Đảm bảo các mục tiêu phát triển của Thủ đô
Theo đó, tại kỳ họp thứ 22, 100% đại biểu HĐND TP Hà Nội có mặt đã biểu quyết thông qua tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của TP Hà Nội với 126 xã, phường. Trong Tờ trình tại kỳ họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn cho biết, phương án sắp xếp được thực hiện đã đảm bảo thận trọng, kỹ lưỡng, khoa học, có cách làm phù hợp, chặt chẽ, tuân thủ pháp luật, đảm bảo tính tổng thể, đồng bộ, thống nhất trong hệ thống chính trị.
Các đại biểu bấm nút thông qua Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của TP Hà Nội tại kỳ họp thứ 22, HĐND TP Hà Nội.
Đối với các đơn vị hành chính cấp xã dự kiến được thành lập theo phương án trình đã đảm bảo có sự kết hợp hài hòa giữa kế thừa, ổn định với đổi mới phát triển, có tầm nhìn dài hạn. Đồng thời, quy mô của các đơn vị hành chính cấp xã mới đã đảm bảo mục tiêu có quy mô phù hợp với khả năng quản lý, quản trị và năng lực, trình độ quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện của đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở.
Từ đó, tạo tiền đề để phát huy tiềm năng, lợi thế, mở rộng không gian phát triển của các địa phương, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô trong giai đoạn mới. Đồng thời, là cơ sở để thực hiện đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương cơ sở.
Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của TP Hà Nội được thực hiện sẽ góp phần hoàn thiện thể chế về đơn vị hành chính, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Phát huy mọi nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân; bảo đảm quốc phòng, an ninh; giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội, đảm bảo các mục tiêu phát triển của Thủ đô.
Đặc biệt, về kết quả thực hiện các bước trong quy trình thực hiện cho thấy phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn TP Hà Nội đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ và đồng tình, thống nhất rất cao của cử tri Thủ đô; HĐND các xã, thị trấn và HĐND các quận, huyện, thị xã của TP.
Trong đó, về phương án sắp xếp đạt 2.010.914 số phiếu đồng ý (tỷ lệ 97,36%); ý kiến cử tri hộ gia đình về tên gọi dự kiến đơn vị sau sắp xếp đạt 1.987.829 phiếu đồng ý (tỷ lệ 96,28%); có 38 xã đạt tỷ lệ 100%. Kết quả trên thể hiện sự đồng thuận nhất trí cao của cử tri và Nhân dân với phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của TP Hà Nội năm 2025. 30/30 đại biểu HĐND các quận, huyện, thị xã đều đã đồng ý thông qua.
Xây dựng chính quyền gần dân, đáp ứng yêu cầu phát triển
Hà Nội là trung tâm đầu não chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục của quốc gia và có tiềm năng lợi thế bậc nhất cả nước với dân số gần 10 triệu dân. Vì vậy, trong kỷ nguyên phát triển mới của đất nước, các đơn vị hành chính cấp xã của Thủ đô sau khi được sắp xếp sẽ được mở rộng về quy mô diện tích tự nhiên, dân số nhưng vẫn giữ vững không gian phát triển dài hạn, bảo đảm sự liền mạch trong tổng thể không gian phát triển của Thủ đô trong nhiều năm tới. Đây là điều kiện tiên quyết để Hà Nội phát huy vị thế đặc biệt là trái tim của cả nước.
Quy hoạch phân khu sông Hồng mở hướng phát triển sông Hồng thành trục cảnh quan đô thị quan trọng của Thủ đô. Ảnh: Phạm Hùng
Với cách làm thận trọng, kỹ lưỡng, khoa học và phù hợp thực tiễn, có thể thấy, Hà Nội đã thực hiện triệt để, hiệu quả chủ trương của T.Ư về công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và hướng tới mục tiêu xây dựng chính quyền gần dân, phục vụ Nhân dân và đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô trong kỷ nguyên mới.
Đồng thời, cùng với sự ủng hộ mạnh mẽ của Nhân dân, cho đến thời điểm này, việc sắp xếp đơn vị hành chính của TP Hà Nội đã thực hiện triệt để chỉ đạo của T.Ư (giảm 60 - 70% số đơn vị hành chính cấp xã) khi giảm đến 76% số xã, phường sau sắp xếp và dẫn đầu cả nước.
Theo đó, nguyên tắc trọng tâm được TP thực hiện là các đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp có vị trí liền kề gắn với yêu cầu định hướng phát triển để hỗ trợ lẫn nhau, cùng thúc đẩy kinh tế - xã hội. Trong đó, TP đã tính toán kỹ lưỡng yếu tố quy hoạch trong tương lai; xu thế theo quy hoạch định hướng phát triển các đô thị trực thuộc Thủ đô; định hướng phát triển vùng du lịch, vùng công nghiệp, dư địa để phát triển của từng vùng, từng địa phương; xác định rõ tính đặc trưng, đặc thù, bản sắc của các địa phương. Đặc biệt là những vùng văn hóa tiêu biểu (văn hóa Thăng Long, văn hóa xứ Đoài, văn hóa Kinh Bắc...).
Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Đình Cảnh cho biết, quá trình thực hiện công tác sắp xếp đơn vị hành chính cơ sở cho thấy, do yếu tố lịch sử, nhiều phường, tổ dân phố, khu dân cư trong nội thành Hà Nội hiện có diện tích chồng lấn. Từ những bất cập nêu trên, chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính phường, TP đã lấy địa giới hành chính theo tuyến đường, dòng sông để xây dựng đơn vị hành chính cấp phường.
Đối với các đơn vị hành chính xã, TP sắp xếp trên cơ sở phù hợp với đặc điểm cộng đồng dân cư thôn xóm, văn hóa làng, xã, dòng họ và đồng ruộng canh tác của Nhân dân. Nhờ đó Nhân dân Thủ đô đã thống nhất rất cao (đạt gần 100% ý kiến Nhân dân đồng thuận) với phương án và cách sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của TP.
Trước đó, tại Hội nghị lần thứ 22, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVII, Ban Chấp hành Đảng bộ TP đã thống nhất cao về Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của TP. Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài cho biết, phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của TP đã bám sát các chỉ đạo của T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; đã được xây dựng theo kế hoạch xuyên suốt thống nhất từ TP đến cơ sở, nhằm cụ thể hóa chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, xây dựng chính quyền gần dân, sát dân, phục vụ kịp thời lợi ích thiết thực của Nhân dân.
Những yếu tố đó đã được tính toán cẩn trọng, kỹ lưỡng, khách quan, khoa học để đảm bảo đơn vị hành chính xã, phường mới được thành lập sau sắp xếp một mặt sẽ đạt được mục tiêu gần dân, sát dân, phục vụ tốt nhất cho người dân. Đồng thời cũng phải mở ra không gian phát triển mới và đảm bảo phục vụ tốt cho công tác quản lý, quản trị của chính quyền các cấp.
nguyên bảo