Có nơi đấu thầu hoài nhưng chỉ 1 nhà thầu trúng
Chiều 23/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo 1 luật sửa 7 luật liên quan trong lĩnh vực đầu tư.
Quan tâm đến Luật Đấu thầu sửa đổi, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đồng tình với quy định cho phép chủ đầu tư căn cứ quy mô, tính chất, điều kiện thực tế để lựa chọn áp dụng các hình thức chọn nhà thầu. Bởi theo ông, thời gian qua, việc đấu thầu đã bộc lộ nhiều bất cập, không ít dự án đấu thầu mất 3 - 4 tháng.
Đại biểu Phạm Văn Hòa. Ảnh: Như Ý
"Tôi biết một số nơi đấu thầu hoài nhưng chỉ 1 nhà thầu trúng liên tục. Giá trúng thầu chỉ thấp hơn so với giá chủ đầu tư đưa ra có 1%. Đấu thầu liên tục như thế thì Nhà nước chả được lợi gì, mất thời gian, tiền của", ông Hòa phản ánh.
Nói về lựa chọn nhà thầu, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) cho rằng, việc vẫn giữ lại nhiều hình thức đấu thầu truyền thống như đấu thầu rộng rãi, hạn chế, chào hàng cạnh tranh, khiến hệ thống lựa chọn nhà thầu trở nên quá phức tạp và dễ bị lạm dụng.
Đại biểu nhận định, việc xác định ranh giới “thế nào là đặc biệt”, “thế nào là chỉ định hợp lý” chưa rõ ràng, có thể tạo ra khoảng trống pháp lý dễ bị lợi dụng để hợp thức hóa chỉ định thầu. Ông Thông đồng thuận việc bổ sung cơ chế xử lý trong trường hợp nhà thầu chào giá thấp bất thường, đột biến theo hướng chủ đầu tư được quyền loại bỏ nhà thầu, hoặc yêu cầu giải trình, làm rõ tính khả thi, hợp lý của giá dự thầu.
Đại biểu cho rằng, để giải quyết triệt để vấn đề năng lực thi công kém như thực tiễn diễn ra nhiều trong thời gian qua, cần sửa đổi bổ sung quy định theo hướng thay giá sàn bằng quy định kiểm soát đầu vào, giám sát thi công, yêu cầu thời gian bảo hành dài hơn; đồng thời, tăng cường chế tài xử lý đối với nhà thầu vi phạm và chế độ hậu kiểm chặt chẽ.
Có những dự án đang phải xử lý hậu quả
Tiếp thu ý kiến, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, dự thảo luật đã quy định trao cho chủ đầu tư được quyền tự quyết định và chịu trách nhiệm áp dụng các hình thức lựa chọn thầu, đảm bảo nguyên tắc chất lượng, và không được tăng tổng mức đầu tư.
Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng. Ảnh: Như Ý
Theo ông Thắng, Luật Đấu thầu trước đây đã có quy định kiểm soát việc bỏ thầu giá thấp, sau đó, cũng có nhiều ý kiến nói, như thế không đảm bảo lựa chọn được nhà thầu giá thấp, sau đó Chính phủ trình Quốc hội bỏ quy định này.
Tuy nhiên, trong giai đoạn vừa qua, hiện tượng bỏ thầu giá thấp lại tiếp tục xuất hiện, với tần suất nhiều, dẫn đến nhiều dự án chậm tiến độ, lãng phí, thất thoát. Bộ trưởng Tài chính nói, nhóm bỏ thầu giá thấp bất thường dưới 20% giá trị gói thầu lên tới 10% trong các gói thầu.
“Trong thời gian tôi làm Bộ trưởng Giao thông vận tải, có xuất hiện một số trường hợp như vậy. Có những dự án chúng ta đang phải xử lý hậu quả, tức là khi nhà thầu đấu thầu xong thì không làm được, dẫn đến chậm tiến độ”, ông Thắng cho hay.
Từ phân tích trên, ông nhấn mạnh, dứt khoát phải kiểm soát được việc này, trên cơ sở xây dựng lại định mức, đơn giá cho phù hợp. Đối với những trường hợp cố tình bỏ thầu giá thấp vì những lý do khác nhau sẽ phải có chế tài xử lý. Điều này góp phần đảm bảo đấu thầu công khai, minh bạch, đảm bảo lựa chọn được nhà thầu có năng lực, chất lượng tốt.
“Khi nhà thầu đưa ra giá thấp bất thường, trong trường hợp phù hợp, chúng ta vẫn phải yêu cầu cam kết, bảo hành, phạt hợp đồng khi nhà thầu không đáp ứng chất lượng, tiến độ. Đồng thời cụ thể hóa trách nhiệm của chủ đầu tư mời thầu, các bên liên quan”, ông Thắng cho hay.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Tài chính cũng cho biết, dự thảo còn quy định rõ chế tài xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, như cấm tham gia đấu thầu, xử phạt hành chính, hoặc chuyển cơ quan điều tra với các hành vi vi phạm nghiêm trọng, như thông thầu, gian lận.
Đồng thời, yêu cầu chủ đầu tư phải đánh giá kết quả thực hiện, chất lượng hàng hóa đã sử dụng, tạo cơ sở giám sát và đánh giá uy tín nhà thầu…
Luân Dũng