Chiều 17/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Có thể cắt giảm ngay 30% danh mục đầu tư, kinh doanh có điều kiện
Góp ý đối với dự thảo sửa đổi Luật Đầu tư, Đại biểu Phan Đức Hiếu (Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội), cho rằng hoàn toàn có thể bãi bỏ 30% danh mục đầu tư, kinh doanh có điều kiện trong tổng số 229 ngành nghề kinh doanh có điều kiện đang được quy định trong luật.
Trong đó, ông Hiếu đề nghị Chính phủ xem xét bổ sung quy định bãi bỏ thủ tục về chấp thuận chủ trương đầu tư và chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với các dự án do tư nhân đầu tư.
Ông Phan Đức Hiếu cho hay, việc này không tạo ra lỗ hổng trong quản lý. Các doanh nghiệp thuộc 229 ngành nghề kinh doanh có điều kiện hiện đã phải thực hiện hàng loạt thủ tục như xin cấp phép đầu tư, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, chứng chỉ hành nghề... Trong khi đó, những lĩnh vực trọng yếu đã có quy định về cấp phép, như bảo hiểm, ngân hàng, hàng không, cảng biển...
“Bản chất những dự án có sử dụng đất đã có quy định tại Luật Đất đai. Tôi cho rằng, không cần phải lo lắng về lỗ hổng quản lý nếu bỏ thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, nhưng nếu tiếp tục giữ sẽ tạo ra sự trùng lặp về thủ tục”, ông Hiếu nêu quan điểm.
Đại biểu Phan Đức Hiếu. Ảnh: QH
“Tuy nhiên, theo Điều 29 của Luật Đầu tư, doanh nghiệp vẫn phải thực hiện thêm thủ tục chấp thuận đầu tư, mặc dù bản chất nội dung trùng lặp, dẫn tới việc phải nộp hai bộ hồ sơ cho cùng một yêu cầu.
Hơn nữa, nội dung của Điều 29 của Luật Đầu tư có một số nội dung không mang nhiều ý nghĩa. Ví dụ, việc chấp thuận tên dự án, doanh nghiệp, nhà máy, nhà đầu tư, quy mô, mục tiêu dự án, vốn của nhà đầu tư... trong khi những quy định này đã được quản lý bằng các luật chuyên ngành.
Theo điều 41 của luật, mỗi lần doanh nghiệp thay đổi vốn đầu tư lại phải xin chấp thuận thay đổi.
Ông Hiếu lấy ví dụ từ thực tế, doanh nghiệp triển khai dự án có quy định về thời hạn đầu tư. Quá trình điều chỉnh dự án, việc xin giấy phép gặp trục trặc, đến khi hoàn tất các thủ tục điều chỉnh thì hết thời hạn dự án đầu tư, buộc doanh nghiệp lại phải xin điều chỉnh dự án, rồi lại phát sinh việc không có căn cứ điều chỉnh.
“Như vậy rất rủi ro cho nhà đầu tư”, theo ông Phan Đức Hiếu.
5 năm không thể đấu thầu lắp đặt wifi
Thảo luận về nội dung sửa đổi Luật Đấu thầu, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trí Thức khẳng định các doanh nghiệp CNTT và bệnh viện ở Việt Nam hoàn toàn có thể làm được những dự án liên quan đến số hóa cho bệnh viện. Vấn đề là cần tạo cơ chế cho doanh nghiệp và cơ sở y tế.
“Qua thực tiễn, nói thì rất dễ nhưng đi vào đấu thầu thì lại không làm được”, ông Nguyễn Trí Thức nói.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trí Thức. Ảnh: QH
Đại biểu lấy ví dụ, Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) muốn lắp đặt mạng wifi nội bộ để nhân viên y tế sử dụng, tạo thuận lợi cho công việc. Nhưng qua nhiều lần khảo sát, mất 5 năm trời vẫn không thực hiện được việc đấu thầu.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, nếu chỉ nói lý thuyết thì ai cũng nói được. Nhưng thực tế, để xây dựng cấu hình kỹ thuật, chỉ cần hơi “lệch” một chút là bị quy chụp “định hướng”, “chỉ định thầu” hoặc “quân xanh quân đỏ”, trong khi người thực hiện hoàn toàn vô tư.
Do đó, không chỉ việc lắp đặt wifi, ngay cả việc xây dựng cấu hình kỹ thuật tại Bệnh viện Chợ Rẫy - nơi ông từng công tác, cũng gặp nhiều trở ngại.
Nhắc đến bệnh án điện tử, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết Bệnh viện Y Dược TPHCM, đơn vị được đánh giá là triển khai bệnh án điện tử tốt nhất hiện nay, có thể đạt được kết quả này một phần do không phải thực hiện quy trình đấu thầu phức tạp.
Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 193, trong khi Chính phủ cũng ban hành Nghị định 188 cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu, song mới chỉ được thí điểm trong hai năm 2025-2026. Theo ý kiến đại biểu, nếu sửa đổi Luật Đấu thầu, cần bổ sung quy định cho phép chỉ định thầu đối với các gói mua sắm hàng hóa, dịch vụ phục vụ nhiệm vụ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Tuân Nguyễn