Phát biểu tại sự kiện “Lễ trao tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú và Tuyên dương nhà giáo, cán bộ quản lý tiêu biểu năm 2024” sáng 17/11, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, tôn vinh nghề dạy học, vinh danh nhà giáo đã trở thành nét văn hóa tốt đẹp của đất nước chúng ta.
Năm nay, có 21 nhà giáo nhân dân, 65 nhà giáo ưu tú và 251 nhà giáo tiêu biểu đại diện cho 1,6 triệu nhà giáo đã có mặt tại sự kiện tuyên dương nhà giáo tiêu biểu.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: “Làm giáo dục là một việc khó, giáo dục chân chính, giáo dục cho đúng đạo lý, giáo dục hướng tới chất lượng cao, cuốn hút người học, lan tỏa được tinh thần sáng tạo và cảm hứng học tập bất tận cho người học lại càng khó” (ảnh nguồn Bộ Giáo dục và Đào tạo).
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: "Chúng ta đều ý thức rằng những nhà giáo giỏi, tâm huyết, tiêu biểu, và đặc biệt là những nhà giáo ưu tú có vai trò hạt nhân, đầu tầu và sức lan tỏa lớn”.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, có mặt tại sự kiện hôm nay gồm những nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, những nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu của ngành, cũng tức là những người đã có vai trò đặc biệt quan trọng trong đổi mới và phát triển giáo dục.
“Làm giáo dục là một việc khó, giáo dục chân chính, giáo dục cho đúng đạo lý, giáo dục hướng tới chất lượng cao, cuốn hút người học, lan tỏa được tinh thần sáng tạo và cảm hứng học tập bất tận cho người học lại càng khó” - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.
Để đạt được danh hiệu nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, nhà giáo tiêu biểu, các thầy cô đã tận tụy và yêu nghề, đã có rất nhiều đóng góp, đã vượt qua những khó khăn thử thách để thể hiện bản thân và lan tỏa các giá trị tốt đẹp.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng cho rằng, trong thời gian tới, sẽ còn nhiều thách thức mà ngành giáo dục sẽ phải đối mặt để vượt qua và thực hiện thành công các nhiệm vụ lớn.
Sau một quá trình thực hiện đổi mới thành công bước đầu với giáo dục phổ thông và giáo dục đại học, đã tới lúc chúng ta phải tập trung đổi mới và nâng cấp giáo dục mầm non.
Trong đó, bao gồm nhiều nhiệm vụ cần phải thực hiện như: các vấn đề huy động trẻ, triển khai chương trình giáo dục mầm non mới, phổ cập mầm non theo độ tuồi, đảm bảo đủ giáo viên, đủ cơ sở vật chất, huy động nguồn lực xã hội, lo cơ sở vật chất, an toàn trường học, chống bạo hành và an toàn thực phẩm, đủ giáo viên và đảm bảo các điều kiện để giáo viên an tâm công tác.
Cùng với đó, giáo dục phổ thông đã đến thời điểm hoàn thành chu trình đầu tiên của việc đổi mới chương trình và sách giáo khoa. Cần có một lần đánh giá quá trình triển khai đổi mới giáo dục phổ thông để rút kinh nghiệm, điều chỉnh những nội dung cần thiết để thực hiện đổi mới theo chiều sâu hơn.
Đó là đổi mới hướng tới hoàn thiện và nâng cao chất lượng giáo dục, hỗ trợ vùng khó, phát huy cho vùng thuận và hướng tới chuẩn quốc tế. Trong điều kiện đó, tiếng Anh sẽ trở thành ngôn ngữ thứ 2 như kỳ vọng trong Kết luận 91-KL/TW gần đây của Bộ Chính trị.
Nhiều vấn đề sẽ cần giải quyết rốt ráo, sâu rộng như phát triển con người trong thách thức mới của giáo dục số, của trí tuệ nhân tạo (AI) và của sự phát triển và biến đổi nhanh chóng, không ngừng của công nghệ, khoa học và kỹ thuật.
Đối với giáo dục đại học, cùng với việc triển khai tự chủ đại học theo chiều sâu, một trong những nhiệm vụ trước mắt cần phải thực hiện là hiện đại hóa cơ sở vật chất giảng dạy, phòng thí nghiệm, trang thiết bị phục vụ nghiên cứu vốn còn rất nghèo nàn và lạc hậu so với các đại học tiên tiến trên thế giới.
Khi cơ sở vật chất được hiện đại hóa, nội dung và phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá cũng sẽ theo đó mà có những thay đổi và nhanh chóng thích ứng cùng.
Cùng với sự phát triển nhanh chóng của khoa học kỹ thuật và công nghệ, những mô hình giáo dục mới sẽ hình thành và phát triển như giáo dục số, giáo dục từ xa, giáo dục ảo, …
Đối với giáo dục thường xuyên và xây dựng xã hôi học tập, học tập suốt đời, các địa phương cần: hoàn thiện mạng lưới cơ sở giáo dục thường xuyên và thực hiện đa dạng hóa các chương trình giáo dục trong các cơ sở giáo dục thường xuyên; đẩy mạnh công tác xóa mù chữ, chú trọng với những nơi có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, nơi có tỉ lệ người mù chữ cao…
Để thực hiện thành công những nhiệm vụ lớn nói trên, toàn ngành Giáo dục phải rất quyết tâm và cần hội đủ nhiều điều kiện cần thiết. Trong đó, yếu tố con người, mà tiêu biểu là các nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục có vai trò đặc biệt quan trọng.
Các nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, nhà giáo tiêu biểu sẽ là những hạt nhân phát huy tốt nhất kinh nghiệm, trí tuệ, quyết tâm và sự sáng tạo của bản thân, đồng thời chia sẻ, lan tỏa, truyền cảm hứng tích cực, nhân rộng những điều tốt đẹp tới cộng đồng các nhà giáo.
Các danh hiệu là sự ghi nhận, sự tôn vinh cho cái đã qua, bề dầy sự thể hiện và đóng góp của các cô, các thầy, đồng thời cũng là những kỳ vọng, trông đợi các cô, các thầy tiếp tục tỏa sáng, tham gia góp sức vào sự nghiệp phát triển giáo dục.
Trinh Phúc