'Bộ tứ trụ cột' cho kỷ nguyên phát triển mới

'Bộ tứ trụ cột' cho kỷ nguyên phát triển mới
7 giờ trướcBài gốc
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, đổi mới không chỉ là yêu cầu khách quan của phát triển mà còn là mệnh lệnh từ tương lai dân tộc. Chúng ta cần một cuộc cải cách toàn diện, sâu sắc và đồng bộ, với những đột phá mới về thể chế, cơ cấu kinh tế, mô hình tăng trưởng và tổ chức bộ máy. Cải cách là con đường duy nhất để Việt Nam vượt qua thách thức, nắm bắt thời cơ và hiện thực hóa khát vọng phát triển nhanh, bền vững trong thời kỳ mới.
Để thực hiện mục tiêu đó, Bộ Chính trị đã ban hành 4 nghị quyết quan trọng, tạo thành "Bộ tứ trụ cột" thể chế nền tảng, tạo động lực mạnh mẽ đưa đất nước tiến lên. Trong đó, Nghị quyết số 57: Thúc đẩy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Nghị quyết số 59: Chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng; Nghị quyết số 68: Phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân; Nghị quyết số 66: Đổi mới toàn diện công tác xây dựng, thi hành pháp luật.
Tổng Bí thư Tô Lâm cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước thăm các gian trưng bày sản phẩm của các doanh nghiệp tư nhân.
Đối với Nghị quyết số 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, Tổng Bí thư cho rằng, nghị quyết đánh dấu bước tiến lớn trong tư duy chiến lược của Đảng, khẳng định kinh tế tư nhân là "một động lực quan trọng nhất" của nền kinh tế quốc gia. Quan điểm này thay đổi sâu sắc nhận thức về vai trò của khu vực tư nhân, từ vị trí thứ yếu trở thành trụ cột phát triển, song hành cùng kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể, tạo thế "kiềng ba chân" vững chắc.
Phát triển kinh tế tư nhân không chỉ là yêu cầu kinh tế mà còn là mệnh lệnh chính trị, nhằm củng cố nền tảng tự chủ kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh và khả năng thích ứng của đất nước.
Các đại biểu tham dự Hội nghị.
Đối với Nghị quyết số 66 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, đồng chí Tô Lâm khẳng định, nghị quyết xác định đổi mới căn bản công tác xây dựng và thi hành pháp luật là nội dung cốt lõi, nền tảng cho tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Pháp luật không chỉ là công cụ điều chỉnh hành vi mà còn là cơ sở tổ chức, vận hành quyền lực nhà nước, bảo vệ quyền con người, quyền công dân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Nghị quyết số 66 yêu cầu hoàn thiện thể chế trong các lĩnh vực then chốt; đổi mới quy trình xây dựng pháp luật theo hướng chủ động, kiến tạo, bảo đảm pháp luật đồng bộ, khả thi, minh bạch; nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, tăng cường kỷ luật, kỷ cương. Tinh thần cải cách nổi bật trong Nghị quyết số 66 là: Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật từ "quản lý" sang "phục vụ", từ bị động sang chủ động, kiến tạo; xây dựng pháp luật đi trước một bước, bảo đảm tính dự báo cao; thi hành pháp luật nghiêm minh, công bằng, thực chất, gắn với chuyển đổi số, công khai, minh bạch; đồng thời, phân cấp, phân quyền rõ ràng, gắn với trách nhiệm giải trình.
Phúc Minh
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/bo-tu-tru-cot-cho-ky-nguyen-phat-trien-moi-331522.htm