Bộ Xây dựng vừa báo cáo Quốc hội, các đại biểu Quốc hội trong báo cáo kết quả thực hiện nghị quyết của Quốc hội về hoạt động chất vấn và giám sát chuyên đề chất vấn.
Theo đó, thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn, tình trạng khan hiếm nguồn cung kéo dài, mất cân đối cơ cấu sản phẩm, thiếu nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, thu nhập trung bình.
Bộ Xây dựng cho rằng, nguyên nhân chính bởi do doanh nghiệp kinh doanh bất động sản gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư, đặc biệt vướng trong tiếp cận vốn, phát hành trái phiếu, huy động vốn của khách hàng, dẫn đến phải giãn tiến độ, dừng triển khai nhiều dự án.
Tình trạng khan hiếm nguồn cung kéo dài diễn ra trên thị trường bất động sản. Ảnh BXD.
Để tháo gỡ vướng mắc về pháp lý, thời gian qua Quốc hội đã sửa 3 luật về đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản để đồng bộ các quy định pháp luật về đầu tư, đấu thầu, kinh doanh bất động sản, qua đó đã tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ nhiều dự án bất động sản trên cả nước.
Thủ tướng cũng thành lập Tổ công tác của Thủ tướng do bộ trưởng Bộ Xây dựng làm tổ trưởng để rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai dự án bất động sản tại nhiều địa phương trên cả nước.
Theo đó, tổ công tác đã trực tiếp làm việc với 8 địa phương: Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM, Hải Phòng, Cần Thơ, Đồng Nai, Bình Thuận, Bình Định và các doanh nghiệp bất động sản để nghe báo cáo, nắm thông tin, rà soát từng dự án để trao đổi, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Tổ công tác đã xử lý 188 kiến nghị, đề nghị giải quyết vướng mắc của địa phương, doanh nghiệp, người dân liên quan tới 203 dự án bất động sản.
Bên cạnh đó, tổ công tác cũng gửi 137 văn bản tới UBND các tỉnh, thành phố, 14 văn bản gửi tới Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Tài chính đề nghị giải quyết kiến nghị theo thẩm quyền, nhiệm vụ được giao.
Hỗ trợ doanh nghiệp, đẩy mạnh nhà ở xã hội
Ngoài gỡ vướng cho hàng trăm dự án để tăng nguồn cung bất động sản, từ năm 2023 đến nay Bộ Xây dựng cũng trình Chính phủ, Thủ tướng ban hành nhiều giải pháp để cơ cấu lại thị trường.
Tháng 4/2023 trình Thủ tướng phê duyệt đề án đầu tư ít nhất 1 triệu căn hộ cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030.
Đến nay, trên cả nước có 657 dự án nhà ở xã hội được triển khai, quy mô xây dựng hơn 597.000 căn nhà. Trong số này đã hoàn thành được khoảng 66.700 căn, khởi công xây dựng 124.300 căn, chấp thuận chủ trương đầu tư 406.000 căn.
Để thúc đẩy tăng cung nhà ở xã hội, hiện Chính phủ đang trình Quốc hội ban hành nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội theo hướng rút ngắn thời gian thực hiện quy trình, thủ tục đầu tư, xây dựng, thẩm định giá bán, cho thuê nhà ở xã hội để giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, giảm giá bán nhà xã hội.
Bộ Xây dựng đã tổ chức các đoàn công tác để kiểm tra, đôn đốc thực hiện hoàn thành chỉ tiêu nhà ở xã hội được Thủ tướng giao cho giai đoạn đến năm 2030.
Ngoài ra, Bộ cũng rà soát tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức liên quan đến nhà ở xã hội, nghiên cứu thiết kế nhà mẫu phù hợp với từng vùng miền để xây dựng đồng loạt, tiết kiệm chi phí, giảm giá bán.
Đồng thời, thiết lập cơ chế hoạt động của doanh nghiệp nhà nước chuyên đầu tư phát triển nhà ở xã hội, thí điểm giao đất không qua đấu giá, đấu thầu cho doanh nghiệp nhà nước đầu tư phát triển nhà ở xã hội.
Bộ Xây dựng cũng đang soạn thảo Nghị quyết thí điểm về phát triển nhà ở xã với các chính sách như: các dự án nhà ở xã hội sẽ được áp dụng cơ chế chỉ định nhà đầu tư, thời gian thực hiện thủ tục dự án nhà ở xã hội sẽ rút ngắn xuống còn 1,5 năm (trước đây khoảng 3 năm), lợi nhuận của chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội cũng được điều chỉnh tăng lên 13% chi phí thay vì 10% như hiện nay.
Liên quan đến nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội, đến nay, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng ưu đãi cho phân khúc này đã giải ngân được 3.400 tỷ đồng.
Đáng chú ý, từ tháng 7/2023 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện 5 lần điều chỉnh giảm lãi vay gói tín dụng này. Lãi vay đã giảm hơn 2% trong khoảng 2 năm qua, xuống ngưỡng 6,1%/năm.
Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cho rằng việc giải ngân gói tín dụng này trong những năm qua còn chậm. Nguyên nhân do nguồn cung nhà ở xã hội còn hạn chế, một số chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội không đủ điều kiện để vay vốn như không bảo đảm điều kiện dư nợ, không có tài sản bảo đảm.
Đông Bắc