Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về đánh giá đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong lĩnh vực y tế ngày 23/5, đại diện Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) Bộ Công an cho biết, chỉ trong lĩnh vực sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm, từ đầu năm đến nay đã khởi tố 6 vụ án, hơn 100 bị can.
"Không kiểm tra chất lượng"
Ông Trần Quang Hiền, Giám đốc Sở Y tế An Giang, nhìn nhận có “lỗ hổng” lớn trong quy trình hậu kiểm. Với nhân lực hạn chế, địa phương chỉ có thể kiểm tra được một số ít doanh nghiệp trong khi phần lớn vẫn hoạt động theo cơ chế tự công bố, không thể đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng thật sự.
Tại Hòa Bình, nơi từng là "điểm nóng" của vụ sữa giả đầu tháng 4, Giám đốc Sở Y tế Bùi Thu Hằng cho biết, trong năm 2024, dù đã tổ chức 15 đoàn kiểm tra 235 cơ sở, chỉ phát hiện 3 cơ sở vi phạm. Công tác kiểm tra, lấy mẫu mới chỉ dừng lại ở chỉ số vi sinh, không kiểm tra chất lượng, “không thể xác định được hàng giả”.
“Chúng tôi chỉ quan tâm hậu kiểm xem cơ sở sản xuất xem đủ điều kiện hay không. Chỉ kiểm tra chất lượng khi người dân có ý kiến”, bà Hằng nói.
Một nghịch lý khác là doanh nghiệp đăng ký công bố sản phẩm tại Hòa Bình nhưng lại sản xuất tại nơi khác và không phân phối trong tỉnh, khiến công tác hậu kiểm gặp khó.
“Trong đường dây sản xuất sữa giả vừa qua, có công ty đăng ký công bố sản phẩm tại Hòa Bình nhưng sản xuất ở nơi khác, không bán hàng ở Hòa Bình”, bà Hằng thông tin.
Theo Bộ trưởng Y tế, hàng giả trong lĩnh vực y tế, thuốc, thực phẩm chức năng không chỉ vi phạm đơn thuần về thương mại mà là tội ác. Ảnh minh họa: CAND
Người đứng đầu ngành y tế tỉnh Hòa Bình cho biết Sở đang thành lập 3 đoàn hậu kiểm, tập trung kiểm tra chất lượng sản phẩm.
“Nhưng rầm rộ kiểm tra thế này thì khó lấy được sản phẩm không đảm bảo chất lượng”, bà Hằng nói. Nhiều năm, tỉnh này thành lập đoàn kiểm tra, nhưng các đối tượng sản xuất hàng giả lại tinh vi, không bán ở siêu thị, cửa hàng mà lách bằng sàn thương mại điện tử, các buổi giới thiệu sản phẩm nên khó hậu kiểm tất cả sản phẩm nghi ngờ.
"Kể cả nghi cũng chưa chắc dám làm vì nguồn lực, kinh phí cho hậu kiểm có hạn", Giám đốc Sở Y tế Hòa Bình giải thích. Bà Hằng cho hay tỉnh không thể có nhiều tiền đến thế, vì không chỉ sữa giả, thuốc giả, thực phẩm chức năng giả mà còn nhiều mặt hàng khác.
Lãnh đạo ngành y tế các tỉnh đề xuất Bộ Y tế cần quy định rõ những sản phẩm, thành phần bắt buộc phải công bố, kiểm nghiệm định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm, duy trì chất lượng liên tục và công bố công khai trên hệ thống quản lý. Ông Hiền cho rằng không thể để doanh nghiệp chỉ công bố đạt chất lượng ban đầu rồi sau đó điều chỉnh vì lợi nhuận.
Sở Y tế Hòa Bình cũng kiến nghị điều chỉnh Nghị định 15 theo hướng buộc doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm toàn diện với sản phẩm sau khi đưa ra thị trường, còn "cơ quan quản lý thì chỉ quản lý theo quy định".
Lỗ hổng hậu kiểm: Không thể kêu thiếu người, thiếu tiền
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh: "Hàng giả trong lĩnh vực y tế không đơn thuần là gian lận thương mại mà là tội ác". Bà khẳng định không thể "làm bình bình" với các mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, sinh mạng người dân như với các loại khác.
Bà Lan yêu cầu các địa phương phải chủ động hơn, không thể viện lý do thiếu người, thiếu tiền. Nếu khó khăn thì phải báo cáo lãnh đạo tỉnh. Không báo cáo, không đề xuất thì trách nhiệm là của ngành y tế.
Theo Bộ trưởng, dự thảo sửa đổi Nghị định 15 sẽ được trình Chính phủ vào cuối tháng 5, đầu tháng 6 tới, với trọng tâm là phân cấp, phân quyền rất nhiều cho địa phương.
Về nguồn lực, Bộ trưởng chỉ rõ, 3-5 người về dược hay an toàn thực phẩm túc tắc đi kiểm tra mấy chục nghìn sản phẩm chắc chắn là sẽ không làm được. Hiện cả nước có hơn 2.000 người làm kiểm nghiệm, chưa kể lực lượng ở các đơn vị khác, không thể nói là thiếu người, vấn đề là phối hợp và tổ chức lại lực lượng. Cùng đó, phải đánh giá mặt hàng nào có nguy cơ cao, kiểm tra đột xuất, không thông báo trước, không "trống dong cờ mở".
Tư lệnh ngành y đề nghị chấn chỉnh việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, công vụ liên quan đến việc cấp phép, gia hạn, tiếp nhận bản công bố, kiểm tra kiểm định… Đồng thời, quán triệt, nâng cao nhận thức trong đội ngũ cán bộ triển khai thực hiện các nhiệm vụ này để không xảy ra vụ việc như tại Cục An toàn thực phẩm.
Võ Thu