Số liệu vừa được Cục Thống kê (Bộ Tài chính) công bố, CPI tháng 6/2025 tăng 0,48% so với tháng trước. Nguyên nhân chủ yếu là do giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở, đặc biệt là cát, đá, gạch tăng cao bất thường, cộng thêm giá xăng dầu tăng theo giá nhiên liệu thế giới.
0,48% là mức tăng khá, nếu tính theo tháng, trong thời gian gần đây. Tháng trước, CPI chỉ tăng 0,16% so với tháng 4. Còn tháng 4, mức tăng chỉ là 0,07%. Thậm chí vào tháng 3/2025, CPI còn giảm 0,03%.
Kể từ đầu năm tới nay, chỉ có tháng 1 - tháng có kỳ nghỉ Tết kéo dài là CPI tăng cao (0,98%). Tháng 2/2025, mức tăng cũng chỉ là 0,34%.
Nếu so với tháng 12/2024, thì CPI tháng 6 tăng 2,02%; còn nếu so với cùng kỳ năm trước, mức tăng là 3,57%. Trong khi đó, nếu tính bình quân, CPI 6 tháng tăng 3,27% so với cùng kỳ năm trước.
Mức tăng 3,27% của bình quân 6 tháng tuy có cao hơn mức tăng CPI bình quân của 5 tháng (3,21%), nhưng vẫn ở trong tầm kiểm soát tốt. Kinh tế vĩ mô tiếp tục được giữ vững.
Giá xăng dầu đã tác động đáng kể đến mức tăng CPI của tháng 6/2025
Báo cáo Chính phủ mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cũng nhấn mạnh việc tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát.
Tuy vậy, người đứng đầu ngành tài chính vẫn rất thận trọng và cho rằng, một trong những thách thức của nền kinh tế vẫn là “kinh tế vĩ mô còn chịu nhiều sức ép”, nhất là trong điều hành tỷ giá, lãi suất.
Sức ép dù khá lớn nhưng với diễn biến hiện nay, nếu không có những bất thường xảy ra, nhiều khả năng CPI năm 2025 sẽ tiếp tục được kiểm soát tốt, ở mức dưới 4,5%.
Quay trở lại với diễn biến giá cả hàng hóa tháng 6/2025, Cục Thống kê cho biết, trong mức tăng 0,48% của CPI tháng 6/2025 so với tháng trước, có 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, riêng chỉ số giá nhóm bưu chính - viễn thông giảm.
Trong rổ hàng hóa tính CPI, Nhóm giao thông tăng cao nhất với 1,66%, tác động làm CPI chung tăng 0,16 điểm phần trăm.
Trong khi đó, Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 1,42%, tác động làm tăng CPI chung 0,27 điểm phần trăm.
Theo Cục Thống kê, trong nhóm hàng này, điểm nổi bật là giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 2,93% do giá gạch, cát, đá tăng cao khi nguồn cung khan hiếm, chi phí sản xuất và vận chuyển tăng, cùng với nhu cầu xây dựng cao.
Cùng với đó, giá thuê nhà tăng 0,51%, do giá bán bất động sản ở mức cao nên nhu cầu thuê nhà tăng, trong khi chi phí bảo trì, vận hành tăng khiến chủ nhà điều chỉnh giá thuê. Đặc biệt, giá điện sinh hoạt tăng 5,0% do nhu cầu sử dụng điện tăng khi thời tiết nắng nóng và từ ngày 10/5/2025, Tập đoàn Điện lực Việt Nam tăng giá điện sinh hoạt.
Trong các nhóm hàng còn lại, Nhóm hàng hóa khác cũng có mức tăng như văn hóa, giải trí và du lịch - tăng 0,27%. Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,2%, do chi phí sản xuất và nhu cầu tiêu dùng tăng trong mùa nắng nóng. Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình, may mặc và các nhóm hàng khác cũng ghi nhận mức tăng từ 0,01% đến 0,13%.
Ngược lại, nhóm bưu chính - viễn thông giảm 0,02% do phụ kiện máy điện thoại di động thông minh và máy tính bảng giảm 1,31%, cùng với máy điện thoại di động thông minh và máy tính bảng giảm 0,77%.
Ở góc độ khác, Cục Thống kê cho biết, lạm phát cơ bản tháng 6/2025 tăng 0,31% so với tháng trước và tăng 3,46% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 6 tháng đầu năm 2025, lạm phát cơ bản tăng 3,16% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 3,27% của CPI bình quân chung. Nguyên nhân chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt, giá dịch vụ y tế là yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.
Trong khi đó, chỉ số giá vàng tháng 6/2025 giảm 1,27% so với tháng 5/2025; tăng 48,01% so với cùng kỳ năm trước; tăng 33,54% so với tháng 12/2024. Bình quân 6 tháng đầu năm 2025, chỉ số giá vàng tăng 37,4% so với cùng kỳ năm 2024.
Còn chỉ số giá đô la Mỹ tháng 6/2025 tăng 0,32% so với tháng trước; tăng 3,06% so với cùng kỳ năm trước; tăng 2,92% so với tháng 12/2024. Bình quân 6 tháng đầu năm 2025, chỉ số giá đô la Mỹ tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2024.
Hà Nguyễn