Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Đ.S.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp dù ở quy mô, phạm vi nào cũng là một việc hết sức hệ trọng, cần được tiến hành thận trọng, khách quan, dân chủ, khoa học, hiệu quả.
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, chủ trương lần này là chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, tập trung phục vụ thực hiện chủ trương của Đảng về sắp xếp, tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị, bao gồm cả bộ máy chính quyền địa phương các cấp và tổ chức của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Bộ Tư pháp được giao nhiệm vụ tổ chức lấy ý kiến góp ý sửa đổi, bổ sung Hiến pháp như các cơ quan khác, đồng thời thực hiện thêm nhiệm vụ tổng hợp ý kiến của các cơ quan thuộc Chính phủ trong việc lấy ý kiến nhân dân về sửa đổi, bổ sung Hiến pháp.
Mặc dù được triển khai trong thời gian ngắn, nhưng Bộ Tư pháp đã khẩn trương ban hành các hướng dẫn cụ thể cho việc lấy ý kiến nhân dân, tổng hợp và xây dựng báo cáo kết quả lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, đăng tải trên Cổng thông tin của Bộ Tư pháp.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của hội nghị lần này, với sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan, tổ chức có chuyên môn sâu, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh mong nhận được nhiều ý kiến tâm huyết, chất lượng, đóng góp cho việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp.
Theo báo cáo tại hội nghị, Hiến pháp năm 2013 là Hiến pháp của thời kỳ đổi mới toàn diện, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu của công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước và hội nhập quốc tế, trong đó, quy định cụ thể về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và việc phân định các đơn vị hành chính ở địa phương của nước ta với tên gọi của từng loại đơn vị hành chính ở 3 cấp là: cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã.
Sau hơn 11 năm triển khai thi hành, các quy định của Hiến pháp năm 2013 đã tạo cơ sở hiến định quan trọng cho việc kiện toàn tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị.
Tuy nhiên, trong bối cảnh Đảng ta đã chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị bảo đảm yêu cầu tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, Nghị quyết số 60-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ngày 12/4/2025 đã thống nhất định hướng xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, sắp xếp các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ vào Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 trong thời điểm hiện nay là hết sức cần thiết, tạo cơ sở hiến định cho việc thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy, xây dựng, hoàn thiện, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc.
Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 tập trung vào 2 nhóm nội dung quan trọng. Một là các quy định liên quan đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội. Hai là các quy định tại Chương IX để thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; đồng thời, có quy định chuyển tiếp để bảo đảm chính quyền địa phương hoạt động thông suốt, không gián đoạn, phù hợp với lộ trình thực hiện sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, không tổ chức cấp huyện.
Các ý kiến đóng góp tại hội nghị sẽ được Ban tổ chức gửi đến cơ quan có thẩm quyền tổng hợp, trình Ủy ban tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Đức Sơn