Năm 2024 đối với ngành Giáo dục là năm nhiều công việc, nhiệm vụ, cũng là năm đánh dấu bằng nhiều kết quả quan trọng, hoàn thành nhiều mục tiêu đề ra đồng thời tạo tiền đề cho giai đoạn phát triển mới của giáo dục nước nhà.
Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trong cuộc trao đổi với báo chí khi ngành vừa triển khai tổng kết nhiệm vụ của năm 2024.
- Thưa Bộ trưởng, năm 2024 được coi là năm với nhiều dấu mốc quan trọng của giáo dục. Nhìn lại một năm qua, Bộ trưởng có thể cho biết đâu là những kết quả nổi bật của ngành?
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Sau 10 năm thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, năm 2024, đánh dấu một mốc quan trọng đối với sự phát triển giáo dục và đào tạo đất nước, đó là việc Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 91-KL/TW ngày 10/8/2024 tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW.
Kết luận 91-KL/TW của Bộ Chính trị đánh giá: Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 29, giáo dục và đào tạo nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Kết luận 91 cũng đồng thời đặt ra 8 nhiệm vụ trọng tâm với yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Nghị quyết 29-NQ/TW, Nghị quyết Đại hội XIII và các nghị quyết khác của Đảng về giáo dục và đào tạo.
Thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo được Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan xây dựng Chương trình hành động triển khai Kết luận số 91. Chương trình hành động đã được trình Chính phủ để xem xét ban hành làm căn cứ cho việc triển khai thực hiện.
Cùng với những chủ trương, định hướng lớn, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước dành cho giáo dục và đào tạo, năm 2024 cũng là năm ngành Giáo dục tiếp tục tập trung cho hoàn thiện thể chế, chính sách. Trong đó, dự thảo Luật Nhà giáo được trình và thảo luận lần đầu tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV là điểm nhấn.
Giáo viên Trường Trung học cơ sở Pom Lót, xã Pom Lót, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên trong giờ dạy về giáo dục địa phương - môn học mới của chương trình giáo dục phổ thông mới. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)
Sau gần 20 năm ấp ủ, hơn một năm gấp rút chuẩn bị, bằng sự tận tâm, tận lực của đội ngũ chuyên gia, những cán bộ, chuyên viên được giao xây dựng dự thảo Luật, cùng với quyết tâm của toàn ngành đã thuyết phục được xã hội. Dự thảo Luật Nhà giáo trình lần đầu nhận được sự ủng hộ, đồng thuận cao của đại biểu Quốc hội. Hiện nay, chúng tôi đang gấp rút tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội, hoàn thiện và thực hiện các công việc tiếp theo trước khi trình Quốc hội cho ý kiến lần hai tại Kỳ họp thứ 9. Theo dự kiến, dự thảo Luật Nhà giáo có thể được thông qua tại Kỳ họp này.
Năm 2024 đánh dấu thời điểm hoàn thành chu trình đầu tiên triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với ba cấp học đồng bộ trên cả nước. Danh mục sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12 đã hoàn thành việc thẩm định và phê duyệt. Việc tăng cường quản lý, bảo đảm sách giáo khoa theo hình thức xã hội hóa là một trong những nhân tố quan trọng góp phần hoàn thành chu trình đầu tiên đổi mới giáo dục phổ thông.
Thời điểm hoàn thành chu trình đầu tiên của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 còn ghi dấu bằng Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông cuối cùng theo chương trình 2006 được tổ chức thành công và công tác chuẩn bị khẩn trương, tích cực, chất lượng cho Kỳ thi đổi mới từ năm 2025.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố phương án thi, cấu trúc định dạng đề thi, đề thi tham khảo Kỳ tốt nghiệp Trung học phổ thông từ 2025 theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Theo đó, lần đầu tiên đánh giá theo hướng năng lực thay vì nội dung, kiến thức ở kỳ thi diện rộng cấp quốc gia và đạt ba mục tiêu: xét tốt nghiệp; đánh giá quá trình dạy và học; làm căn cứ tuyển sinh đại học và giáo dục nghề nghiệp.
Cùng với quá trình đổi mới thi tốt nghiệp trung học phổ thông, những chuẩn bị cho đổi mới tuyển sinh phổ thông, tuyển sinh đại học, cao đẳng cũng đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai trong năm 2024 thông qua việc sửa đổi, bổ sung các quy chế hiện hành.
Năm 2024 là năm diễn ra kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông cuối cùng theo chương trình 2006. (Ảnh: TTXVN)
Những kết quả về giáo dục và đào tạo trong năm 2024 còn có thể kể đến với thành tích vượt trội của học sinh Việt Nam tham dự các Kỳ thi Olympic khu vực, quốc tế; với một kỳ tuyển sinh đại học mà số lượng thí sinh dự tuyển và nhập học đại học tăng cao; các ngành sư phạm và các ngành đào tạo về trí tuệ nhân tạo, đặc biệt ngành vi mạch bán dẫn có sức hút mạnh cho thấy những bước tiến ban đầu theo chủ trương, kế hoạch lớn của Chính phủ về đào tạo nhân lực ngành bán dẫn…
Giáo dục mầm non - cấp học vốn nhiều khó khăn cũng đã có một năm với chuyển biến từ sự quan tâm về chính sách, đầu tư, định hướng. Giáo dục thường xuyên, xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời tiếp tục được quan tâm thúc đẩy, với việc lần đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị toàn quốc các giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên; Việt Nam có thêm 2 thành phố học tập toàn cầu theo công bố của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO), đưa tổng số thành phố học tập toàn cầu tại Việt Nam lên 5 thành phố.
Năm 2024, 2 điều kiện tiên quyết của giáo dục và đào tạo là đội ngũ nhà giáo và cơ sở vật chất trường lớp tiếp tục được các địa phương, ngành giáo dục quan tâm. Thiếu giáo viên dù vẫn là thực tế song dần được tháo gỡ bằng các giải pháp linh hoạt, quyết liệt của nhiều địa phương. Năm 2024, một hội nghị toàn quốc về kiên cố hóa trường lớp và nhà công vụ cho giáo viên đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, với quyết tâm đến năm 2030 kiên cố hóa 100% trường học.
Năm 2024 tiếp tục là một năm ngành giáo dục dành sự quan tâm cho công tác chuyển đổi số và đạt thêm nhiều kết quả quan trọng. Đây cũng là năm ngành giáo dục nhiều địa phương đã nỗ lực vượt qua thiệt hại do thiên tai, mưa lũ để hoàn thành nhiệm vụ giáo dục. Sự chung sức, đồng lòng của toàn ngành trong khó khăn cũng là thành quả rất đáng trân trọng trong năm qua.
Giờ học của học sinh Trường Tiểu học Nghĩa Tâm, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)
- Với rất nhiều kết quả đạt được trong năm 2024, ngành giáo dục và đào tạo hẳn sẽ có nhiều thuận lợi để tiếp tục phát triển, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Ngành giáo dục có nhiều thuận lợi, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay. Trước hết, đó là sự quan tâm rất lớn của toàn xã hội dành cho ngành, sự quan tâm này mang tới những đồng hành, chia sẻ với ngành trong triển khai các nhiệm vụ.
Đó là những chỉ đạo, định hướng sát sao về phát triển giáo dục và đào tạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội; sự quan tâm, ghi nhận, động viên của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với ngành, với lực lượng nhà giáo, với học sinh, sinh viên. Cùng với đó là sự vào cuộc phối hợp của các cấp, các ngành trung ương, địa phương với sự nghiệp giáo dục.
Những chuyển động trong hoàn thiện chế độ, chính sách chung có tác động tới giáo dục, cũng như chế độ, chính sách riêng của ngành, liên quan tới ngành… cũng tạo thuận lợi lớn cho những đổi mới, phát triển về giáo dục và đào tạo thời gian qua.
Dù vẫn còn một số vấn đề đặt ra về số lượng, chất lượng, song không thể phủ nhận đây là thời điểm, đội ngũ nhà giáo đông đảo về số lượng, được đào tạo bài bản, có trình độ chuyên môn vững vàng. Với vai trò “quyết định chất lượng giáo dục”, khoảng 1,6 triệu nhà giáo có trình độ, tâm huyết cống hiến chính là thuận lợi lớn của ngành.
Trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển như hiện nay, cùng với quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, giáo dục được thụ hưởng nhiều “cái lợi” và cả người dạy, người học cũng đang nhanh chóng tiếp thu, tận dụng những lợi thế này để đổi mới, đưa chất lượng giáo dục tiệm cận với khu vực và thế giới.
Thiếu giáo viên vẫn là một trong những khó khăn lớn của ngành giáo dục. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)
- Đi cùng với những thuận lợi đó thì đâu là những thách thức của ngành trong kỷ nguyên mới, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Ngành có nhiều thuận lợi nhưng đồng thời với cơ hội là thách thức. Sự quan tâm, kỳ vọng lớn với giáo dục trong bối cảnh điều kiện đầu tư cho phát triển giáo dục còn khiêm tốn làm gia tăng áp lực cho ngành. Sự quan tâm nhưng đôi khi chưa thấu hiểu, chia sẻ đúng, đủ của phụ huynh, xã hội cũng là thách thức trong việc đáp ứng được sự quan tâm.
Những khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, trường lớp nhất là ở vùng sâu, vùng xa và ở ngay các thành phố lớn đặt ra thách thức chưa thể giải quyết được ngay. Mặc dù các địa phương rất nỗ lực và thời gian qua đã bổ sung đầu tư song vẫn chưa theo kịp với sự gia tăng số lượng học sinh và yêu cầu của đổi mới giáo dục.
Thiếu giáo viên, áp lực để làm nghề, giữ nghề của nhà giáo trong điều kiện còn khó khăn về thu nhập, khó khăn về điều kiện làm việc và cả sức ép để thích ứng với đòi hỏi của quá trình đổi mới giáo dục và đào tạo đang diễn ra… đều là những thách thức lớn đang đặt ra cho ngành.
Bên cạnh đó, sự phát triển của công nghệ cũng đặt ra bài toán về việc thích ứng, quản lý, quản trị trong môi trường giáo dục.
- Với những thuận lợi và khó khăn đó, là tư lệnh ngành giáo dục, Bộ trưởng có mong mỏi, gửi gắm gì trong năm mới 2025?
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Có thể coi năm 2025 là năm bản lề, bởi nhiều công việc, nhiệm vụ của năm khi hoàn thành sẽ tạo nền tảng, tạo đà cho quá trình phát triển trong 5 năm tiếp theo. Với nhiều công việc, nhiệm vụ phải làm trong năm 2025, tôi mong rằng toàn ngành đã nỗ lực sẽ tiếp tục nỗ lực để hoàn thành tốt nhất các công việc, nhiệm vụ đã đặt ra.
Năm 2024 ghi dấu về sự quyết liệt trong các chính sách đầu tư, quan tâm tới giáo dục từ trung ương tới địa phương; rất nhiều địa phương đã ban hành chính sách đặc thù về học phí, về chính sách cho nhà giáo, về đầu tư cơ sở vật chất… để thúc đẩy phát triển giáo dục và đào tạo. Tôi mong rằng những quan tâm, những chính sách quyết liệt, hiệu quả này sẽ tiếp tục được thể hiện trong năm 2025 và những năm tiếp theo.
Tôi cũng mong rằng, sự đồng hành, thấu hiểu, chia sẻ của xã hội với ngành Giáo dục đã nhiều sẽ nhiều hơn nữa.
Nhân dịp năm mới, tôi gửi tới các cán bộ, giáo viên, nhân viên đã và đang công tác trong ngành Giáo dục lời chúc mạnh khỏe, bình an, hạnh phúc. Chúc các em học sinh, sinh viên có một năm mới với nhiều niềm vui, sự tiến bộ và thành quả trong học tập./.
(Vietnam+)