Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Luật Đầu tư công sửa đổi có sự thay đổi tư duy lớn

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Luật Đầu tư công sửa đổi có sự thay đổi tư duy lớn
3 giờ trướcBài gốc
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên thảo luận sáng 6/11 - Ảnh: Quochoi.vn
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 6/11, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi). Sau khi nghe ý kiến đóng góp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình và làm rõ thêm các vấn đề mà các đại biểu Quốc hội quan tâm.
TƯ DUY CÓ SỰ THAY ĐỔI LỚN
Theo đó, Bộ trưởng nhấn mạnh tư duy sửa đổi Luật Đầu tư công lần này là vừa tập trung vào quản lý, vừa kiến tạo cho phát triển và mở ra cho phát triển để tạo ra các động lực mới, tạo ra không gian mới, khơi thông được các điểm nghẽn, giải phóng được các nguồn lực, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.
“Đây là yêu cầu hết sức quan trọng và đây là tư duy thay đổi rất lớn. Trước đây chúng ta chỉ tập trung vào vấn đề quản lý nhưng chưa nghĩ đến vấn đề làm thế nào để kiến tạo cho phát triển, lần này sẽ thể hiện một cách rõ nét hơn”, Bộ trưởng phát biểu.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nêu rõ sửa đổi luật Đầu tư công phải chuyển từ phương thức tiền kiểm sang hậu kiểm và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền.
Bộ trưởng chỉ ra bài học xây dựng đường cao tốc “nhanh và rẻ” của Trung Quốc là xây dựng hạ tầng xong chuyển nhượng quyền khai thác cho tư nhân để nhanh chóng thu hồi vốn và tranh thủ được cả vốn của tư nhân lẫn nhà nước để đầu tư nơi khác.
“Điều này chúng ta phải học tập, tại sao người ta làm được diện tích đường cao tốc lớn nhất thế giới, đường sắt cao tốc lớn nhất thế giới, người ta có 49.000 km đường sắt cao tốc, có 200.000 km đường sắt tốc độ cao. Chúng ta chưa có km nào, nếu chúng ta làm theo quy định như thế sẽ rất chậm và không đáp ứng được yêu cầu, phải phân cấp mạnh hơn. Đấy là tinh thần chung của Trung ương Đảng, của Quốc hội và Chính phủ hiện nay cũng đang là như thế”, ông Dũng phát biểu trước hội trường.
Theo ông, Trung ương, Quốc hội, Chính phủ tập trung giữ vai trò kiểm soát, kiến tạo, tăng cường hoàn thiện thể chế môi trường và làm rõ các trách nhiệm, kết quả cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; giảm xin - cho, giảm quyền anh, quyền tôi, giảm đùn đẩy, né tránh.
ĐẨY MẠNH PHÂN CẤP, PHÂN QUYỀN
Phản hồi ý kiến cụ thể của đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (Quảng Bình) về phân cấp điều chỉnh chủ trương đầu tư công trung hạn, nguồn ngân sách trung ương từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dung cho biết điều này không vi phạm Hiến pháp.
“Hiến pháp của chúng ta quy định là thẩm quyền của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội là phân bổ và điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước hằng năm, không quy định về kế hoạch đầu tư công trung hạn. Nếu chúng ta chẻ câu chữ ra thì xin thưa là không trái và không có vi phạm với Hiến pháp”, Bộ trưởng nêu rõ.
Ngoài ra, theo Bộ trưởng, nếu thực hiện phân cho Thủ tướng Chính phủ thì chúng ta sẽ giảm bớt được 5 bước, hiện nay đang có 11 bước, 6 bước của Chính phủ và 5 bước ở Quốc hội. Như vậy, số bước giảm còn 6 bước, trong đó giảm được 3 bước ở Chính phủ và 2 bước tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, thời gian điều chỉnh chủ trương đầu tư sẽ giảm trung bình khoảng 4 tháng, giúp tiết kiệm thời gian và quan trọng hơn là đảm bảo tính linh hoạt.
“Bởi vì chuyện điều chỉnh phát sinh hàng ngày, hàng tháng, không phải theo đợt, tỉnh A có thể hôm nay có phát sinh, ngày mai tỉnh B, ngày kia tỉnh C có phát sinh thế, không thể nào Chính phủ lại đi trình với Quốc hội lắt nhắt từng vấn đề, từng tỉnh. Ủy ban Thường vụ Quốc hội không thể nào làm được như thế, mặc dù có thể mấy tuần họp một lần cũng không làm được việc đó. Nếu chờ đủ một mẻ để làm thì lại lỡ hết cả việc của các địa phương khác đã trình”, ông Dũng phát biểu.
Quang cảnh phiên thảo luận - Ảnh: Quochoi.vn
Theo vị Bộ trưởng, Quốc hội quản lý những vấn đề lớn, còn chi tiết phát sinh, dịch chuyển, điều chỉnh giữa các bộ, ngành của đầu tư công trung hạn thì nên giao lại cho Chính phủ sẽ linh hoạt hơn. Như thế, Quốc hội vẫn đảm bảo kiểm soát được và việc đấy sẽ đảm bảo một cách chủ động, linh hoạt cho các địa phương, phù hợp với thực tế phát sinh.
“Việc đó chúng tôi tha thiết đề nghị với Quốc hội như vậy”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu.
Liên quan tới nhiều ý kiến không đồng thuận với việc phân cấp từ Hội đồng nhân dân cho Ủy ban nhân dân các cấp để quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án nhóm B, nhóm C, Bộ trưởng nêu rõ Điều 17 của luật đã cho phép trong trường hợp cần thiết Hội đồng nhân dân có thể giao cho Ủy ban nhân dân.
Ngoài ra, trên thực tế có 43 tỉnh đã phân, đã giao và vừa rồi Chính phủ rất cẩn thận là đã lấy ý kiến lại của 63 địa phương, cả 63 địa phương đều nhất trí 100%. Tuy nhiên, tồn tại một thực tế là một số địa phương khi họp có thể không lấy ý kiến của Họi đồng nhân dân.
“Tôi sẽ nghiêm túc tiếp thu ý kiến này và cơ quan soạn thảo cùng với cơ quan thẩm tra sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng về vấn đề này xem có phân cho Ủy ban không hay vẫn giữ nguyên như hiện nay để chúng tôi lập luận một cách chặt chẽ hơn và thuyết phục hơn, cũng có thể giữ nguyên và có thể điều chỉnh theo phương án khác”, ông nêu rõ.
Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên thảo luận - Ảnh: Quochoi.vn
Bộ trưởng cũng cho biết cơ quan soạn thảo đang cân nhắc điều chỉnh tách ra nguồn thuộc ngân sách của tỉnh, nguồn thuộc ngân sách của huyện, những việc của huyện giao như thế nào, còn ở tỉnh thì Ủy ban như thế nào. Bộ trưởng xin phép dành thời gian nghiên cứu kỹ hơn và báo cáo lại Chính phủ và Quốc hội sau.
Liên quan tới vấn đề giải phóng mặt bằng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết luật sửa đổi lần này sẽ là một bước tiến.
“Trước đây chúng ta chỉ quy định có 2 bước, chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án. Bây giờ tách ra làm 3 bước là chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án và thực hiện dự án. Như vậy giải phóng mặt bằng nằm ở chuẩn bị dự án”, Bộ trưởng cho biết.
Theo ông, nếu tách bạch cả 3 chỗ này ra thì sẽ biết nguyên nhân nằm ở đâu, trách nhiệm thuộc về ai và như vậy tách giải phóng mặt bằng ra cho làm trước, làm song song với làm thủ tục đầu tư.
“Khi làm xong thủ tục đầu tư là có thể thực hiện được ngay, thay vì phải xong quyết định đầu tư mới được làm giải phóng mặt bằng. Đây là một cuộc cải cách rất lớn”, đại diện cơ quan soạn thảo cho biết.
Tuy vậy, Bộ trưởng cũng đồng tình quan điểm cần phải quy định chặt chẽ trên tinh thần linh hoạt, mở ra nhưng phải quản lý được, kiểm soát được chứ không phải tràn lan dẫn đến nhiều hậu quả hay gây thất thoát, lãng phí.
Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2020. Thời gian qua, việc triển khai thực hiện các quy định của Luật là một bước tiến lớn, đảm bảo công khai, minh bạch, hạn chế tình trạng xin - cho trong quản lý, sử dụng nguồn lực của Nhà nước, góp phần và tạo điều kiện để đẩy mạnh công cuộc phòng chống tham nhũng, lãng phí và thực hành tiết kiệm trong đầu tư xây dựng cơ bản.
Tuy nhiên, sau gần 5 năm thực hiện, Luật Đầu tư công năm 2019 bộc lộ một số khó khăn, hạn chế, vướng mắc nên cần thiết nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét Luật Đầu tư công (sửa đổi) nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư công, khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Luật.
Luật Đầu tư công (sửa đổi) gồm 5 nhóm vấn đề lớn, nhằm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư; thúc đẩy thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; đơn giản hóa trình tự, thủ tục và bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Quang Trung
Nguồn VnEconomy : https://vneconomy.vn/bo-truong-nguyen-chi-dung-luat-dau-tu-cong-sua-doi-co-su-thay-doi-tu-duy-lon.htm