Quốc hội chiều nay thảo luận tổ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (một luật sửa 7 luật).
Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết việc sửa một số điều của 7 luật này hướng tới cắt giảm tối đa thủ tục hành chính và tăng phân cấp, phân quyền, tạo thông thoáng từ Chính phủ xuống bộ, ngành, địa phương.
Bộ trưởng cho biết, với dự thảo Luật Đấu thầu cho phép doanh nghiệp nhà nước được tự quyết hình thức chọn nhà thầu, nhà đầu tư theo quy mô, điều kiện thực tế gói thầu với dự án không dùng ngân sách. Quy định này mang tính “rất đột phá, rất mở”, để doanh nghiệp chủ động.
Trước băn khoăn của một số đại biểu Quốc hội về cơ chế giám sát khi tăng phân cấp, phân quyền, Bộ trưởng Tài chính nhấn mạnh, nói “phải chấp nhận”, bởi phân cấp phân quyền luôn đi đôi với trách nhiệm.
“Trách nhiệm các bộ ngành trong giám sát, kiểm tra sẽ phải tăng lên khi tăng phân cấp cho doanh nghiệp. Việc mở, tăng phân cấp này là tạo hành lang thông thoáng cho doanh nghiệp. Chính vì thế, trong quá trình làm, ai vì mục đích cá nhân, vi phạm thì phải chịu trách nhiệm”, ông nói. Quá trình triển khai nếu nảy sinh vấn đề sẽ tiếp tục điều chỉnh.
Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu ở tổ. Ảnh: Phạm Thắng
Dự thảo luật cũng sửa quy định gói thầu quy mô nhỏ, hàng hóa thông dụng sẽ được áp dụng hình thức chào bán cạnh tranh, bởi thực tế trường hợp bộ ngành cần mua, sửa những thứ rất đơn giản cũng phải đấu thầu nên rất mất thời gian, lãng phí.
Nghị định của Chính phủ khi hướng dẫn thi hành luật sẽ đưa ra tiêu chí với nhà thầu trong chào bán cạnh tranh.
Các trường hợp chỉ định thầu, chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt được đề xuất mở rộng hơn. Theo đó, dự luật bổ sung trường hợp chỉ định thầu với dự án nhà đầu tư đề xuất và họ sở hữu công nghệ chiến lược; dự án hạ tầng số nhà đầu tư đã thực hiện trước đó. Dự án PPP lĩnh vực khoa học công nghệ được chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt.
Bộ trưởng Tài chính cho rằng việc bổ sung này để dự án thực hiện hiệu quả hơn, miễn là công khai minh bạch.
Ông dẫn chứng một số dự án giao thông lớn thực hiện theo hình thức PPP, như dự án đường cao tốc đoạn Nam Định - Thái Bình, Chơn Thành - Gia Nghĩa từ Bình Phước đi Đắk Nông. Ban đầu không có nhà đầu tư tham gia, cơ quan quản lý phải thuyết phục nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia hỗ trợ, làm dự án khi ngân sách Nhà nước khó khăn.
Theo quy định, dự án quy mô lớn phải trình để Quốc hội thông qua. Sau khi Quốc hội cho phép, cơ quan quản lý lại phải thực hiện đấu thầu chọn nhà đầu tư. Việc phải thực hiện quy trình nhiều bước, tổ chức đấu thầu chọn nhà đầu tư trong khi thực chất ngay từ ban đầu đã phải thuyết phục nhà đầu tư tham gia hỗ trợ, khiến quá trình thực hiện dự án mất thêm vài tháng, thậm chí hơn một năm. Chưa kể, nhiều trường hợp dù đấu thầu nhưng dự án vẫn chậm tiến độ, vẫn xảy ra sai phạm.
Ông Thắng cho rằng, vấn đề không phải là dự án đó làm theo hình thức chỉ định thầu hay đấu thầu, mà là việc triển khai khách quan, minh bạch, vì lợi ích chung hay không. Ông cho rằng, với nguồn vốn đã phân bổ cho địa phương và các bộ, ngành, họ nên được quyền quyết định hình thức lựa chọn nhà đầu tư, miễn là đảm bảo công khai và minh bạch.
Trần Thường