Bộ trưởng KH-CN: Số hóa toàn diện, tăng tốc phủ sóng 5G là nhiệm vụ cấp bách

Bộ trưởng KH-CN: Số hóa toàn diện, tăng tốc phủ sóng 5G là nhiệm vụ cấp bách
5 giờ trướcBài gốc
Sáng 14.7, Bộ KH-CN tổ chức Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2025 và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.
Phổ cập băng thông siêu rộng
Theo Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Mạnh Hùng, đổi mới sáng tạo là con đường đưa công nghệ vào cuộc sống, ứng dụng công nghệ, đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ, nâng cao hiệu suất sử dụng công nghệ, cải tiến công nghệ và tiến tới sáng tạo công nghệ.
Đổi mới sáng tạo phải giúp Việt Nam tăng trưởng 3% GDP. Mỗi bộ ngành, mỗi địa phương phải có một trung tâm đổi mới sáng tạo.
Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị - Ảnh: BTC
Về chuyển đổi số, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng đây không chỉ là ứng dụng công nghệ mà là thay đổi mô hình hoạt động, là số hóa toàn diện, sử dụng công nghệ số, nhất là AI để xử lý dữ liệu số. Nhưng thay đổi mô hình hoạt động mới là công đoạn quan trọng nhất để phát huy hiệu quả chuyển đổi số. Chuyển đổi số phải tạo ra tăng trưởng kinh tế từ 1 - 1,5%.
Ngoài ra, Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh tới việc phải phổ cập băng thông siêu rộng, dung lượng siêu lớn, xanh và an toàn; phủ sóng 5G sâu và rộng toàn quốc là nhiệm vụ cấp bách từ nay đến cuối năm.
Bộ KH-CN đã tổ chức đấu giá thành công quyền sử dụng băng tần 713-723 MHz và 768-778 MHz (khối băng tần B2-B2’). Việc đấu giá thành công này đánh dấu một bước đi cụ thể, góp phần quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu “Hạ tầng công nghệ số tiên tiến, hiện đại, dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng ngang tầm các nước tiên tiến; phủ sóng 5G toàn quốc”.
Phủ sóng 5G trên toàn quốc là nhiệm vụ cấp bách từ nay tới cuối năm - Ảnh: Internet
Lấy bài toán của DN, địa phương làm định hướng cho nghiên cứu
Về KH-CN, Bộ trưởng nhấn mạnh KH-CN phải hướng tới kết quả cuối cùng là nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Nhà khoa học bây giờ không chỉ dừng lại ở học hàm, học vị, bài báo hay giải thưởng, mà quan trọng là kết quả nghiên cứu của mình phải có tác động đến kinh tế xã hội của đất nước.
Theo PGS-TS Phạm Bảo Sơn – Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, đơn vị đã chuyển hướng từ “nghiên cứu tìm ứng dụng” sang “lấy bài toán của doanh nghiệp, của địa phương làm định hướng cho nghiên cứu”, nghiên cứu cơ bản hướng tới ứng dụng và công nghệ chiến lược.
Đại học Quốc gia Hà Nội đã có những hành động cụ thể, như ban hành danh mục đầu tư ưu tiên 8 lĩnh vực công nghệ chiến lược; thành lập các viện nghiên cứu…
Từ 2022 - 2024, Đại học Quốc gia Hà Nội đã đề xuất thương mại hóa khoảng 300 sản phẩm KH-CN, thu hút hơn 252,5 tỉ đồng đầu tư ngoài ngân sách nhà nước, doanh thu chuyển giao đạt 130,4 tỉ đồng. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2025, doanh nghiệp đặt hàng nghiên cứu khoảng 50 tỉ đồng.
Đại học Quốc gia Hà Nội cam kết tiếp tục phát huy vai trò tiên phong, vừa duy trì xuất sắc học thuật, vừa kết nối thực tiễn, vừa đồng hành với Bộ KH-CN triển khai hiệu quả Nghị quyết 57 và Luật KH-CN và đổi mới sáng tạo mới ban hành.
Sở hữu trí tuệ - “xương sống pháp lý” trong nền kinh tế số
Với sở hữu trí tuệ, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuyển dịch từ bảo vệ quyền sang thương mại hóa, tài sản hóa các kết quả nghiên cứu. Một quốc gia phát triển là quốc gia có tới 80% tài sản là tài sản trí tuệ. Chúng ta cần xây dựng nhận thức xã hội, đạo đức xã hội, văn hóa xã hội về sở hữu trí tuệ.
Sở hữu trí tuệ đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của quốc gia - Ảnh: Internet
Luật sư Lê Quang Vinh – Công ty Bross and Partners cho biết đổi mới sáng tạo là trụ cột chiến lược trong phát triển doanh nghiệp tư nhân và nền kinh tế số, nhưng khối doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp trở ngại lớn trong việc bảo vệ và khai thác sáng tạo.
Theo phân tích của luật sư, sáng tạo đang tăng mạnh nhưng công cụ bảo hộ chưa theo kịp. Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đang tăng tốc đổi mới trong thiết kế sản phẩm, phần mềm, nông nghiệp công nghệ cao, thương hiệu. Tuy nhiên, phần lớn sáng tạo không được bảo hộ kịp thời dưới dạng quyền sở hữu trí tuệ; doanh nghiệp ngại nộp đơn vì thủ tục rườm rà, chi phí cao… Như vậy, sáng tạo không thể thương mại hóa.
Theo luật sư Vinh, khi quyền không được bảo vệ hiệu quả, doanh nghiệp không còn động lực đầu tư cho R&D. Nhiều doanh nghiệp chọn tiếp thị - bán hàng ngắn gọn thay vì phát triển sản phẩm cốt lõi.
“Sở hữu trí tuệ không còn là công cụ pháp lý chỉ dùng trong tranh chấp mà cần nâng cấp sở hữu trí tuệ thành nền tảng hỗ trợ đổi mới sáng tạo, gọi vốn, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững”, luật sư Vinh nhấn mạnh.
Để làm được điều này, luật sư Vinh cho rằng cần xây dựng bộ tài liệu, khóa học online về sở hữu trí tuệ dành riêng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ; tích hợp sở hữu trí tuệ vào chương trình khởi nghiệp - quản trị - chuyển đổi số; đưa sở hữu trí tuệ vào tiêu chí đánh giá hiệu quả đổi mới và gọi vốn đầu tư.
Ngoài ra, cần hoàn thiện thể chế; bổ sung quy định về các biện pháp công nghệ bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; xây dựng chương trình riêng về thương mại hóa quyền sở hữu trí tuệ… Tất cả cần bảo đảm sở hữu trí tuệ được nhìn nhận là “xương sống pháp lý” trong nền kinh tế số.
Nhật Anh
Nguồn Một Thế Giới : https://1thegioi.vn/bo-truong-kh-cn-so-hoa-toan-dien-tang-toc-phu-song-5g-la-nhiem-vu-cap-bach-234924.html