Cân nhắc quy định về chỉ định thầu đối với các gói thầu mang tính đặc thù
Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn Lưu Bá Mạc phát biểu. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN
Đại biểu Lưu Bá Mạc (Lạng Sơn) tán thành với Hồ sơ dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 7 Luật, trong đó bao gồm nội dung sửa Luật đấu thầu; đồng thời, đề xuất thêm hai ý kiến liên quan đến nội dung sửa đổi Luật Đấu thầu nhằm tháo gỡ khó khăn trong thực tiễn về việc đấu thầu tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch và nội dung liên quan đến Điều 11 Nghị quyết số 198/2025/QH15 của Quốc hội.
Thứ nhất, tại khoản 11 Điều 1 dự thảo Luật, tức là sửa đổi Điều 23 Luật đấu thầu về Chỉ định thầu, dự thảo Luật đã được sửa đổi theo hướng không quy định chi tiết các trường hợp chỉ định thầu mà quy định về yêu cầu đối với gói thầu thuộc dự án, dự toán mua sắm. Đồng thời phân cấp cho Chính phủ quy định chi tiết về các trường hợp chỉ định thầu, điều kiện và quy trình thực hiện chỉ định thầu. Lý do sửa đổi được thuyết minh, giải trình rất hợp lý, tạo sự linh hoạt và phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.
Đại biểu Lưu Bá Mạc đề xuất bổ sung quy định về việc được chỉ định loại gói thầu liên quan đến tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch. Cơ quan soạn nên thảo cân nhắc phương án bổ sung thành một quy định tại khoản 11, Điều 1 dự thảo Luật; hoặc phương án cân nhắc bổ sung khi xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết khoản 11 Điều 11 Dự thảo Luật, tức là sửa khoản 1 Điều 23 Luật đấu thầu hiện hành.
Lý do của việc đề xuất này là trên thực tế, các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch mang tính chất rất đặc thù. Mỗi sự kiện là một sản phẩm mang dấu ấn sáng tạo riêng biệt của từng đơn vị, từng cá nhân, gắn với bối cảnh, không gian, thời gian và đặc trưng văn hóa của từng địa phương. Mỗi chương trình đều cần sự khảo sát công phu, xây dựng ý tưởng từ đầu, có tính liền mạch, từ kịch bản tổng thể đến từng hạng mục triển khai.
“Nếu tổ chức đấu thầu rộng rãi như các gói thầu kỹ thuật thông thường sẽ rất khó có bộ tiêu chí đủ khách quan để đánh giá, phân loại và chấm thầu gắn với tính đặc thù nêu trên”, đại biểu Lưu Bá Mạc nhấn mạnh.
Theo đại biểu, thời gian thực hiện các bước trong quy trình đấu thầu thường rất kéo dài, trong khi yêu cầu về tiến độ tổ chức sự kiện thường là phải nhanh, gấp; chất lượng đòi hỏi cao; chương trình phải thực sự hấp dẫn, sáng tạo, đúng tiến độ. Các nội dung này đòi hỏi thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo. Nếu đơn vị trúng thầu không đồng điệu, không đồng cảm với dự thảo ý tưởng dàn dựng, khung kịch bản chương trình nghệ thuật, mà đã được cấp có thẩm quyền ở địa phương duyệt ban đầu, thì tính liền mạch, chất lượng và hiệu quả chương trình nghệ thuật cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Điều này trong thực tiễn, có nơi, có lúc đã xảy ra, ảnh hưởng không chỉ một địa phương mà còn ảnh hưởng đến các địa phương khác có tham gia cùng một chương trình nghệ thuật đó.
Do đó, đại biểu Lưu Bá Mạc đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, nghiên cứu, bổ sung quy định về việc được chỉ định thầu đối với các gói thầu mang tính đặc thù như tổ chức sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch có quy mô phù hợp, đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm thời gian và nâng cao chất lượng sản phẩm nghệ thuật - sáng tạo - truyền thông, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương triển khai trong thực tiễn.
Quy định rõ cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư
Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc Trần Văn Tiến phát biểu. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN
Nghiên cứu hồ sơ dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 Luật, đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) đề xuất sửa đổi một số nội dung của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công.
Cụ thể, tại điểm e sửa đổi điểm b khoản 12 điều 18, có quy định: Trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án có sử dụng vốn ngân sách địa phương do cơ quan trung ương thực hiện. Dự án có sử dụng vốn ngân sách cấp xã do cơ quan cấp tỉnh thực hiện. Theo đại biểu, cụm từ “thực hiện” trong quy định này được hiểu như thế nào cho đúng. Theo quy định, có thể được hiểu là: đối với các dự án có sử dụng vốn ngân sách địa phương do Trung ương thực hiện về thủ tục, quyết định chủ trương đầu tư và dự án thuộc ngân sách cấp xã do cấp tỉnh thực hiện về thủ tục, quyết định chủ trương đầu tư.
Đại biểu cho rằng quy định như vậy là chưa hợp lý, bởi sẽ làm tăng nhiệm vụ của cơ quan Trung ương và cấp tỉnh; nên thay cụm từ “thực hiện” bằng cụm từ “quy định”, sẽ hợp lý hơn, diễn giải như: Trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án có sử dụng vốn ngân sách địa phương do cơ quan Trung ương quy định; dự án có sử dụng vốn ngân sách cấp xã do cơ quan cấp tỉnh quy định.
Tại khoản 1 sửa đổi bổ sung Điều 31 quy định: Trường hợp dự án thực hiện trên địa bàn 2 đơn vị hành chính cấp xã trở lên thì UBND cấp xã là cấp quyết định chủ trương đầu tư…
Trên cơ sở Nghị quyết của HĐND cấp xã, UBND cấp xã được đề xuất là cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án báo cáo Chủ tịch UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định giao UBND cấp xã là cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án.
Theo đại biểu, quy định như vậy rất khó thực hiện, bởi xã nào sẽ là xã được quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án khi dự án liên quan đến nhiều xã. Đại biểu đề nghị bỏ bước báo cáo HĐND cấp xã thông qua chủ trương giao 1 Ủy ban nhân dân cấp xã là cơ quan chủ đầu tư để thực hiện dự án, nhằm giảm bớt thủ tục hành chính và thời gian vì chưa biết xã nào được giao nhiệm vụ mà đã báo cáo UBND cấp tỉnh; đề nghị cấp tỉnh cần quy định về tiêu chí để giao cho 1 trong các xã có liên quan đến dự án để trình UBND cấp tỉnh quyết định làm chủ đầu tư dự án; để xác định xã nào có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư phải do UBND cấp tỉnh quyết định hoặc chỉ định...
Đỗ Bình (TTXVN)