Bộ trưởng Tài chính lý giải đưa cơ chế xử lý vướng mắc dự án BOT vào luật

Bộ trưởng Tài chính lý giải đưa cơ chế xử lý vướng mắc dự án BOT vào luật
6 giờ trướcBài gốc
Chiều 23/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (1 luật sửa 7 luật).
Nhiều đại biểu thắc mắc vì sao lại đưa cơ chế xử lý các dự án BOT vướng mắc vào trong dự thảo luật.
Đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai). Ảnh: Media Quốc hội.
Đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai) đánh giá cao Chính phủ cũng như Bộ Xây dựng (Bộ Giao thông trước đây) đã tích cực tìm phương án để xử lý dứt điểm những vấn đề liên quan đến các dự án BOT.
Tuy nhiên, việc đưa cơ chế này vào trong dự thảo 1 luật sửa 7 luật là cách xử lý tình huống và trong hệ thống pháp luật chưa có luật nào quy định xử lý tình huống mang tính chất hồi tố như vậy.
Ông cho rằng cần phải tính toán thật kỹ, nên đưa việc xử lý này vào nghị quyết chung của kỳ họp, một nghị quyết riêng hay sửa trong luật để phù hợp, tránh tạo ra kỹ thuật lập pháp không phù hợp.
Ở góc độ cá nhân, ông An ủng hộ đưa vào nguyên tắc chung của nghị quyết kỳ họp và giao việc xử lý cho Chính phủ, sau đó báo cáo lại Quốc hội.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng giải trình tiếp thu ý kiến đại biểu. Ảnh: Media Quốc hội.
Giải trình nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, ngay từ những năm 2021 - 2022, Chính phủ báo cáo Quốc hội và ban hành nghị quyết để tháo gỡ cho các dự án.
Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện, Thủ tướng yêu cầu rà soát rất kỹ và Bộ Giao thông lúc đó phải làm việc với các chủ đầu tư, các ngân hàng tài trợ để giảm lãi suất, bỏ tỷ suất lợi nhuận của các nhà đầu tư, rà soát lại các dự án.
Nhờ đó, số tiền tại các dự án BOT gặp vướng mắc cần xử lý giảm từ 10.000 tỷ đồng xuống còn 8.000 tỷ.
Theo ông, tới đây còn rất nhiều dự án BOT phải tiếp tục giải quyết. Bởi khi khánh thành, thông xe toàn bộ tuyến đường cao tốc Bắc - Nam, một loạt các dự án trên đường Quốc lộ 1A song song với đường cao tốc Bắc - Nam có thể phải tiếp tục xử lý.
Trong nhiệm kỳ 2026-2030, theo quy hoạch, tiếp tục có khoảng 2.000 km đường cao tốc nữa và các trục ngang bắt đầu hình thành, rất nhiều dự án BOT hiện nay của các địa phương sẽ tiếp tục ảnh hưởng, đòi hỏi phải có cơ chế xử lý.
"Nếu bây giờ không đưa vào luật thì sẽ phải tiếp tục ban hành rất nhiều nghị quyết trong tương lai. Việc đưa vào luật là phù hợp, để sau này có hành lang pháp lý và chủ động trong triển khai, thay vì phải chờ đợi và tính toán từng nhóm dự án", Bộ trưởng Thắng chia sẻ.
Trang Trần
Nguồn Xây Dựng : https://baoxaydung.vn/bo-truong-tai-chinh-ly-giai-dua-co-che-xu-ly-vuong-mac-du-an-bot-vao-luat-192250523210831448.htm