Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, chiều 7/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu thảo luận tại tổ 5. Ảnh: VGP
Phát biểu tại phiên thảo luận tổ 5, làm rõ về dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Luật Tổ chức chính quyền địa phương mới được sửa đổi vào tháng 2 vừa qua, song khi đó chưa đặt vấn đề xây dựng mô hình chính quyền 2 cấp.
Từ chủ trương của các cấp có thẩm quyền, Bộ Nội vụ tiếp tục hoàn thiện dự luật theo hướng đổi mới tư duy, cải cách thực chất bộ máy chính quyền địa phương và hoạt động công vụ. “Lần này, Ban soạn thảo quyết định sửa đổi toàn diện, căn bản dự luật với triết lý cải cách, tư duy đổi mới, tiến bộ và phát triển," bà nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng, đây là thời điểm đặt ra yêu cầu rất cao về quản trị quốc gia, xây dựng mô hình chính quyền hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân, đồng thời hướng đến mục tiêu cải cách nền công vụ.
90 nhiệm vụ, quyền hạn của cấp huyện sẽ chuyển giao cho cấp xã
Về các nội dung cụ thể của dự Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh 4 nội dung trọng tâm. Nội dung lớn đầu tiên của dự thảo Luật là việc xác lập mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp: Cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) và cấp xã (xã, phường, đặc khu), thay cho mô hình 3 cấp hiện nay. Trong đó, đặc khu sẽ tập trung chủ yếu vào 13 huyện đảo.
Bộ trưởng dẫn lại định hướng tại Nghị quyết 60 của Ban Chấp hành Trung ương và Kết luận 137 của Bộ Chính trị, trong đó yêu cầu xây dựng mô hình tổ chức bộ máy chính quyền tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, lại đáp ứng yêu cầu gần dân, sát dân và phục vụ nhân dân tốt hơn.
“Mô hình này vừa mang tính phổ quát, được nhiều quốc gia tiên tiến áp dụng, vừa phù hợp với đặc thù tổ chức chính quyền địa phương ở Việt Nam”, Bộ trưởng nói.
Theo Bộ trưởng Nội vụ, nội dung trọng tâm thứ hai là việc phân định cụ thể thẩm quyền, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cấp chính quyền địa phương theo hướng phân cấp và phân quyền triệt để hoạt động của chính quyền địa phương 2 cấp. Trong đó, chuyển gần như tuyệt đối nhiệm vụ, quyền hạn của cấp huyện hiện hành về cấp xã mới, đồng thời, sẽ tiếp tục phân cấp nhiệm vụ, quyền hạn từ cấp tỉnh xuống cấp xã.
“Có thể nói, nhiệm vụ của cấp xã mới hiện nay rất nặng. Qua rà soát có 90/99 nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp huyện sẽ chuyển giao cho cấp xã, 9 nhiệm vụ, quyền hạn còn lại của cấp huyện sẽ chuyển cho cấp tỉnh khi tổ chức mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, bỏ cấp huyện”, Bộ trưởng cho biết.
Quang cảnh cuộc họp tại tổ 5. Ảnh: VGP
Chính phủ đang ở trong guồng quay khối lượng công việc lớn
Theo Bộ trưởng Nội vụ, nội dung thứ ba trong dự luật là hoàn thiện triệt để các nguyên tắc phân cấp, phân quyền và ủy quyền. Đây là vấn đề đã được quán triệt trong lần sửa luật hồi tháng 2, giờ được làm sâu sắc, triệt để hơn.
Bà nêu những con số thống kê thực tế cho thấy những phức tạp, chồng lấn cần sắp xếp, tổ chức lại. Hiện nay, có tới 152 nhiệm vụ của Thủ tướng quy định trong 286 luật chuyên ngành và có tới 143 luật chuyên ngành quy định thẩm quyền của Bộ trưởng. Ngoài ra, có tới 170 luật/186 luật chuyên ngành đang quy định về chức năng, nhiệm vụ của HĐND cấp huyện.
"Vấn đề phức tạp, không dễ gỡ khiến các cơ quan phải quyết liệt chạy, với quyết tâm cao nhất để khi Quốc hội bấm nút thông qua, Chính phủ kịp ban hành đồng thời 25 Nghị định hướng dẫn thực hiện việc phân cấp, phân quyền và phân định thẩm quyền các cơ quan. Chưa bao giờ Chính phủ ở trong guồng quay khối lượng công việc lớn như vậy," Bộ trưởng trình bày.
Nội dung quan trọng thứ tư là tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc khi chuyển từ mô hình chính quyền 3 cấp sang 2 cấp. Dự luật có 9 nội dung chuyển tiếp nhằm giải quyết toàn diện các tình huống phát sinh trong quá trình tổ chức lại bộ máy.
Về phương thức xử lý các vấn đề phát sinh là phương thức ủy quyền lập pháp. Theo đó, Quốc hội ủy quyền cho Chính phủ để Chính phủ ban hành các nghị định triển khai thực hiện việc này thì mới kịp được, nhưng sau 2 năm phải sửa đổi toàn diện tất cả các luật có liên quan.
“Đây là một cuộc cách mạng, một tư duy đột phá của Quốc hội trong việc ủy quyền lập pháp. Đây cũng là thông lệ quốc tế, nhiều nước xử lý các vấn đề như thế này để tháo gỡ những điểm nghẽn, thúc đẩy cho sự phát triển của quốc gia," bà Trà nói thêm.
Sẽ trình đề án phân loại đô thị, đơn vị hành chính
Liên quan đến băn khoăn của một số đại biểu Quốc hội về phân loại đơn vị hành chính khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết tới đây, Bộ Nội vụ sẽ chuẩn bị một đề án, tờ trình báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn, tiêu chí phân loại đơn vị hành chính.
Đối với cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, dự kiến sẽ có các tiêu chí để phân loại đô thị, đơn vị hành chính cấp tỉnh loại 1, 2, 3 phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Cấp xã, phường và đặc khu cũng sẽ được phân loại theo hướng đô thị hoặc nông thôn, nhằm thuận lợi cho quản trị và phát triển địa phương.
Đỗ Thảo
Theo CTTĐT Chính phủ