Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Tôi đi thay kính cận cũng bị hỏi tên, nghề nghiệp

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Tôi đi thay kính cận cũng bị hỏi tên, nghề nghiệp
2 ngày trướcBài gốc
Nhà nhà thu thập thông tin cá nhân
Ngày 12/11, tham gia chất vấn Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông (TT&TT), đại biểu Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh) cho biết, hiện nay, tình trạng quảng cáo trực tuyến thường dựa vào những dữ liệu người dùng, đôi khi vi phạm quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân.
Theo đại biểu, điều này gây ra lo ngại về bảo mật thông tin cá nhân của người tiêu dùng.
Đại biểu Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh).
Theo thống kê cho thấy, số lượng thông tin cá nhân, quyền riêng tư của người dùng bị đánh cắp trong 6 tháng đầu năm 2024 đã tăng 50% so với 6 tháng đầu năm 2023, gây bức xúc cho xã hội.
Đại biểu đề nghị, với vai trò là thủ lĩnh của ngành thông tin và truyền thông, Bộ trưởng làm rõ các giải pháp để chủ động phối hợp phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả tình trạng nêu trên?
Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hiện nay có tình trạng nhà nhà thu thập thông tin cá nhân.
Bộ trưởng lấy ví dụ về việc bản thân đi thay kính cận cũng được hỏi tên, tuổi, địa chỉ, nghề nghiệp. Họ tư duy theo hướng có thông tin xây dựng cơ sở dữ liệu tệp khách hàng.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, việc phổ biến Luật An ninh mạng quy định về trách nhiệm người thu thập thông tin.
Năm 2023, 2024, Bộ TT&TT coi dữ liệu cá nhân là nội dung trọng điểm và tổ chức nhiều đoàn thanh tra. Các công ty bưu chính, ngân hàng, mạng xã hội cũng phải chấn chỉnh nhiều sai sót liên quan đến sử dụng dữ liệu cá nhân. Bộ đã công bố những sai sót để nhắc nhở các doanh nghiệp này.
Nghiên cứu đưa kinh tế số, kỹ thuật số vào giảng dạy trong trường học
Đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) đề nghị Bộ trưởng Bộ TT&TT cho biết, Bộ có nên phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Bộ, ngành khác để nghiên cứu đưa kinh tế số, kỹ thuật số trở thành môn học và đưa vào chương trình giáo dục phổ thông hay không?
Đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương).
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, có nhiều nhà nghiên cứu nói rằng, cuộc di chuyển vĩ đại nhất lịch sử nhân loại là di chuyển từ thế giới thực sang thế giới số. Chúng ta phải cần rất nhiều thời gian để làm quen với không gian này.
Về việc có nên đưa kinh tế số vào môn học trong chương trình giáo dục phổ thông hay không, ông Hùng cho hay ông vừa trao đổi với Thủ tướng Phạm Minh Chính trong giờ giải lao thì Thủ tướng cho rằng "rất nên".
Chúng ta đã đưa tin học vào phổ thông, có thể nâng cấp môn học này lên. Trẻ em cũng phải ngấm từ nhỏ. Các bộ ngành liên quan sẽ làm việc về nâng cấp môn tin học, trong đó đưa kỹ năng số vào môn này.
Chưa có bằng chứng trạm phát sóng BTS ảnh hưởng sức khỏe
Đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm (đoàn Sóc Trăng) đề nghị Bộ trưởng Bộ TT&TT cho biết nguyên nhân dẫn đến tình trạng người dân khiếu kiện, phản đối lắp đặt các trạm thu phát sóng di động (BTS) và chỉ ra giải pháp khắc phục trong thời gian tới?
Đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm (đoàn Sóc Trăng).
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết việc lắp đặt khoảng 800 trạm phát sóng đang gặp nhiều khó khăn, chiếm 6% tổng số trạm.
Dù công suất của trạm phát sóng lớn hơn điện thoại di động nhiều lần, nhưng sóng điện từ giảm nhanh chóng sau 5m và tác động của điện thoại đến sức khỏe còn đáng lo ngại hơn. Các tổ chức y tế thế giới khẳng định chưa có bằng chứng khoa học cho thấy trạm phát sóng gây hại cho sức khỏe.
Việc triển khai trạm phát sóng gặp nhiều khó khăn do sự phản đối của một số hộ dân, thủ tục hành chính rườm rà và thiếu nguồn vốn.
Để giải quyết vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị các địa phương đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp viễn thông đầu tư, đồng thời tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu rõ tầm quan trọng của việc phát triển hạ tầng viễn thông.
Việt Nam sẽ có 15 tuyến cáp quang biển
Đại biểu Vũ Thị Liên Hương (Quảng Ngãi) đề nghị Bộ trưởng TT&TT cho biết kế hoạch khắc phục tình trạng sự cố cáp quang biển xảy ra thường xuyên, ảnh hưởng đến kết nối internet quốc tế.
"Khi có sự cố, Bộ đã có giải pháp nào nhằm đảm bảo an toàn và ổn định cho việc kết nối quốc tế, giúp nâng cao chất lượng của dịch vụ internet?", bà Liên Hương hỏi.
Đại biểu Vũ Thị Liên Hương (Quảng Ngãi).
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hiện nay chúng ta có 5 tuyến cáp quang biển và có 2 tuyến cáp quang quốc tế trên đất liền. Năm 2022, có lúc cả 5 tuyến cáp quang biển bị ảnh hưởng và chỉ còn lại 40% dung lượng, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ internet khá đáng kể.
Giải thích lí do của vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, nguyên nhân là do cả 5 tuyến cáp quang biển của nước ta đều đi một hướng qua Biển Đông.
Đối với Việt Nam, 5 tuyến như vậy là ít, ví dụ như ví dụ như Thái Lan hiện nay có 8 tuyến, Philippines có 17 tuyến. Quý I/2025, chúng ta sẽ có thêm 2 tuyến nữa được đưa vào vận hành khai thác, tức là tổng 7 tuyến.
Bộ TT&TT đã ban hành chiến lược về cáp quang biển đến năm 2030, cụ thể sẽ tăng lên thành 15 tuyến cáp quang biển và dung lượng tăng 10 lần, đa dạng hóa hóa hướng tuyến đi xuống phía Nam và đi vào Singapore và Malaysia, có tuyến nối với Nhật và Mỹ.
Đồng thời đa dạng hóa các nhà cung cấp, các nhà lắp đặt để sửa chữa; đầu tư cho 2 tuyến cáp quang trên đất liền, đảm bảo ít nhất được 20% dung lượng.
Sẽ chỉ đạo sát sao việc ngầm hóa cáp viễn thông
Tham gia chất vấn, đại biểu Tráng A Dương (đoàn Hà Giang) phản ánh tình trạng cáp viễn thông "giăng mắc như mạng nhện" và đề nghị Bộ trưởng TT&TT cho biết giải pháp khắc phục.
Đại biểu Tráng A Dương (đoàn Hà Giang).
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, viễn thông Việt Nam phát triển nhanh đến ngày hôm nay một phần là do các nhà mạng phát triển nhanh, chưa đầu tư để ngầm hóa cáp viễn thông.
Hiện nay, khi sóng viễn thông đã phổ cập, chất lượng dịch vụ chấp nhận được, các doanh nghiệp đã có lợi nhuận, qua giai đoạn tăng trưởng, cần tập trung vào nâng cao chất lượng mạng lưới, thực hiện ngầm hóa cáp viễn thông.
Bộ TT&TT đã có chương trình nâng cao tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu các nhà mạng thực hiện ngầm hóa cáp viễn thông, hoặc đảm bảo mỹ quan, an toàn đối với cáp viễn thông. Đặc biệt, việc dùng chung cơ sở hạ tầng cần được thực hiện để giảm việc ngầm hóa.
"Đây là trách nhiệm của Bộ TT&TT, Bộ đã phân cấp cho các Sở TT&TT thực hiện đề xuất UBND cấp tỉnh ban hành các kế hoạch, các yêu cầu để các nhà mạng thực hiện. Tuy nhiên, việc này cần có lộ trình, thời gian để đầu tư, thi công. Bộ TT&TT sẽ chỉ đạo sát sao việc ngầm hóa cáp viễn thông", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thông tin.
Phùng Đô
Trang Trần
Nguồn Giao Thông : https://www.baogiaothong.vn/bo-truong-nguyen-manh-hung-toi-di-thay-kinh-can-cung-bi-hoi-ten-nghe-nghiep-192241112145432741.htm