Tại hội nghị, nhiều ý kiến được cử tri nêu lên, tập trung vào các vấn đề về quy hoạch, đầu tư hạ tầng, chính sách ngũ đền bù cho đội cán bộ dôi dư và tự nguyện xin nghỉ trước tuổi theo Nghị định 178 và Nghị định 67 của Chính phủ; bố trí vốn trung hạn cho các dự án tại địa phương...
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, dù bối cảnh quốc tế nhiều bất ổn, kinh tế Việt Nam vẫn "lội ngược dòng", đạt kết quả tích cực. Tăng trưởng GDP quý II ước đạt 6,87–6,97%, đưa mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm tiệm cận kịch bản đề ra là 7,58%. Thu ngân sách nhà nước đạt 66,7% dự toán, tăng 28,3% so với cùng kỳ, trong đó thu nội địa tăng 33%. Các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo, cơ cấu thu bền vững. Với đà này, mục tiêu tăng trưởng tối thiểu 8% trong 6 tháng cuối năm là khả thi.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng giải đáp nhiều vấn đề liên quan đến lĩnh vực tài chính-ngân sách đối với cử tri tỉnh Điện Biên. Ảnh BTC.
Về kiến nghị của cử tri và địa phương, liên quan đến bố trí, điều chuyển trụ sở, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, Bộ Tài chính đồng thuận chủ trương giao lại trụ sở cũ của Hải quan và Bảo hiểm xã hội cho tỉnh Điện Biên sử dụng. Tuy nhiên, Chi cục Hải quan khu vực VII hiện còn 10 cán bộ đang làm việc, đề nghị tỉnh bố trí tạm địa điểm hoặc giữ lại một phần trụ sở để cán bộ hoạt động. Trụ sở Bảo hiểm xã hội sau khi đơn vị chuyển đến nơi mới sẽ được bàn giao lại cho tỉnh.
Về bố trí ngân sách sắp xếp bộ máy theo Nghị định 178/2024/NĐ-CP và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, tỉnh đề nghị hỗ trợ 538 tỷ đồng để đảm bảo cơ sở vật chất, Bộ Tài chính đã phản hồi và có hướng dẫn chi tiết. Quan điểm của Bộ Tài chính là đối với các tỉnh chưa cân đối ngân sách và khó khăn như Điện Biên thì Trung ương hỗ trợ là hết sức hợp lý. Tuy nhiên, khi có văn bản đề nghị cần rà soát tính toán kỹ càng và có cơ sở để Trung ương thẩm định. Bộ Tài chính sẽ rà soát tổng thể để bố trí kinh phí báo cáo Chính phủ.
Liên quan đến việc đầu tư cao tốc Sơn La – Điện Biên, Bộ Tài chính ủng hộ thực hiện đoạn Sơn La – Điện Biên theo hình thức PPP. Tuy nhiên, Bộ trưởng yêu cầu tỉnh rà soát lại quy mô (phải đủ 4 làn xe), phối hợp nhà đầu tư để sớm trình lại phương án. Với đoạn tiếp theo Điện Biên – Tây Trang, Bộ sẽ báo cáo Chính phủ bố trí trong giai đoạn 2026–2030. Trường hợp sử dụng vốn ODA, yêu cầu giải ngân không quá 12–15 tháng.
Với dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia, Bộ trưởng cho biết, đây là chương trình thiết thực, đã cam kết với người dân. Tuy nhiên, tiến độ giải ngân chậm do vướng luật. Bộ Tài chính vẫn đề xuất Chính phủ bố trí tiếp 257 tỷ đồng. Trong trường hợp sử dụng nguồn dự phòng ngân sách trung ương, tỉnh cần cam kết khả năng giải ngân đúng hạn, tránh phải hủy dự toán.
Đáng chú ý, trước đề nghị bổ sung vốn đầu tư công trung hạn, Bộ trưởng cho biết, việc tạm giao kế hoạch vốn hiện nay là bước chuẩn bị quan trọng để các địa phương sẵn sàng giải ngân ngay sau khi Quốc hội phê chuẩn. Riêng khoản 266 tỷ đồng Điện Biên kiến nghị bổ sung, Bộ trưởng cho biết chưa giao do tỉnh chưa có vốn đối ứng. Nếu thực sự cần thiết và hợp lý, Bộ sẽ trình Chính phủ bố trí ngay.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định, Bộ Tài chính sẵn sàng phối hợp, hướng dẫn và bố trí nguồn lực nếu địa phương có đề xuất rõ ràng, có căn cứ pháp lý và khả năng triển khai thực tế.
Đông Bắc