Bộ trưởng Y tế: Không có vùng cấm với hàng giả

Bộ trưởng Y tế: Không có vùng cấm với hàng giả
10 giờ trướcBài gốc
Đây là phát biểu của Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan trong Hội nghị trực tuyến toàn quốc về kiểm điểm tiến độ thực hiện công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong lĩnh vực y tế, sáng 23/5.
Hội nghị do Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan chủ trì, kết nối từ điểm cầu Trung ương tại trụ sở Bộ Y tế đến UBND các tỉnh, thành phố.
Công tác hậu kiểm ở địa phương chưa nghiêm
Tại hội nghị, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh quản lý thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thiết bị y tế là lĩnh vực đặc biệt quan trọng, liên quan trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của toàn hệ thống chính trị.
Bộ Y tế luôn xác định rõ công tác quản lý các sản phẩm thuộc lĩnh vực y tế là nhiệm vụ then chốt trong phòng bệnh, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Quan điểm chỉ đạo của Bộ Y tế là kiên quyết, đấu tranh không khoan nhượng với các hành vi sản xuất, buôn bán, lưu thông hàng giả trong lĩnh vực y tế.
Theo bà Lan, thời gian qua, Bộ Y tế đang tập trung sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan, Bộ đã trình dự thảo Luật An toàn thực phẩm sửa đổi. Song song đó, thường xuyên cập nhật các văn bản hướng dẫn chuyên ngành, đồng thời kiến nghị các cấp có thẩm quyền để hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với lĩnh vực đặc thù này.
Bà Đào Hồng Lan phát biểu tại hội nghị trực tuyến. Ảnh: Tuấn Dũng.
Thực tế cho thấy thị trường sản phẩm y tế đang mang lại lợi nhuận cao, nên dễ bị các đối tượng làm ăn không minh bạch lợi dụng. Nhiều hành vi vi phạm đã qua mặt được cơ quan chức năng bằng cách tận dụng kẽ hở trong pháp luật hoặc những bất cập trong quá trình quản lý.
Bà Lan cho biết sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử và mạng xã hội khiến việc kiểm soát các sản phẩm y tế ngày càng khó khăn hơn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe, thậm chí cả tính mạng của người dân.
Một nguyên nhân quan trọng dẫn đến các vi phạm là việc kiểm tra sau khi sản phẩm đã ra thị trường (hậu kiểm) ở địa phương còn yếu và thiếu đồng bộ. Nhiều sản phẩm sau khi lưu hành không được theo dõi, kiểm soát đầy đủ.
Bà Lan nhấn mạnh: "Việc hậu kiểm ở các địa phương chưa được thực hiện nghiêm túc và thống nhất. Dù nguyên tắc là 'địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm', nhưng thực tế cho thấy nhiều mặt hàng vẫn chưa được quản lý chặt chẽ sau khi lưu thông."
Vì vậy, cần tăng cường cơ chế hậu kiểm, trao thêm quyền và trách nhiệm cho chính quyền địa phương, đồng thời dựa trên việc rà soát, đánh giá thực tế để thực hiện hiệu quả hơn.
Địa phương gặp khó trong công tác hậu kiểm
Tại hội nghị, đại diện tỉnh Hòa Bình cho biết việc hậu kiểm các sản phẩm sau lưu thông gặp nhiều khó khăn. Dù đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra từ đầu năm 2024, việc phát hiện hàng giả vẫn rất hạn chế.
Nguyên nhân là theo quy định hiện hành, địa phương chỉ được kiểm tra chỉ số an toàn thực phẩm, không được đánh giá chất lượng sản phẩm. Việc kiểm tra chất lượng chỉ được thực hiện khi có phản ánh từ người dân và chủ yếu tập trung tại cơ sở sản xuất.
Đại diện Hòa Bình cũng nêu trường hợp sữa giả gần đây: sản phẩm được công bố tại tỉnh, nhưng không hề bán trên địa bàn hay trong các bệnh viện, siêu thị tại tỉnh, khiến việc giám sát gần như bất khả thi.
Ngoài ra, do lực lượng mỏng, việc hậu kiểm khó triển khai hiệu quả. Nhiều đối tượng sản xuất hàng giả hoạt động tinh vi, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, khiến việc truy vết và kiểm tra càng thêm khó khăn.
Tang vật được công an thu giữ khi tổ chức khám xét khẩn cấp. Ảnh: CAHN.
"Nếu chỉ nghi ngờ cũng chưa dám làm, vì mẫu rất nhiều. Một tỉnh cũng không có nhiều tiền để xét nghiệm tất cả sản phẩm khi có nghi nghờ. Bởi ngoài sữa giả, thuốc giả còn rất nhiều các sản phẩm khác nữa. Ngoài ra, đoàn đi kiểm tra rầm rộ cũng rất khó lấy được mẫu đúng để kiểm tra", đơn vị này cho hay.
Tỉnh Hòa Bình kiến nghị cần sửa đổi Nghị định 15 về an toàn thực phẩm và tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc chứng minh chất lượng sản phẩm đầu ra.
Ông Trần Quang Hiền, Giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang, cũng cho hay từ đầu tháng 4 đến nay, ngành y tế tỉnh đã kiểm tra 37 cơ sở kinh doanh sữa (sữa bột, sữa dinh dưỡng cho trẻ em dưới 36 tháng tuổi), phát hiện 5 cơ sở vi phạm; kiểm tra dược phẩm, mỹ phẩm thực phẩm chức năng, có 25 trong 86 cơ sở vi phạm; kiểm tra 43 cơ sở về an toàn thực phẩm, phát hiện 9 nơi vi phạm... Tổng số tiền thu được từ việc xử lý vi phạm là hơn 1,5 tỷ đồng.
"Các sàn thương mại điện tử hoạt động rất nhộn nhịp và lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều cơ sở bán thuốc không có số đăng ký lưu hành, không xuất hóa đơn khi giao dịch online. Có trường hợp chỉ trong một ngày đã bán được hàng chục tỷ đồng", ông Hiền nói.
Ông cũng thẳng thắn chia sẻ những khó khăn trong công tác hậu kiểm tại địa phương. Dù có quy định và cơ chế, nhưng thực tế vẫn tồn tại nhiều "lỗ hổng" trong ngành y tế. Cụ thể, trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, chỉ một số sản phẩm phải đăng ký và được Sở Y tế giám sát quy trình công bố. Còn lại, nhiều loại thực phẩm và mỹ phẩm chỉ cần tự công bố, sau đó cơ quan chức năng tiếp nhận, dẫn đến việc kiểm soát chất lượng thực tế còn lỏng lẻo.
Phản hồi trước ý kiến này, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết Bộ đã và đang tiến hành sửa đổi Nghị định 15. Bà cũng nhấn mạnh việc kiểm tra, xử lý hàng giả cần thực hiện thường xuyên, không chỉ tập trung trong một tháng cao điểm.
"Nhân dân rất hoang mang, ra thị trường không biết mặt hàng nào được phép lưu hành, mặt hàng nào là giả, nhái", bà Lan nêu thực tế.
Đặc biệt là trên sàn thương mại điện tử, người đứng đầu ngành y tế cho rằng cần tăng chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm sản xuất kinh doanh thuốc giả, mỹ phẩm giả, thực phẩm chức năng giả, thiết bị y tế giả.
Đồng thời, bà kêu gọi người dân tích cực phát hiện, tố giác vi phạm để cơ quan chức năng có thể can thiệp kịp thời.
Phương Anh
Nguồn Znews : https://lifestyle.znews.vn/bo-truong-y-te-khong-co-vung-cam-voi-hang-gia-post1555170.html