lộ trình phát triển nguồn điện hạt nhân, giai đoạn 2030-2035 sẽ đưa vào vận hành các Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 với quy mô 4.000 - 6.400 MW. Giai đoạn đến năm 2050 hệ thống cần bổ sung khoảng 8.000 MW nguồn điện hạt nhân để cung cấp nguồn điện nền và có thể tăng lên theo nhu cầu. Định hướng đến năm 2050 không còn sử dụng điện than để phát điện, chuyển hoàn toàn sang sử dụng sinh khối/amoniac, tổng công suất 25.798MW.
Về nhiệt điện khí, đến năm 2030, tổng công suất các nhà máy sử dụng khí trong nước đạt 10.861 -14.930 MW; định hướng năm 2050 khoảng 7.900 MW tiếp tục sử dụng trong nước hoặc chuyển sang sử dụng LNG, 7.030 MW dự kiến chuyển sang sử dụng hydrogen hoàn toàn.
Về nhiệt điện LNG, đến năm 2030 tổng công suất các nguồn điện LNG đạt 22.524 MW; giai đoạn 2031-2035 sẽ đưa vào vận hành dự án điện khí LNG Long Sơn, Long An II đã được phê duyệt hoặc có thể đẩy sớm tiến độ nếu điều kiện thuận lợi, đưa một số dự án vào danh mục dự phòng, các dự án khác chậm tiến độ triển khai hoặc phụ tải tăng cao để đón làn sóng đầu tư vào Việt Nam...
Tại Thanh Hóa, Quy hoạch điện VIII điều chỉnh tăng thêm cho địa phương một số nguồn điện, đặc biệt là năng lượng tái tạo như: 373 MW điện năng lượng mặt trời nhà trong giai đoạn 2025-2030 và tăng thêm 68 MW trong giai đoạn 2031-2035; 440 MW điện mặt trời tập trung giai đoạn 2025-2030 và tăng thêm 164 MW giai đoạn 2031-2035 (MW); 364 MW điện gió trên bờ và gần bờ trong giai đoạn 2025-2030.
Dự án Nhiệt điện khí LNG Nghi Sơn công suất 1500 MW; Dự án Nhiệt điện LNG Công Thanh công suất 1.500 MW cũng được đưa vào danh mục và tiến độ dự kiến các dự án nguồn điện quan trọng quốc gia, dự án ưu tiên của ngành. Trong đó, Nhiệt điện khí LNG Nghi Sơn được yêu cầu sẽ vận hành trong giai đoạn 2025-2030; Nhiệt điện LNG Công Thanh dự kiến vận hành giai đoạn 2031-2035 và có thể đẩy sớm lên giai đoạn 2026-2030 theo nhu cầu của hệ thống điện.
Quy hoạch điện VIII điều chỉnh tăng thêm cho tỉnh Thanh Hóa 373 MW điện năng lượng mặt trời nhà trong giai đoạn 2025 - 2030.
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các địa phương nhanh chóng triển khai các bước thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư triển khai các dự án nguồn điện; đặc biệt là các dự án nhiệt điện LNG đã được đưa vào danh mục dự án nguồn điện quan trọng quốc gia, dự án ưu tiên của ngành. Đối với các dự án điện khí, tiến hành quy trình thủ tục để ban hành quyết định chủ trương đầu tư trong quý III năm nay.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên kết luận hội nghị (Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Bộ Công Thương).
Bộ trưởng yêu cầu Cục Điện lực và các đơn vị liên quan triển khai đề xuất và thực hiện cơ chế khuyến khích năng lượng tái tạo phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu; trong đó, cần nghiên cứu ban hành quy định khung giá mua, bán điện phù hợp.
Đồng chí yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty phối hợp chặt chẽ với các địa phương triển khai dự án, đề xuất tháo gỡ vướng mắc pháp lý; đồng thời yêu cầu các địa phương nắm và bám sát tiến độ triển khai các dự án nguồn điện, kiên quyết thay thế các dự án triển khai chậm tiến độ so với chấp thuận chủ trương đầu tư, không để ảnh hưởng đến an ninh năng lượng quốc gia.
Song song cùng dự án nguồn điện, Bộ trưởng yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam đẩy mạnh đầu tư các dự án truyền tải đồng bộ, liên miền; giúp giải tỏa công suất và hướng tới xuất khẩu; các doanh nghiệp cung ứng than bảo đảm việc cung ứng đầu vào cho sản xuất nhiệt điện và sớm triển khai các dự án điện hạt nhân.
Bộ Công Thương cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương, các tập đoàn, công ty triển khai hiệu quả Luật Điện lực sửa đổi và các Nghị định, thông tư ban hành; đồng thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để góp phần đẩy nhanh tiến độ dự án, ban hành cơ chế thuận lợi về giá thành truyền tải, phí truyền tải... nhằm bảo đảm an ninh năng lượng phục vụ phát triển đất nước, thực hiện Quy hoạch điện 8 điều chỉnh hiệu quả.
Minh Hằng
Nguồn Thanh Hóa : http://baothanhhoa.vn/thuc-hien-quy-hoach-dien-viii-dieu-chinh-hieu-qua-dap-ung-tot-an-ninh-nang-luong-quoc-gia-247137.htm