Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Xem xét ý kiến để cơ quan báo chí tự chủ về quảng cáo

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Xem xét ý kiến để cơ quan báo chí tự chủ về quảng cáo
3 giờ trướcBài gốc
Giao cho cơ quan báo chí tự chủ diện tích quảng cáo
Chiều 25/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.
Thống nhất việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, đại biểu Trần Thị Thanh Hương (Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang) cho rằng, đây là những vấn đề rất thiết thực nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập, góp phần xây dựng thị trường quảng cáo Việt Nam phát triển vì lợi ích chung của toàn xã hội.
Góp ý về quảng cáo trên báo in, báo nói, báo hình, đại biểu Trần Thị Thanh Hương cho biết, trước xu thế phát triển của quảng cáo trên mạng thì việc tăng diện tích, tăng thời lượng quảng cáo cho báo chí là một trong những yếu tố quan trọng và rất cần thiết, phần nào góp phần cho các cơ quan báo chí tăng nguồn thu, giải quyết khó khăn trong việc thực hiện tự chủ tài chính. Tuy nhiên, quan trọng vẫn là đổi mới, nâng cao chất lượng nội dung sản phẩm báo chí và tăng chất lượng cho các nội dung quảng cáo chứ không chỉ tăng thời lượng, diện tích quảng cáo lên quá nhiều, dễ ảnh hưởng đến thị hiếu của độc giả và khán giả.
Đại biểu Trần Thị Thanh Hương (Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang)
“Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động để việc quy định tăng diện tích, thời lượng quảng cáo có tỷ lệ thực sự phù hợp và thuyết phục hơn. Bên cạnh đó, cần có những quy định ràng buộc về tỷ lệ diện tích, vị trí quảng cáo đối với từng loại hình báo chí khác nhau để không làm ảnh hưởng đến chất lượng nội dung và thị hiếu bạn đọc”, đại biểu đền nghị.
Tham gia tranh luận về vấn đề này, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên) nêu quan điểm, việc nới diện tích quảng cáo trên báo in sẽ giúp cho các cơ quan báo chí thực hiện tốt hơn cơ chế tự chủ tài chính và tốt hơn trong hoạt động của mình. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, các cơ quan báo chí gặp khó khăn không phải vì thiếu diện tích quảng cáo mà khó nhất là thiếu quảng cáo. Điều này giống như việc các đoàn tàu đang thiếu khách nhưng giải pháp đưa ra là tăng thêm toa tàu.
Theo đại biểu Đỗ Chí Nghĩa, vấn đề chính là phải thúc đẩy thêm được “khách đi tàu”. Bên cạnh đó, đại biểu cũng lưu ý là thị trường có thể có biến động thay đổi, như sau này quảng cáo trên báo chí có thể tăng trở lại. Do đó, đại biểu đồng tình với việc giao quyền tự chủ cho cơ quan báo chí về diện tích quảng cáo.
Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên)
Tuy nhiên, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa bày tỏ lo ngại nếu giao tự chủ, tự quyết diện tích quảng cáo này cũng có thể dẫn đến một số cơ quan báo chí có lượng bạn đọc ổn định, lượng phát hành ổn định hoặc báo do NSNN bảo đảm nhưng lại tăng diện tích quảng cáo lên thì “rất phản cảm”. Bởi báo, tạp chí là do thị trường quyết định, do bạn đọc quyết định. Do đó, đại biểu cho rằng, trừ các cơ quan báo chí đặc thù, cơ quan báo chí sử dụng NSNN, các cơ quan báo chí được đặt hàng, được bao tiêu sản phẩm… thì nên để cơ quan báo, tạp chí quyết định diện tích quảng cáo trên báo in.
Theo đại biểu, có nhiều cách để điều tiết vấn đề này, tuy nhiên, nên giao cho Chính phủ quy định chi tiết, tức là các cơ quan báo chí đặc thù, báo do NSNN bảo đảm thì Chính phủ quy định chi tiết.
“Nên quy định mở, “vì quản thì không xuể”, quy định như vậy sẽ cởi mở và hiệu quả, phù hợp với điều kiện kinh tế thị trường hiện nay khi người đọc hiện nay rất tinh tường, sẽ lựa chọn những sản phẩm đứng đắn, đàng hoàng và có trách nhiệm với công chúng, với xã hội”, đại biểu đoàn Phú Yên nêu ý kiến.
Chưa quan tâm tới quyền lợi của người xem
Liên quan tới vấn đề thời lượng quảng cáo trên truyền hình, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy (Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh) cho hay, quy định hiện hành, mỗi chương trình phim truyện được ngắt quảng cáo không quá 2 lần, mỗi lần không quá 5 phút. Điều này dẫn tới tình trạng giảm thời lượng mỗi tập phim khiến “phim quá ngắn, quảng cáo quá dài”.
Điều 22 dự thảo luật sửa đổi quy định mỗi chương trình vui chơi giải trí không được ngắt quá 4 lần, mỗi lần ngắt không quá 5 phút. Chương trình phim truyện dưới 30 phút được ngắt quảng cáo 2 lần. Mỗi 15 phút tăng thêm được ngắt thêm 1 lần. Mỗi lần ngắt không quá 5 phút.
Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy (Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh)
“Vì vậy, nếu mỗi tập phim 60 phút có tới 15 phút quảng cáo, chiếm tới 1/4 thời lượng chương trình”, đại biểu Thúy nói và cho rằng, quy định như vậy là chưa quan tâm tới quyền lợi của người xem truyền hình.
Đại biểu phân tích, nếu quảng cáo trên báo in và điện tử, người xem có thể bỏ qua, nhưng với truyền hình thì không có phương pháp nào. Do đó, để cân bằng lợi ích, cần cân nhắc quy định này, đại biểu kiến nghị, thời lượng quảng cáo trên phim truyền hình không nên quá 1/5 thời lượng chương trình và ngắt không quá 2 lần.
Bảo vệ trẻ em trước quảng cáo trên mạng
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng) cho rằng, vấn đề bảo vệ trẻ em trước quảng cáo, đặc biệt quảng cáo trên mạng xã hội vẫn còn nhiều khó khăn.
Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng)
Nữ đại biểu nhấn mạnh, quảng cáo trên mạng rất đa dạng và khó kiểm soát, đặc biệt quảng cáo hiển thị trên các trang web không chính thức, các nhà quảng cáo luôn tìm kiếm những cách thức mới để thu hút sự chú ý của trẻ em. Đôi khi vượt quá giới hạn cho phép của pháp luật. Nhiều phụ huynh chưa nhận thức đầy đủ tác hại của quảng cáo đối với trẻ em dẫn đến việc không có sự giám sát chặt chẽ. Vì vậy, đề nghị cần quy định trong dự thảo luật về việc bổ sung định nghĩa rõ ràng về quảng cáo nhắm vào trẻ em, bao gồm cả quảng cáo trực tiếp và quảng cáo gián tiếp.
Đại biểu cho rằng, cần quy định chi tiết các nội dung quảng cáo nhắm vào trẻ em, tăng cường các biện pháp xử phạt đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm quy định. Xây dựng một cơ chế giám sát hiệu quả để phát hiện và xử lý các vi phạm. Bên cạnh đó, cần tăng cường hợp tác quốc tế với các quốc gia khác để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, cùng nhau xây dựng các tiêu chuẩn chung về quảng cáo nhắm vào trẻ em trên các nền tảng xuyên biên giới.
Tiếp thu, xem xét ý kiến để các cơ quan báo chí tự chủ về quảng cáo
Giải trình một số ý kiến, Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho rằng, lĩnh vực quảng cáo là rất khó. So với Luật Quảng cáo hiện hành, dự thảo Luật sửa đổi lần này có những điểm mới như quảng cáo trên không gian mạng mà trước đây chưa có.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch Nguyễn Văn Hùng
Tuy nhiên, Bộ trưởng nhìn nhận, thực tiễn chưa thể lường hết các hình thức quảng cáo trên không gian mạng sẽ phát triển như thế nào trong bối cảnh khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo (AI) phát triển như vũ bão hiện nay.
Bộ trưởng nhấn mạnh, dự thảo Luật Quảng cáo sửa đổi lần này là hướng đến bảo vệ người tiêu dùng và đáp ứng tiêu chí hội nhập quốc tế. Cho nên, nếu tính toán không kỹ sẽ có những lợi thế mà Việt Nam không thể tận dụng được trong lĩnh vực quảng cáo trên không gian mạng.
Đối với quy định quảng cáo trên báo chí, Bộ trưởng cho biết sẽ làm việc với Bộ Thông tin – Truyền thông và các cơ quan báo chí lớn để lắng nghe, thảo luận thêm để bảo đảm lợi ích của các cơ quan báo chí. Đồng thời, không ảnh hưởng đến lợi ích của người sử dụng sản phẩm quảng cáo.
Về ý kiến để các cơ quan báo chí tự chủ động về quảng cáo, Bộ trưởng cho rằng, đây là ý kiến rất được quan tâm và tiếp thu xem xét trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt, tới đây Đảng và nhà nước triển khai thực hiện cách mạng về tinh gọn bộ máy, trong đó có sắp xếp lại các cơ quan báo chí.
Cẩm Tú/VOV.VN
Nguồn VOV : https://vov.vn/kinh-te/bo-truong-nguyen-van-hung-xem-xet-y-kien-de-co-quan-bao-chi-tu-chu-ve-quang-cao-post1137975.vov