Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV: Hệ thống hành chính địa phương tinh gọn, mục tiêu gần dân, sát dân và phục vụ nhân dân tốt hơn

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV: Hệ thống hành chính địa phương tinh gọn, mục tiêu gần dân, sát dân và phục vụ nhân dân tốt hơn
7 giờ trướcBài gốc
Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vũ Hồng Văn và các đại biểu tại hội trường Quốc hội.
Trong phiên họp, đã có 37 lượt đại biểu Quốc hội (ĐBQH) phát biểu ý kiến, trong đó có 4 đại biểu tranh luận. 22 lượt ý kiến góp ý về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp. 28 lượt ý kiến góp ý về Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và có 12 ĐBQH góp ý vào cả 2 văn bản.
Phát biểu tại hội trường, ĐBQH Trịnh Xuân An (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) nêu ý kiến góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Đại biểu đề xuất tiếp tục rà soát các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của HĐND, UBND, chủ tịch UBND các cấp trong Chương 4 của dự thảo luật để thể hiện rõ nét hơn chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền bảo đảm phân định một cách hợp lý nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp xã.
Đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng, dự thảo luật đã thể hiện tinh thần phân cấp, phân quyền hết sức mạnh mẽ và đề cao trách nhiệm của UBND, đặc biệt là trách nhiệm của chủ tịch UBND các cấp, nhất là cấp xã, phường. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần thiết phải làm rõ thêm các cơ chế kiểm soát và trách nhiệm giải trình của UBND. Đề nghị bổ sung quy định bắt buộc về công khai, minh bạch các quyết định của chính quyền địa phương, đặc biệt là những quyết định liên quan đến ngân sách, đất đai, đầu tư. Đặc biệt, cần tăng cường số lượng ĐBQH chuyên trách, tăng cường hoạt động giám sát của HĐND, nhất là cấp cấp địa phương. Bởi, khối lượng nhiệm vụ của UBND cấp xã là rất lớn, nếu không tăng cường cơ chế giám sát của HĐND, nhất là tăng cường đại biểu chuyên trách, thì sẽ khó phát huy quyền và nghĩa vụ của cơ quan dân cử ở địa phương. Theo đại biểu Trịnh Xuân An, chỉ có 3 đại biểu HĐND cấp xã chuyên trách như hiện nay là chưa phù hợp với nhiệm vụ, công việc rất lớn của UBND cấp xã; đại biểu đề xuất tăng lên 4-5 đại biểu.
Đại biểu Trịnh Xuân An đề nghị bổ sung tại khoản 4, Điều 11: trong trường hợp cần thiết để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân, thì UBND tỉnh có thể trực tiếp làm những công việc của cấp dưới hoặc của UBND cấp xã; đồng thời, nêu rõ trong trường hợp cần thiết nào để phát huy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quyền lợi của người dân.
Phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu liên quan đến Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, đây là dấu mốc lịch sử của nền lập pháp Việt Nam. Lần đầu tiên sau gần 80 năm kể từ ngày thành lập nước, trên cơ sở chủ trương lớn của Đảng, Quốc hội xem xét và sẽ quyết định thay đổi mô hình chính quyền địa phương từ 3 cấp sang 2 cấp. Các nội dung được đại biểu thảo luận, theo Bộ trưởng Nội vụ, như một dấu ấn mang tính lịch sử, có tính đột phá từ tư duy quản lý hành chính sang quản trị kiến tạo và phục vụ trong một chính quyền địa phương, từ phân công hành chính sang phân cấp, phân quyền, trao quyền một cách rõ ràng, thực chất. Từ bộ máy hành chính của chính quyền địa phương cồng kềnh, tầng nấc sang hệ thống hành chính địa phương tinh gọn với mục tiêu gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân tốt hơn…
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, trong phiên họp toàn thể sáng nay, Quốc hội đã thảo luận rất khẩn trương, sôi nổi, dân chủ và trách nhiệm cao. Phó chủ tịch Quốc hội cho biết, từ kinh nghiệm hoạt động thực tiễn hết sức phong phú tại các ngành, các địa phương, các lĩnh vực trong cả nước, các ý kiến phát biểu đã thể hiện trí tuệ sâu sắc và thể hiện sự tán thành cao, sự cần thiết, những nội dung cơ bản của việc sửa đổi, bổ sung 2 văn bản này và trình Quốc hội thông qua ngay tại Kỳ họp thứ 9, tạo cơ sở pháp lý để thực hiện sắp xếp tổ chức hệ thống chính trị của cả nước và chính quyền địa phương tinh gọn, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.
“Ý kiến của các vị ĐBQH phát biểu vừa bao quát toàn diện, vừa cụ thể, thiết thực và tập trung vào các vấn đề trọng tâm của cả 2 dự thảo. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo tổng hợp ý kiến đầy đủ của các vị ĐBQH để các cơ quan trình dự án nghiên cứu, tiếp thu, giải trình, chỉnh lý các dự thảo để trình Quốc hội xem xét, quyết định” - Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh…
* Chiều cùng ngày, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra Dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra Dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) và thảo luận về Dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).
L.V (tổng hợp)
Nguồn Đồng Nai : https://baodongnai.com.vn/tin-moi/202505/ky-hop-thu-9-quoc-hoi-khoa-xv-he-thong-hanh-chinh-dia-phuong-tinh-gon-muc-tieu-gan-dan-sat-dan-va-phuc-vu-nhan-dan-tot-hon-bf606c4/