Đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) phát biểu thảo luận tại Quốc hội
Sáng 15-2, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).
Dự thảo Luật chỉnh lý theo hướng giữ nguyên mô hình tổ chức chính quyền địa phương như luật hiện hành. Cụ thể, tất cả đơn vị hành chính các cấp, tổ chức cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND, trừ trường hợp cụ thể Quốc hội quy định không phải là cấp chính quyền địa phương.
Theo Chính phủ, quy định này để bảo đảm việc tiếp tục thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại một số thành phố trực thuộc Trung ương theo Luật Thủ đô và các Nghị quyết của Quốc hội.
Tuy vậy, đại biểu Hà Sỹ Đồng - quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị phân tích, thực tiễn sau khi sửa Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019, thành phố Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Hải Phòng đã được Quốc hội cho phép thực hiện chính quyền đô thị một cấp (không tổ chức HĐND cấp quận, phường), cho thấy mang lại hiệu quả rất tốt.
Ông Đồng cho rằng, trong điều kiện hiện nay, chúng ta đang thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy, thì tổ chức chính quyền địa phương cũng cần phải được thiết kế lại, phù hợp với đặc điểm của đô thị và đặc điểm của nông thôn.
Đồng quan điểm, đại biểu Trần Quốc Tuấn, (đoàn Trà Vinh) cho rằng, trong khi chưa thể đổi mới được tổ chức chính quyền địa phương ở nông thôn thì cần mạnh mẽ đổi mới tổ chức chính quyền địa phương ở đô thị giống như các nơi đã và đang thí điểm hiệu quả.
Đây sẽ là cơ sở thực hiện tốt cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy hiện nay, tạo động lực thúc đẩy phát triển phát triển đất nước...
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu làm rõ thêm các ý kiến ĐBQH nêu
Phát biểu giải trình các ý kiến của ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, cốt lõi, trọng tâm của dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương là phân định, làm rõ, hoàn thiện việc phân cấp, phân quyền, ủy quyền cho chính quyền địa phương để thực hiện phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.
Cùng đó, bảo đảm tính ổn định trước mắt để vận hành bộ máy chính quyền địa phương thông suốt trong quá trình sắp xếp, tinh gọn tổ chức, bộ máy.
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, trong bối cảnh chúng ta đang tiếp tục đánh giá tổng thể mô hình tổ chức của cả hệ thống chính trị, nên trước mắt Chính phủ đề xuất giữ nguyên mô hình tổ chức chính quyền địa phương như luật hiện hành.
"Nếu không tạm thời giữ nguyên sẽ có sự hẫng hụt trong vận hành hệ thống tổ chức chính quyền địa phương và mô hình chính quyền địa phương" – Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh. Bà cũng cho biết, với địa phương đang thí điểm chính quyền đô thị (không tổ chức HĐND quận, phường) theo các nghị quyết của Quốc hội thì vẫn có thể tiếp tục thực hiện, "không có gì vướng".
“Trong bối cảnh tiến hành sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, Bộ Nội vụ đang phối hợp với Ban tổ chức Trung ương tiến hành đánh giá nghiên cứu tổng thể mô hình tổ chức bộ máy, trong đó có hệ thống chính quyền địa phương” – Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết và mong ĐBQH ủng hộ phương án tạm thời giữ như hiện hành.
Đề xuất tăng thẩm quyền cho Chủ tịch UBND các cấp
Cũng qua thảo luận, một số ĐBQH cho rằng, theo dự thảo luật, tổ chức hoạt động của UBND các cấp còn chưa tinh gọn, nặng về điều hành của tập thể.
Do vậy, cần trao quyền cho Chủ tịch UBND các cấp mạnh mẽ hơn nữa, đề cao vai trò cá nhân của người đứng đầu UBND để quyết định kịp thời các vấn đề thuộc thẩm quyền, trừ các vấn đề thuộc thẩm quyền tập thể thì phải thông qua đa số và cơ quan quyền lực nhà nước cùng cấp để bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ.
Các ĐBQH cũng đề nghị tăng cường kiểm soát quyền lực khi phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho các cấp chính quyền địa phương. Đồng thời, bổ sung phân quyền gắn với nhân lực, ngân sách, năng lực thực hiện; cấp nào có đủ năng lực thì thực hiện phân quyền.
Tiến Hưng