Sẽ có chế tài xử lý nhà thầu bỏ giá thấp rồi 'chạy làng'

Sẽ có chế tài xử lý nhà thầu bỏ giá thấp rồi 'chạy làng'
9 giờ trướcBài gốc
Cân nhắc, rà soát lại các hình thức lựa chọn nhà thầu
Chiều 23/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (1 luật sửa 7 luật).
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) góp ý vào dự thảo 1 luật sửa 7 luật
Góp ý vào việc sửa đổi một số điều của dự án Luật Đấu thầu, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) quan tâm đến quy định cho phép chủ đầu tư, người có thẩm quyền căn cứ quy mô, tính chất, điều kiện thực tế từng gói thầu, dự án để lựa chọn áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu.
Theo ông, quy định này là cần thiết và phải chọn nhà đầu tư chiến lược, có tiềm lực, có khả năng về tài chính cũng như đã tham gia nhiều dự án trong nước và nước ngoài.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng phải phòng ngừa nguy cơ móc nối giữa chủ đầu tư, chủ dự án để làm thiệt hại cho ngân sách.
Về việc xét duyệt trúng thầu với gói thầu xây lắp, đại biểu đề nghị cần có các chế tài mạnh hơn với trường hợp sau khi trúng thầu rồi bỏ thầu.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) góp ý về phạm vi áp dụng và lựa chọn nhà thầu.
Theo ông, dự thảo luật đã mở rộng theo hướng giao quyền tự quyết mua sắm cho các tổ chức doanh nghiệp. Tuy nhiên quy định này chưa thực sự thống nhất với các trường hợp được áp dụng chỉ định thầu, dẫn đến khó khăn khi triển khai thực tế. Bởi nếu tổ chức được tự quyết định mua sắm thì có cần áp dụng chỉ định thầu hay không?
Do vậy, cần quy định rõ ràng hơn về giới hạn giữa quyền tự chủ mua sắm và trường hợp bắt buộc đấu thầu. Đặc biệt phải có tiêu chí định lượng rõ ràng gói thầu nào phải bắt buộc áp dụng luật này.
Về các hình thức lựa chọn nhà thầu, đại biểu cho biết dự thảo đã bổ sung thêm các hình thức chỉ định thầu và giữ lại nhiều hình thức đấu thầu truyền thống (đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, mời chào hàng cạnh tranh...).
"Điều này khiến các quy định phức tạp trong xác định giới hạn thế nào là đặc biệt, thế nào là chỉ định hợp lý. Từ đó có thể tạo ra khoảng trống pháp lý, dễ bị lợi dụng để hợp thức hóa việc chỉ định thầu", đại biểu nói.
Từ lập luận trên, đại biểu đề nghị cân nhắc rà soát lại toàn bộ hệ thống các hình thức lựa chọn nhà thầu, giảm bớt hình thức giao thoa không cần thiết.
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Đoàn Bình Thuận) góp ý vào dự thảo luật.
Cụ thể hóa trách nhiệm trong từng bước quy trình đấu thầu
Giải trình tiếp thu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, để khắc phục hạn chế, bất cập như chậm tiến độ, đội chi phí, chất lượng thấp, gây thất thoát và ảnh hưởng đến cán bộ, dự thảo luật quy định trao quyền cho chủ đầu tư được tự quyết định và chịu trách nhiệm áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu.
Đó là đấu thầu, chỉ định thầu, đặt hàng,… theo nguyên tắc bảo đảm tiến độ, chất lượng và không được làm tăng tổng mức đầu tư.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng giải trình tiếp thu ý kiến đại biểu. Ảnh: Media Quốc hội.
Dự thảo luật cũng mở rộng cơ chế chỉ định thầu và áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện gói thầu dự án.
Đồng thời, cơ chế giám sát, kiểm tra đối với các gói thầu này cũng được bổ sung, hoàn thiện để bảo đảm phù hợp với chủ trương chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm.
Để bảo đảm công tác đấu thầu thực chất, minh bạch, hiệu quả, lựa chọn được nhà thầu có năng lực và xác định được trách nhiệm của tập thể, cá nhân khi tổ chức đấu thầu để xảy ra sai phạm, dự thảo luật bổ sung cơ chế xử lý trong trường hợp nhà thầu dự thầu bỏ thầu thấp nhất, bất thường và đột biến.
Theo ông Thắng, Luật Đấu thầu trước đây đã có quy định về kiểm soát bỏ thầu giá thấp nhưng nhiều ý kiến cho rằng như vậy không đảm bảo lựa chọn được các nhà thầu thi công với giá thấp,…, sau đó Chính phủ trình Quốc hội để bỏ quy định này.
Tuy nhiên, trong giai đoạn vừa qua, khi các bộ, ngành, các địa phương triển khai, hiện tượng bỏ thầu giá thấp lại tiếp tục xuất hiện, thậm chí với tần suất nhiều, nhiều dự án dẫn đến chậm tiến độ, lãng phí và thậm chí thất thoát.
"Có những dự án bây giờ Chính phủ phải tiếp tục xử lý. Sau khi bỏ thầu giá thấp, nhà thầu không làm được, chậm tiến độ và bỏ dự án.
Do đó, dứt khoát phải kiểm soát việc này, phải đưa ra tiêu chí như thế nào là bỏ thầu không thực tế, quy định trường hợp cố tình bỏ thầu giá thấp và phải có chế tài để xử lý", Bộ trưởng Thắng nêu.
Các đại biểu nghe phần giải trình, tiếp thu của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Ảnh: Media Quốc hội.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, theo ông Thắng, trong dự thảo sẽ đưa vào nội dung yêu cầu các nhà thầu khi bỏ thầu giá thấp bất thường (trong trường hợp vẫn phù hợp với quy định), có thể yêu cầu nhà thầu cam kết bảo hành dài hạn, tăng giá trị bảo đảm thực hiện hợp đồng. Nếu nhà thầu không đáp ứng được chất lượng, tiến độ thì phạt hợp đồng.
Đồng thời, dự thảo luật sẽ cụ thể hóa trách nhiệm của chủ đầu tư, bên mời thầu, các tổ chuyên gia và các bên liên quan trong từng bước quy trình; quy định chế tài xử lý nghiêm hành vi vi phạm, như cấm tham gia đấu thầu, xử phạt hành chính hoặc chuyển cơ quan điều tra đối với các vi phạm nghiêm trọng như thông thầu, gian lận.
Ngoài ra, chủ đầu tư sẽ phải đánh giá kết quả thực hiện hợp đồng, chất lượng hàng hóa, dịch vụ đã sử dụng trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia để tạo cơ sở dữ liệu về năng lực, kinh nghiệm, uy tín, tăng tính minh bạch, tạo cơ sở giám sát và đánh giá uy tín nhà thầu.
"Tới đây cũng sẽ đẩy mạnh đấu thầu điện tử nhằm tăng cạnh tranh, giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục, tăng tính công khai, minh bạch, ngăn chặn các hành vi thông đồng, gian lận, hạn chế can thiệp chủ quan trong đấu thầu", Bộ trưởng Thắng cho biết.
Trang Trần
Nguồn Xây Dựng : https://baoxaydung.vn/se-co-che-tai-xu-ly-nha-thau-bo-gia-thap-roi-chay-lang-192250523203247421.htm