Ngay tại trung tâm Thủ đô Hà Nội, bầu trời giữa trưa vẫn mịt mù vì ô nhiễm. Ảnh tư liệu: Hoàng Hiếu/TTXVN
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết, vấn đề ô nhiễm không khí, ô nhiễm không khí ở các thành phố, đô thị lớn là hiện hữu và đang trở thành thách thức lớn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Lãnh đạo Đảng và Chính phủ, trực tiếp là Tổng Bí thư Tô Lâm và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có những chỉ đạo hết sức cụ thể, không chỉ một lần mà nhiều lần về nội dung này, đặc biệt là tại các buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng. Cùng đó, Tổng Bí thư và Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải có giải pháp căn cơ, giải quyết dứt điểm các điểm nóng về ô nhiễm môi trường; trong đó, có ô nhiễm không khí tại đô thị.
Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã cùng với Ủy ban Khoa học công nghệ môi trường của Quốc Hội và UBND thành phố Hà Nội tổ chức Hội thảo "Thúc đẩy thực hiện các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn của Việt Nam" vào tháng 11/2024 và phối hợp với Đoàn giám sát của Quốc hội tổ chức Hội thảo về "Thực trạng và giải pháp kiểm soát, khắc phục vấn đề ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn" cuối tháng 4/2025. Qua đó, thể hiện sự chung tay hành động, quyết tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí, góp phần bảo vệ sức khỏe và đời sống nhân dân.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã cùng với các chuyên gia, các nhà khoa học và các cơ quan quản lý xây dựng dự thảo Kế hoạch hành động; báo cáo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về định hướng các nội dung cơ bản của Kế hoạch; gửi lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương và tổ chức hội thảo khoa học quốc tế có sự tham gia của nhiều chuyên gia đến từ các nước, các tổ chức quốc tế để tham vấn các giải pháp giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí ở Việt Nam.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh: "Chúng ta cũng xác định đây là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị, trong bối cảnh đất nước bước vào Kỷ nguyên phát triển mới với nhiều mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2 con số. Nếu ngay từ bây giờ không hình thành, đề xuất ngay được những nhiệm vụ trọng tâm, quyết liệt kiềm chế được sự gia tăng ô nhiễm và dự báo cho những áp lực về môi trường do phát triển kinh tế sẽ diễn ra trong 5 - 10 năm tới đây và xa hơn, hậu quả của ô nhiễm môi trường sẽ rất nghiêm trọng và khó kiểm soát".
Chẳng hạn như việc kiểm soát khí thải giao thông muốn kiểm soát được phải có hệ thống đăng kiểm, quy chuẩn, phương tiện đo kiểm đạt chuẩn. Hay như chuyển đổi sang phương tiện giao thông xanh, cần có chính sách hỗ trợ, lộ trình rõ ràng, từ hạn chế xe xăng tới khuyến khích sử dụng xe điện. Đặc biệt, TP Hồ Chí Minh hiện đã bước đầu thực hiện hỗ trợ xe công nghệ chuyển sang xe điện, một nhóm di chuyển thường xuyên trong đô thị.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng đặc biệt lưu ý đến yêu cầu về kết quả cụ thể như với tại thành phố Hà Nội, mùa cao điểm ô nhiễm không khí rơi vào từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau trùng với thời điểm chuẩn bị tổ chức nhiều sự kiện lớn của đất nước. Do đó, Hà Nội cần đặt mục tiêu rõ ràng như cuối năm 2025 chất lượng không khí ở Thủ đô phải được cải thiện so với đầu năm, năm sau phải tốt hơn năm trước. Đây là giai đoạn đất nước bước vào một kỷ nguyên phát triển mới, không thể để hình ảnh Thủ đô chìm trong khói bụi tiếp diễn như những năm qua.
"Cuộc họp này sẽ tiếp nhận được những ý kiến góp ý hết sức chân thành, thẳng thắn, quý báu của các thành viên Tổ công tác và các đại biểu dự cuộc họp để hoàn thiện dự thảo, từ đó thực sự hoàn thiện một bản Kế hoạch hành động vì một Việt Nam trong lành và phát triển bền vững", Bộ trưởng Đỗ Đức Duy mong muốn.
Tại cuộc họp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Nguyễn Xuân Đại bày tỏ sự nhất trí với dự thảo "Kế hoạch hành động quốc gia về khắc phục ô nhiễm và quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2025 - 2030. Cùng đó, đề xuất bổ sung các giải pháp kiểm soát các nguồn thải ở các tỉnh, thành phố, hỗ trợ chuyển đổi xanh trong giao thông (chuyển đổi xe xăng sang xe điện...), phá dỡ các công trình, di chuyển các nhà máy, nguồn lực cụ thể của địa phương phục vụ việc thực hiện kế hoạch này, đồng thời tăng cường chế tài mạnh mẽ, quyết liệt trong khắc phục ô nhiễm, quản lý chất lượng môi trường.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hồng Nguyên nêu rõ việc bổ sung một số nội dung cụ thể vào kế hoạch như: Chỉ tiêu cụ thể về vệ sinh mặt đường, kế hoạch, số lượng phân bổ cụ thể việc "xanh hóa" 1.000 công trình tại các địa phương, làm rõ khái niệm vùng đô thị, vùng nội đô, các giải pháp về chính sách hỗ trợ di dời, ban hành chính sách cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh...
Chia sẻ tại cuộc họp, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nghiêm Trung Dũng, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, cần phải bổ sung vào kế hoạch số liệu định lượng ô nhiễm không khí cụ thể, làm rõ nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí là gì (đặc biệt tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh), mức giảm ô nhiễm không khí cần quy định cụ thể...
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam cho rằng, kế hoạch cần bổ sung các số liệu cụ thể để phân tích nguyên nhân ô nhiễm, các chính sách cụ thể và hoàn thiện các chính sách này phù hợp với thực tế cũng như học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia làm tốt, "Nghiên cứu để thực hiện việc xử phạt các hành vi gây ô nhiễm môi trường nói chung, ô nhiễm không khí nói riêng theo ngày", ông Hoàng Dương Tùng gợi ý. Đồng thời chú ý tính đến việc thực hiện kế hoạch này dài hơi hơn (tầm nhìn đến năm 2035).
Đại diện Bộ Công an bày tỏ sự đồng tình với dự thảo kế hoạch, đồng thời thông tin về việc Bộ Công An đang triển khai, thực hiện nghiêm kế hoạch số 135/KH-BCA-V01 ngày 1/3/2025 của Bộ trưởng Bộ Công an về tổng rà soát, đấu tranh xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật và tham mưu giiar quyết các cơ sở gây ô nhiễm, khu vực, địa điểm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tới các ngành Công an các địa phương...
Trên cơ sở các tham luận tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành đề nghị các đại biểu gửi các ý kiến đóng góp bằng văn bản về Tổ soạn thảo kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và Môi trường nhằm bổ sung, hoàn thiện dự thảo Quyết định phê duyệt kế hoạch trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.
Thắng Trung (TTXVN)