Chiều 4/7/2025, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên có buổi làm việc với Viện Nghiên cứu Cơ khí (NARIME)
Tham dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Công Thương, đại diện các Viện nghiên cứu, Hiệp hội; cùng các cán bộ, viên chức, người lao động tại NARIME.
Viện Nghiên cứu Cơ khí thành lập ngày 6/7/1962, đến nay đã trải qua 63 năm hình thành và phát triển.
Bên cạnh công tác tham mưu Bộ Công Thương ban hành các cơ chế chính sách phát triển ngành cơ khí, tới nay NARIME đã có bước tiến nhảy vọt trong công tác nghiên cứu, thiết kế và đủ năng lực làm tổng thầu EPC, EPCM cho nhiều lĩnh vực.
Trong lĩnh vực ô tô, xe máy, NARIME đã và đang tích cực tham gia ngành công nghiệp hỗ trợ sản xuất ô tô, xe máy. Hiện nay, Viện là đơn vị đứng đầu trong nước về thiết kế, chế tạo và cung cấp được các dây chuyền thiết bị đồ gá hàn thân vỏ ô tô theo tiêu chuẩn của nhiều hãng xe lớn như BMW, Honda, Toyota, Hyundai, Ford, Vinfast… Viện đã thành công trong việc thiết kế và cung cấp các dây chuyền đồ gá hàn và lắp ráp thân vỏ các dòng xe điện VFe34, VF8, VF9, VF5, VF6, VF7, VF3, LIMO7, các dòng xe Ebus 10.5 m, Ebus 12 m, Ebus 8.6 m và hiện đang tiếp tục cung cấp dây chuyền cho các dòng xe mới như Minivan, VF71, Ebus 6m,…
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên
Trong lĩnh vực nhà máy phát điện nhiệt dư, NARIME đã sớm đầu tư nghiên cứu, tăng cường hợp tác với các đối tác quốc tế để làm chủ thiết kế, chế tạo, tích hợp dây chuyền thiết bị tận dụng nhiệt dư để phát điện, qua đó giúp các doanh nghiệp tiết kiệm hàng trăm, nghìn tỷ đồng, nhất là các nhà máy thép, xi măng như Xi măng Vicem Hoàng Mai, Bỉm Sơn, Hoàng Thạch.
Trong lĩnh vực năng lượng mới và chuyển đổi xanh, Viện đã tổ chức các đoàn kỹ sư chuyên ngành tham gia nghiên cứu, khảo sát các nhà máy điện mặt trời được đầu tư tại Trung Quốc, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Đài Loan (Trung Quốc) và tìm ra giải pháp hợp lý phù hợp với điều kiện trong nước. NARIME đã thực hiện thiết kế, cung cấp lắp đặt và thử nghiệm hệ thống phao và neo cho dự án nhà máy điện mặt trời Đa Mi và tiếp tục thiết kế, cung cấp lắp đặt hệ thống neo và phụ kiện cho các nhà máy điện mặt trời trên hồ Tầm Bó và hồ Gia Hoét.
Trong lĩnh vực công nghệ cao, Viện đã chủ động đầu tư về nhân lực, tài chính, hợp tác với các đơn vị trong và ngoài nước để từng bước làm chủ công tác tính toán, thiết kế, tích hợp các hệ thống tự động ứng dụng công nghệ của CMCN 4.0, điển hình là hệ thống Robot bốc xếp hàng tự động tại Công ty Cổ phần Bột giặt Lix; hệ thống phân loại 70.000 sản phẩm/ngày có sử dụng AI cho Công ty Cổ phần Tiếp vận Thế Kỷ; hệ thống Robot xếp thùng lên pallet có bộ đọc mã thông minh tích hợp AI phân loại từng mã sản phẩm tại chi nhánh Bắc Ninh của Công ty Cổ phần Bột giặt Lix…
Trong lĩnh vực thủy điện, NARIME đã cùng các đơn vị cơ khí trong nước tự lực trong việc thiết kế, chế tạo các thiết bị cơ khí thủy công cho hơn 29 công trình thủy điện vừa và lớn trong nước, trong đó có công trình thủy điện Sơn La (2.400 MW) và Lai Châu (1.200 MW).
Trong lĩnh vực nhiệt điện, Viện đã từng bước làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo hệ thống lọc bụi tĩnh điện, hệ thống thải tro xỉ, hệ thống bốc dỡ than, hệ thống phòng cháy chữa cháy các nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1, Thái Bình 1, Sông Hậu 1, Nghi Sơn 2.
Đặc biệt dự án nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, tích hợp và đưa vào vận hành thành công hệ thống bốc dỡ, vận chuyển than cho nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 với tỷ lệ nội địa hóa đạt 50,6% tương đương với thiết bị công nghệ từ các nước G7 là dự án đầu tiên trong nước thực hiện, mở ra hướng phát triển mới cho ngành cơ khí chế tạo trong nước.
Từ thành công của dự án, Viện đã tiếp tục thực hiện các hợp đồng cung cấp hệ thống thải tro xỉ cho Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 2; hệ thống cung cấp than cho Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1; hợp đồng xây dựng kho bãi và băng tải vận chuyển than giữa Lào, Việt Nam qua cặp cửa khẩu quốc tế La Lay (Quảng Trị) - La Lay (Sả-lạ-văn).
TS. Phan Đăng Phong - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí cho biết, đến nay, Viện đã khẳng định là một đơn vị đầu ngành về công tác nghiên cứu phát triển và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực Cơ khí - Tự động hóa
Trong lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản, NARIME đã nhận chuyển giao công nghệ mới trong lĩnh vực chế biến Bauxite, xây dựng đội ngũ làm chủ công nghệ, thiết kế các nhà máy chế biến bauxite - alumin và đang đảm nhận vai trò tư vấn cho các Dự án mới và các dự án mở rộng nâng công suất Nhà máy alumin cho Tập đoàn TKV, Việt Phương, Hóa chất Đức Giang... Việc Việt Nam tự chủ tư vấn lập dự án, tư vấn quản lý Dự án và giám sát thực hiện đầu tư đã tiết kiệm cho Chủ đầu tư hàng chục triệu USD cho mỗi dự án.
Trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, Viện đã cùng các doanh nghiệp cơ khí thiết kế, chế tạo và cung cấp thiết bị cho hầu hết nhà máy xi măng trong nước như Nghi Sơn, Hoàng Mai, Hải Phòng, Bỉm Sơn, Bút Sơn, Cẩm Phả…
Trong lĩnh vực nhà máy điện hạt nhân, công nghiệp đường sắt, trong thời gian qua, Viện Nghiên cứu Cơ khí đã sớm tập trung nghiên cứu, chuẩn bị nguồn nhân lực với 14 kỹ sư được đào tạo trình độ Thạc sỹ điện hạt nhân tại Hàn Quốc; thành lập các tổ nghiên cứu chuyên ngành để sẵn sàng tham gia chương trình xây dựng nhà máy điện hạt nhân và công nghiệp đường sắt tại Việt Nam.
Trong 5 năm gần đây, Viện Nghiên cứu Cơ khí đã đẩy mạnh được hoạt động sản xuất kinh doanh với doanh thu bình quân khoảng 1.800 tỷ đồng/năm, đời sống cán bộ viên chức và người lao động của Viện ngày càng được cải thiện và nâng cao.
Giai đoạn 2020 - 2024, Viện đã công bố 104 bài báo quốc tế, 194 bài báo trong nước; 02 Sáng chế được cấp bằng; 01 Nhãn hiệu hàng hóa được cấp giấy chứng nhận; 02 sáng chế đã đăng công báo; đã xuất bản 12 sách chuyên khảo.
Thy Thảo