Tiếp tục rà soát, đánh giá toàn diện để tránh vướng mắc về thẩm quyền trong đầu tư công

Tiếp tục rà soát, đánh giá toàn diện để tránh vướng mắc về thẩm quyền trong đầu tư công
3 giờ trướcBài gốc
Tham gia đóng góp ý kiến vào dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang) nhất trí cao với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Đầu tư công. Nhằm tiếp tục hoàn thiện dự án Luật, đại biểu đề nghị xem xét một số vấn đề liên quan đến phạm vi sửa đổi bổ sung và phạm vi điều chỉnh của Luật; quy định liên quan đến các nhóm chính sách cụ thể và quy định chuyển tiếp của Luật.
Về phạm vi sửa đổi, bổ sung của Luật, đại biểu cho rằng, việc xem xét về tổng thể, đánh giá toàn diện những tồn tại, hạn chế để khắc phục các vướng mắc, khó khăn trong thực hiện đầu tư công như đã được thể hiện ở phạm vi sửa đổi trong dự thảo Luật là hoàn toàn cần thiết. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát kỹ lưỡng nội dung dự thảo Luật này để bảo đảm đạt được mục tiêu và 7 quan điểm lớn trong xây dựng Luật này đã nêu trong Tờ trình; đồng thời lược bỏ các nội dung quy định thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, địa phương để bảo đảm các quy định của Luật phải mang tính ổn định, có giá trị lâu dài; luật chỉ quy định những vấn đề căn bản, có tính nguyên tắc, còn các nội dung cụ thể hóa như về trình tự, thủ tục, tiêu chí, điều kiện, kỹ thuật… thì giao Chính phủ, Bộ trưởng quy định rõ ràng, cụ thể tại các văn bản dưới luật theo thẩm quyền.
Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà phát biểu ý kiến.
Về phạm vi điều chỉnh quy định tại Điều 1 dự thảo Luật, đại biểu thống nhất với ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp tại Báo cáo số 219/BC-BTP và ý kiến thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách tại Báo cáo thẩm tra số 2570, đề nghị Chính phủ rà soát, chỉnh lý và bảo đảm nội dung Luật phù hợp với phạm vi điều chỉnh đã được xác định, tránh chồng chéo với các Luật khác có liên quan.
Đối với các nhóm chính sách cụ thể, để bảo đảm đủ cơ sở pháp lý và để khi Luật cùng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành ban hành được thực thi đồng bộ, thống nhất trong thực tiễn, đề nghị theo thẩm quyền, ngay trong Luật này hoặc giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng quy định rõ ràng, cụ thể hơn một số nội dung.
Về Điều kiện quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án (Điều 19 dự thảo Luật): Khoản 1 quy định "Phù hợp với chiến lược, phương hướng, kế hoạch phát triển KT - XH và quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt". Để đánh giá được sự phù hợp với quy hoạch thì cần phải làm rõ các quy hoạch có liên quan là quy hoạch ở cấp quốc gia, cấp vùng hay cấp tỉnh vì hiện nay theo Luật Quy hoạch quy định thì hiện có 39 quy hoạch cấp quốc gia, 39 quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành; còn có quy hoạch cấp vùng; quy hoạch tỉnh và các quy hoạch khác.
Trình tự quyết định đầu tư (khoản 6 Điều 39) quy định cấp có thẩm quyền phải quyết định đầu tư chương trình, dự án ngay sau khi chương trình, dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư và được giao kế hoạch đầu tư công trung hạn, trong khi năm đầu kỳ chưa có kế hoạch đầu tư công trung hạn. Đồng thời, việc lập, phê duyệt, giao kế hoạch đầu tư công hằng năm vốn ngân sách nhà nước (Điều 61 dự thảo Luật), tại khoản 8 cần quy định rõ điều kiện chương trình, dự án khi được đưa vào kế hoạch và giao kế hoạch năm đầu tiên của kỳ trung hạn để bảo đảm không mâu thuẫn với điều kiện để chương trình, dự án, nhiệm vụ, đối tượng đầu tư công khác được bố trí vốn kế hoạch đầu tư công hằng năm tại khoản 1 Điều 57 dự thảo Luật này vì tại thời điểm đó Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn sau chưa được cấp có thẩm quyền thông qua.
Về Quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến quyết định chủ trương đầu tư (Điều 98 dự thảo Luật): Khoản 3 quy định: "Trường hợp các dự án thực hiện qua hai kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn liên tiếp quy định tại các điểm a, d khoản 2 của Điều này thực hiện vượt quá mức 20%, cấp có thẩm quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ đối với vốn ngân sách Trung ương, Hội đồng nhân dân các cấp đối với vốn ngân sách địa phương do cấp mình quản lý cho phép phê duyệt nhưng không vượt quá mức 50% tương ứng với quy định tại các điểm a, d khoản 2 của Điều này". Đại biểu đề nghị quy định rõ nội dung vượt quá mức 20% là mức vốn bao gồm tổng thể kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương (trong nước) đã được Quốc hội thông qua hay chỉ bao gồm mức vốn của các dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương (trong nước) đã được Quốc hội thông qua mà không bao gồm khoản vốn ngân sách trung ương đã giao hỗ trợ (giao cả cục) cho các địa phương (cấp tỉnh).
Về nội dung quy định “không vượt quá mức 50% của cấp tỉnh”, “không vượt quá mức 50% của cấp huyện” cần được làm rõ là mức vốn bao gồm tổng thể kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách địa phương đã được HĐND cấp tỉnh, cấp huyện thông qua hay chỉ bao gồm mức vốn của các dự án sử dụng vốn ngân sách cấp tỉnh đã được HĐND cấp tỉnh thông qua mà không bao gồm khoản vốn đã giao hỗ trợ (giao cả chương trình hoặc đề án) cho cấp huyện, cấp xã.
Về quy định chuyển tiếp, Điều 109 dự thảo Luật đã quy định 16 trường hợp chuyển tiếp khi Luật này có hiệu lực thi hành, tuy nhiên đại biểu cho rằng cần phải tiếp tục rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện hơn để tránh xảy ra tình trạng vướng mắc về thẩm quyền hay chưa có cơ sở pháp lý, tạo khoảng trống pháp lý giải quyết trong một số trường hợp cụ thể, cũng như quy định rõ hơn trường hợp chuyển tiếp và bảo đảm tính thống nhất của từng trường hợp chuyển tiếp với chính quy định trong các điều khoản khác của dự thảo Luật này.
Thực tế hiện nay nhiều dự án bị chậm tiến độ là do không thể xác định rõ cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư sau khi Luật mới có hiệu lực thi hành, ví dụ đối với các dự án đã được phê duyệt theo Luật cũ và triển khai trong nhiều giai đoạn là dự án quan trọng quốc gia (sử dụng vốn đầu tư từ 10.000 tỷ đồng trở lên) trong khi theo dự thảo Luật này, mức vốn để phân loại vào nhóm dự án này là 30.000 tỷ đồng trở lên - như vậy điều khoản chuyển tiếp đối với các dự án này cần cụ thể để tránh trường hợp vi phạm các hạn mức về sử dụng vốn ODA, vay ưu đãi, vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước. Vừa qua có một số dự án đầu tư công đang thực hiện dở dang nhưng thực tế có tình trạng dừng hoặc chấm dứt và muốn điều chuyển dự án đầu tư công đang thực hiện nhưng chưa có cơ sở pháp lý.
Bên cạnh đó, cần cân nhắc, bổ sung quy định chuyển tiếp đối với trường hợp điều chỉnh dự án mà các nội dung thay đổi dẫn đến dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của cấp thấp hơn (khoản 5 Điều 109 mới chỉ quy định trường hợp thẩm quyền quyết định chủ trương của cấp cao hơn). Cần nghiên cứu chỉnh sửa để bảo đảm tính thống nhất giữa khoản 1 Điều 109 với khoản 5 Điều 48 dự thảo Luật vì trường hợp điều chỉnh dự án làm tăng tổng mức đầu tư lớn hơn tổng mức đầu tư đã được cấp có thẩm quyền quyết định thì theo quy định của dự thảo Luật vẫn phải thực hiện thủ tục để điều chỉnh chủ trương đầu tư trước khi quyết định điều chỉnh dự án. Cần phải quy định cụ thể hơn trường hợp chuyển tiếp.
Thu Hằng
Nguồn Bắc Giang : http://baobacgiang.vn/tiep-tuc-ra-soat-danh-gia-toan-dien-de-tranh-vuong-mac-ve-tham-quyen-trong-dau-tu-cong-153409.bbg