“Chưa bao giờ ngừng bất an”, là chia sẻ của hầu hết phụ huynh có con thi vào lớp 10. Dù Bộ GDĐT đã chốt phương án thi nhưng thời điểm này, học sinh và phụ huynh vẫn đang thấp thỏm chờ thông tin môn thứ 3.
Chị Nguyễn Hoài Phương (quận Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi mong môn thi thứ 3 là Tiếng Anh. Bố mẹ còn lo âu thế này thì các con và thầy cô áp lực biết bao”.
Theo Thông tư 30/TT-BGDĐT của Bộ GDĐT về quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT vừa ban hành, có hiệu lực từ ngày 14/2/2025, kỳ thi vào lớp 10 gồm: môn Toán, Ngữ văn và 1 môn thi hoặc bài thi thứ ba do sở GDĐT lựa chọn.
Học sinh dự thi vào lớp 10 THPT công lập tại Hà Nội năm học 2024-2025.
Môn thứ ba do sở GDĐT lựa chọn từ các môn được đánh giá bằng điểm số, gồm: Ngoại ngữ 1, Giáo dục công dân, Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Công nghệ, Tin học.
Theo đó, môn thi thứ ba có thể là môn Khoa học tự nhiên gồm 3 phân môn Vật lý, Hóa học, Sinh học hoặc môn Lịch sử và Địa lý gồm phân môn Lịch sử và Địa lý.
Như vậy, đề thi sẽ không phải là đơn môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý mà có thể là đề thi tích hợp các phân môn này theo từng môn tổ hợp.
Thông tư mới cũng quy định, địa phương không chọn cùng một môn thi thứ ba quá 3 năm liên tiếp, tính từ khi thông tư này có hiệu lực thi hành.
Với quy định mới, dù Bộ GDĐT đã giảm môn thứ 4 thi vào lớp 10 nhưng không ít học sinh, phụ huynh e ngại nếu sở GDĐT chọn môn thi tích hợp thì học sinh sẽ tăng áp lực.
Em Đinh Vân Khánh, Trường THCS Cổ Bi (huyện Gia Lâm, Hà Nội) cho rằng: “Nếu môn thi thứ ba là môn Khoa học tự nhiên thì chúng em sẽ phải phải ôn kiến thức Vật lý, Hóa học, Sinh học. Như vậy, nói là thi 3 môn nhưng bọn em phải học và ôn tới 5 môn”.
Hơn nữa, theo thông tư mới, môn thi thứ ba hoặc bài thi tổ hợp của một số môn học được công bố sau khi kết thúc học kỳ I nhưng không muộn hơn ngày 31/3 hằng năm.
Em Nguyễn Đỗ Ngọc, học sinh Trường THCS Trung Phụng (quận Đống Đa, Hà Nội) bày tỏ mong muốn Sở GDĐT Hà Nội sớm chốt môn thi thứ 3 để học sinh có thêm nhiều thời gian ôn tập.
Năm học 2024-2025 là năm khép kín của chu kỳ thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Theo đó, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT lần đầu tiên thực hiện theo chương trình mới.
Chị Đinh Quỳnh Nga (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho rằng, hiện nay, việc dạy các môn tích hợp theo chương trình mới vẫn còn một số bất cập. Thế nên, nếu sở GDĐT chọn môn thi thứ 3 là môn tích hợp thì kỳ thi sẽ khó hơn cho học sinh.
Vì vậy, môn thi thứ ba nên công bố ngay từ sớm chứ không nên đợi đến tận cuối tháng 3, tránh gây áp lực không cần thiết.
Về Thông tư số 30/TT-BGDĐT, Bộ GDĐT cho biết, thông tư được xây dựng trên nguyên tắc kế thừa những nội dung phù hợp của Thông tư số 11/2014/TT-BGDĐT ban hành Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT; bổ sung những quy định mới phù hợp với bối cảnh giáo dục, bối cảnh xã hội.
Thông tư đảm bảo nguyên tắc cốt lõi không gây áp lực tốn kém cho cha mẹ học sinh, học sinh và xã hội, với tinh thần gọn nhẹ, cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính; phù hợp với chủ trương chuyển đổi số trong lĩnh vực GDĐT.
“Đây là quan điểm xuyên suốt được nhấn mạnh trong Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, đào tạo; nhất là ở nội dung về đổi mới kiểm tra đánh giá. Quan điểm này tiếp tục được thể hiện trong Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”, Bộ GDĐT thông tin.
Ngay sau khi Bộ GDĐT ban hành thông tư về quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT, Sở GDĐT TPHCM đã có thông tin chính thức về kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2025.
Theo đó, kỳ thi vào lớp 10 năm 2025 tại TPHCM diễn ra với 3 môn thi gồm: Ngữ văn, Toán và Tiếng Anh.
Theo phân tích của Sở GDĐT TPHCM, chương trình giáo dục ở cấp THCS đảm bảo học sinh được tiếp cận kiến thức, vấn đề cơ bản và xác định được định hướng của bản thân, làm căn cứ lựa chọn các môn học phù hợp ở THPT. Do đó, môn thi thứ ba phải đảm bảo không ảnh hưởng đến tâm lý, quá trình ôn tập và việc lựa chọn môn ở cấp THPT của học sinh.
Mặt khác, Ngoại ngữ còn là môn học bắt buộc, xuyên suốt từ lớp 3 đến hết lớp 12. Các môn khác như Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Công nghệ hay Tin học có thể không được học sinh lựa chọn khi vào lớp 10. Việc lựa chọn ngẫu nhiên môn thi thứ ba dẫn đến việc học sinh phải thi những môn không thuộc định hướng nghề nghiệp, từ đó gây ra “sốc” tâm lý, căng thẳng trước kỳ thi.
Nguyễn Hoài