Sáng 5/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến Dự thảo Luật Tổ chức Chính quyền địa phương (sửa đổi).
Mở rộng mô hình chính quyền đô thị để thúc đẩy sự phát triển
Một trong những nội dung được các đại biểu quan tâm là việc mở rộng mô hình tổ chức chính quyền địa phương.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, theo dự luật Chính phủ trình sẽ không tổ chức HĐND các xã ở trong đô thị, xã ở thị trấn, xã ở thành phố thuộc thành phố
“Đây là vấn đề mới, khác hoàn toàn với các quy định hiện nay và chưa có chủ trương nên phải báo cáo Bộ Chính trị cho chủ trương”, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Ông Định cũng cho biết, vấn đề này cũng khác với Luật Thủ đô. Luật Thủ đô hiện nay không tổ chức HĐND phường, còn thị trấn, quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố, xã trong đô thị thì vẫn có HĐND.
Vì vậy Phó Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề Hà Nội sẽ theo luật mới này hay là theo Luật Thủ đô thì cũng cần giải quyết.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, mô hình tổ chức chính quyền địa phương Chính phủ mong muốn được thiết kế như trong dự thảo.
Riêng với Hà Nội sẽ thực hiện theo luật nào, Bộ trưởng Nội vụ mong Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất theo hướng Luật Tổ chức chính quyền là luật chung cho nên Thủ đô cũng phải thực hiện theo luật này.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng việc thí điểm không quận, phường ở TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng… phải có tổng kết. Cho nên việc không tổ chức HĐND xã trong đô thị nếu có chỉ nên ở mức thí điểm.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng thông tin thêm, việc mở rộng phạm vi không tổ chức HĐND ở một số đơn vị hành chính cấp xã trước đã thực hiện thí điểm, nay không phải thí điểm nữa.
Bởi vì, Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã cho phép không tổ chức HĐND hay nói cách khác là tổ chức mô hình chính quyền đô thị ở một số đơn vị hành chính.
Chính phủ đã sơ kết báo cáo Quốc hội cho thấy hiệu quả rất tốt, tác động tích cực là cơ bản, có một số vấn đề vướng mắc cần tháo gỡ.
Theo ông Tùng, không tổ chức HĐND ở các xã thuộc địa bàn đô thị như đề xuất của Chính phủ cũng là một hướng để thúc đẩy việc quản lý, điều hành cũng như thực hiện các chủ trương, chính sách chuyển đổi dần dần từng bước hoàn toàn theo mô hình đô thị.
Báo cáo Bộ Chính trị cho ý kiến
Một nội dung nữa cũng được nhiều đại biểu quan tâm là quy định về tổ chức UBND. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, dự thảo luật này trình theo hướng có 2 loại UBND. Một là UBND hoạt động theo cơ chế tập thể, do HĐND bầu ra và là cơ quan chấp hành của HĐND. Một loại UBND do cơ quan hành chính cấp trên chỉ định ở nơi không có HĐND, làm việc theo chế độ thủ trưởng.
Nhưng Ủy ban Pháp luật đề xuất, nếu thực hiện một cuộc cách mạng về đổi mới, đề cao trách nhiệm và thẩm quyền thì nên có một mô hình UBND để thống nhất trong cả nước là cơ quan hành chính và hoạt động theo chế độ thủ trưởng.
“Như vậy mới thực sự là cuộc cách mạng, mới thực sự tránh sự không rõ ràng giữa quyền hạn, nhiệm vụ của tập thể với quyền hạn, nhiệm vụ của cá nhân. Trong hệ thống hành chính thì chỉ có Chính phủ là làm việc tập thể, còn lại là hành chính”, ông Định nêu phương án của cơ quan thẩm tra.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, đây là một ý mới mà Chính phủ không trình nhưng Ủy ban Pháp luật đề xuất. Vì vậy nếu Chính phủ và Thường vụ Quốc hội thống nhất thì Thường vụ Đảng ủy 2 cơ quan bàn để thống nhất báo cáo Bộ Chính trị cho ý kiến.
“Cá nhân tôi được Chủ tịch phân công cùng với anh em làm việc này thì thấy rằng nếu làm được như vậy thì đây là một cuộc cách mạng lớn và không vướng Hiến pháp”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: Quốc hội
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cũng bày tỏ ủng hộ mô hình UBND là cơ quan hành chính để thực hiện chế độ thủ trưởng.
“Ngay khi anh em ngồi làm việc với Ủy ban Pháp luật và báo cáo lại tôi đồng tình ngay vì đấy là xu thế của thế giới. Nhiều nước trên thế giới hiện nay có thị trưởng, tỉnh trưởng. Mô hình này rất hay, vừa phù hợp với xu thế, vừa phát huy được vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp hành chính địa phương. Tôi cho rằng làm được như vậy rất tốt, đúng là một cuộc cách mạng về tư duy trong vấn đề quản trị địa phương”, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà bày tỏ.
Bộ trưởng Nội vụ cho hay, trong ngày mai, các nội dung này sẽ được tiếp thu để thống nhất với Đảng ủy Chính phủ thống nhất với Đảng ủy Quốc hội sẽ trình với Bộ Chính trị cho ý kiến.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cân nhắc kỹ mô hình này. Bởi vì thẩm quyền chung của UBND là tập thể, thẩm quyền riêng là quyền Chủ tịch UBND cấp tỉnh, thành phố.
Trong các luật, trong các quyết định của Quốc hội, của Chính phủ đều giao quyền cuối cùng là do Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố quy định.
Chính vì vậy nếu mở rộng, nâng thêm quyền của Chủ tịch UBND thì sẽ hợp lý hơn, không nên bỏ chế độ tập thể.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật khẳng định, việc tổ chức UBND theo phương thức mới thực hiện chế độ thủ trưởng là do quy định của luật chứ không nằm trong quy định của Hiến pháp, nên không vướng với quy định của Hiến pháp.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật phân tích thêm, Hiến pháp cũng không quy định UBND phải hoạt động theo chế độ tập thể, còn HĐND đương nhiên vì đây là cơ quan hoạt động tập thể.
Hiện nay, tất cả UBND ở những địa bàn không tổ chức cấp chính quyền địa phương (không có HĐND) đều hoạt động theo chế độ thủ trưởng và điều này Quốc hội đã quy định. Bây giờ mở rộng ra, kể cả ở những địa bàn có HĐND thì UBND cũng làm việc theo chế độ thủ trưởng.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình cho biết, Chính phủ sẽ tiếp tục rà soát xem có quy định nào vi hiến hay không. Nếu không vi hiến thì đây là đổi mới rất lớn nên đề nghị đưa ra bàn trong phạm vi của 2 Đảng ủy Chính phủ và Quốc hội để thống nhất. Khi hai bên thống nhất sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền cho ý kiến.
Thu Hằng