"Hình ảnh các đơn vị 2 giờ sáng ở cơ quan khiến tôi xúc động"
Chiều nay (7/7), Bộ trưởng Trần Hồng Minh chủ trì Hội nghị đánh giá kết quả công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025 của Bộ Xây dựng.
Bộ trưởng Trần Hồng Minh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị (Ảnh: Tạ Hải).
Vui mừng trước những kết quả Bộ đạt được trong 6 tháng qua, Bộ trưởng cho biết, thời gian qua, triển khai nghị quyết của Trung ương về thành lập chính quyền địa phương 2 cấp, các cơ quan, bộ ngành đã vào cuộc quyết liệt thực hiện nhiệm vụ.
Riêng Bộ Xây dựng đã hoàn thành khối lượng công việc khổng lồ. "Hình ảnh các cơ quan, đơn vị 1h30 - 2h sáng vẫn ở cơ quan hoàn thiện các hạng mục công việc cho kịp tiến độ, chất lượng; trọng tâm là nhiệm vụ hoàn thiện thể chế, quy hoạch, chính sách pháp luật khiến tôi xúc động", Bộ trưởng chia sẻ.
Nhiều điểm sáng khác cũng được ông nhấn mạnh như: Công tác sắp xếp, tổ chức bộ máy thực hiện nhanh, nghiêm túc, ổn định bảo đảm chất lượng đội ngũ cán bộ, thể hiện đúng tinh thần "trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt".
Trong quản lý đầu tư xây dựng, ba nhiệm vụ lớn được làm tốt. Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành dù không phải là chủ đầu tư, song, Bộ Xây dựng đã phân công trực tiếp một thứ trưởng và các cán bộ chuyên môn cùng ACV, đơn vị thi công tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Nút thắt về vật tư, trang thiết bị đã cơ bản được tháo gỡ. Toàn công trường đang dồn lực với ý chí quyết tâm cơ bản hoàn thành dự án trong năm 2025 để chào mừng các sự kiện lớn của đất nước.
Các dự án đường sắt trọng điểm như: Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đang được triển khai các thủ tục đầu tư liên quan theo đúng định hướng Nghị quyết 68; Dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng đang rốt ráo hoàn thiện thủ tục đầu tư, phấn đấu khởi công ngay trong năm 2025.
Mục tiêu hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc cũng ghi nhận những tín hiệu khả quan. Một số dự án thấp nhất, sản lượng đã đạt 30 - 40%. Riêng 14 dự án do Bộ Xây dựng làm cơ quan chủ quản, có 10 dự án đạt sản lượng 72 - 95%; 4 dự án đã đạt 58% đến hơn 70%.
"Trên đà kết quả đạt được, các chủ đầu tư, nhà thầu phải ý thức trách nhiệm vào cuộc quyết liệt, hoàn thành bằng được theo đúng tiến độ yêu cầu", Bộ trưởng chỉ đạo.
Với công tác đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, Bộ trưởng Trần Hồng Minh nhận định có nhiều tín hiệu tích cực, trên cả nước đã khởi công 26 dự án với quy mô 23.561 căn, hoàn thành 35.631căn.
"Năm nay, chúng ta đã khởi công xây dựng 155.000 căn, mục tiêu đề ra là phải hoàn thành tối thiểu 100.000 căn hộ. Muốn làm được vậy, giám đốc các Sở xây dựng phải tham mưu cho lãnh đạo địa phương giải pháp triển khai", Bộ trưởng nói.
Toàn cảnh hội nghị (Ảnh: Tạ Hải).
"Liệu cơm gắp mắm" nâng cao hiệu quả giải ngân
Định hướng các nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm, giải ngân vốn đầu tư công là nội dung được người đứng đầu Bộ Xây dựng đặc biệt quan tâm.
"Đánh giá cho thấy, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chưa đáp ứng kỳ vọng. Khối lượng giải ngân còn rất lớn, khoảng 63.000 tỷ đồng, mỗi tháng giải ngân khoảng 9.000 tỷ đồng.
Con số này đòi hỏi các chủ đầu tư phải "liệu cơm gắp mắm", thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả giải ngân", Bộ trưởng chỉ đạo và yêu cầu để đóng góp vào kết quả giải ngân nói chung, cục quản lý chuyên ngành phải phối hợp theo dõi sát tiến độ các dự án, đặc biệt là các dự án khởi công, hoàn thành trong năm 2025. Trong đó, lưu ý đặc biệt các dự án khởi công, hoàn thành dịp chào mừng kỷ niệm 80 năm Quốc khánh 2/9....
Công tác hoàn thành lựa chọn nhà thầu thi công hệ thống điều hành, hệ thống giám sát giao thông đường cao tốc Bắc - Nam cũng phải sớm hoàn thành, đáp ứng tiến độ đưa vào hoạt động từ 1/1/2026.
"Riêng dự án đường sắt sắp triển khai, công tác GPMB, tái định cư cần sớm triển khai và sớm tăng tốc, đáp ứng thời gian khởi công, trước mắt là dự án Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng có kế hoạch khởi công vào 19/12 năm nay", Bộ trưởng nói.
Lưu ý vấn đề minh bạch trong giao dịch bất động sản, người đứng đầu Bộ Xây dựng yêu cầu các đơn vị trực thuộc tập trung nghiên cứu, sớm trình cấp có thẩm quyền ban hành nghị quyết về thí điểm mô hình "Trung tâm giao dịch bất động sản và quyền sử dụng đất do Nhà nước quản lý".
"Chúng ta phải đặt mục tiêu mỗi tỉnh có một sàn giao dịch, bảo đảm sự minh bạch, hiệu quả trong công tác quản lý", Bộ trưởng nói.
Bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu đề ra, hàng loạt nhiệm vụ khác cũng được Bộ trưởng Trần Hồng Minh đề cập, trọng tâm là: Chú trọng công tác xây dựng, tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế; Tiếp tục tăng cường phân cấp, phân quyền cho các địa phương; Cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh, thủ tục hành chính (TTHC); Tái cơ cấu để doanh nghiệp phát triển; Sớm hoàn thiện, trình phê duyệt hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng…
Về Khoa học công nghệ, môi trường và vật liệu xây dựng, chuyển đổi số, Vụ chuyên ngành phải thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị, phối hợp với các đơn vị liên quan định rõ phát triển khoa học công nghệ cho ngành xây dựng phải tập trung vào những mũi nhọn gì? Đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực như thế nào? Ngành xây dựng là ngành khoa học thì dứt khoát phải phấn đấu đi đầu trong chuyển đổi số, phát triển khoa học công nghệ.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh.
Nhiều điểm sáng
Trước đó, báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Trí Đức, Chánh Văn phòng Bộ Xây dựng cho biết, 6 tháng đầu năm, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động nhanh, phức tạp, khó lường, song, dưới sự lãnh đạo sâu sát, kịp thời của Trung ương Đảng, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự đồng hành, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị, Bộ Xây dựng đạt được nhiều kết quả tích cực.
Chánh Văn phòng Bộ Xây dựng Nguyễn Trí Đức (Ảnh: Tạ Hải).
Công tác sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy được kịp thời, bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu năng, hiệu quả, hoạt động liên tục, không gián đoạn.
Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế tiếp tục được chú trọng, Bộ đã khẩn trương rà soát tổng thể, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền triệt để cho chính quyền địa phương gắn với việc tổ chức thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp.
Bộ cũng đã trình và được Quốc hội thông qua Luật Đường sắt, 6 Nghị quyết; Chính phủ ban hành 9 Nghị định, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 1 Quyết định; Bộ trưởng ban hành theo thẩm quyền 21 Thông tư.
Về quản lý đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng, nhiều dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia có chuyển biến tích cực, nhất là các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam và các tuyến liên vùng.
Có 19 dự án thành phần hoàn thành, cả nước đã đưa vào khai thác thêm một số đoạn tuyến thuộc 6 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc đưa vào khai thác là 2.268 km, thể hiện kết quả của phong trào thi đua "500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc" và việc huy động tổng lực nguồn lực cho cao tốc.
Có 52 dự án cao tốc khác đang triển khai thi công cơ bản bám sát tiến độ đề ra. Các vướng mắc chính về vốn, mặt bằng, kỹ thuật của dự án giai đoạn 1 đều được tháo gỡ kịp thời.
Dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng đã tổ chức triển khai giải phóng mặt bằng đồng loạt tại 20 địa phương có tuyến đi qua, chuẩn bị tốt cho giai đoạn thi công quy mô lớn dự kiến từ năm 2026, bảo đảm tiến độ khởi công vào ngày 19/12/2025.
Với tinh thần khẩn trương, quyết liệt nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển và nâng cao năng lực kết nối trong nước và quốc tế, từ đầu năm 2025 đến nay, Bộ đã hoàn thành các thủ tục đầu tư xây dựng để khởi công 8 dự án, hoàn thành đồng bộ 2 dự án; Thông xe tuyến chính một số dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.
Các dự án đầu tư hạ tầng tăng tốc góp phần đưa kết quả giải ngân vốn đầu tư công chuyển biến tích cực. Trên tổng kế hoạch vốn ngân sách Trung ương 87.199 tỷ đồng được Thủ tướng Chính phủ giao, đến hết tháng 6/2025, giá trị giải ngân của Bộ ước đạt gần 23.800 tỷ đồng, đạt hơn 27% kế hoạch.
"Kết quả giải ngân vốn đầu tư công của Bộ Xây dựng đạt cao hơn mức giải ngân bình quân chung các bộ ngành trung ương (25,3%)", ông Đức thông tin.
Lĩnh vực vận tải khởi sắc với khối lượng vận tải hàng hóa trong 6 tháng ước đạt gần 1.200 triệu tấn, tăng gần 15%; Luân chuyển hàng hóa ước đạt 237 tỷ tấn.km, tăng hơn 12% so với cùng kỳ năm 2024.
Vận chuyển hành khách ước đạt 2.255 triệu lượt khách, tăng hơn 16%; Luân chuyển hành khách ước đạt 125 tỷ HK.km, tăng hơn 13% so với cùng kỳ năm 2024.
"Công tác cải cách TTHC tiếp tục được thực hiện quyết liệt, có hiệu quả. Trên cơ sở rà soát 451 TTHC liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, Bộ đề xuất cắt giảm chi phí tuân thủ TTHC hơn 3.977 tỷ đồng trên tổng số hơn 12.575 tỷ đồng (đạt tỷ lệ gần 32%); Cắt giảm thời gian giải quyết TTHC 1.672/4.751 ngày (đạt tỷ lệ hơn 35%); Cắt giảm 185/447 điều kiện đầu tư kinh doanh (đạt tỷ lệ hơn 41%); Cắt giảm, đơn giản hóa 60/132 TTHC nội bộ (đạt tỷ lệ hơn 45%).
Riêng lĩnh vực hoạt động xây dựng, phương án đã đề xuất bãi bỏ 3/24 TTHC; Cắt giảm thời gian giải quyết 19/21 TTHC; Cắt giảm 56/87 điều kiện đầu tư kinh doanh theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ", Chánh Văn phòng Bộ Xây dựng thông tin.
Nam Khánh