Bộ Xây dựng đang dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành Luật Giao thông đường thủy nội địa, trong đó đề xuất bãi bỏ thủ tục cấp phép phương tiện thủy nội địa vào và rời cảng biển, cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu. Chỉ trừ phương tiện xuất nhập cảnh, tàu hoạt động ven biển (VR-SB).
Việc bỏ quy định trên, theo Bộ Xây dựng, là để phù hợp tình hình thực tế. Bởi lẽ, có phương tiện chỉ ra và vào bến cảng để sửa chữa, hoán cải nhưng cũng phải xin phép. Điều này dẫn đến tình trạng giải quyết không thống nhất giữa các đơn vị, địa phương gây khó khăn cho tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ vận tải.
Thêm vào đó, dự luật cũng bãi bỏ điều kiện kinh doanh đối với cơ sở đóng mới, sửa chữa, hoán cải, phục hồi phương tiện.
Bộ Xây dựng cho biết việc cấp phép các bến thủy nội địa tới đây sẽ được thực hiện trực tuyến. Ảnh: V.LONG
Đáng chú ý, cơ quan soạn thảo cho rằng hiện có 6.274 bến thủy nội địa, trong đó có 1.902 bến không có giấy phép hoạt động, chiếm tỉ lệ 30,3% so với tổng số hiện có.
Thực tế, bến thủy không được cấp giấy phép hoạt động nhưng vẫn hoạt động khai thác nhiều năm qua. Việc này gây mất an toàn cho các công trình, ảnh hưởng đến an toàn giao thông, tiềm ẩn nhiều bất cập, thiếu cơ chế giám sát để quản lý có hiệu quả.
Cạnh đó, quy định hiện hành về kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa tạm thời đối với luồng, hoạt động huấn luyện, đào tạo, sửa chữa, đăng kiểm phương tiện… hiện chưa quy định cụ thể về nội dung và thủ tục hành chính. Điều này cũng dẫn đến một số hoạt động như khai thác cát tại mỏ cát phục vụ thi công công trình đường bộ gặp khó khăn, nhiều cấp thực hiện…
Vì vậy, Bộ Xây dựng đề xuất bổ sung điều kiện thiết lập, thỏa thuận thông số kỹ thuật, công bố mở và đóng công trình tạm theo hướng phải được cấp thẩm quyền xem xét chấp thuận. Song song với đó, bổ sung yêu cầu chuyển đổi các bến thủy nội địa đủ điều kiện thành cảng bến thủy nội địa.
Ngoài ra, cơ quan soạn thảo đề xuất phân cấp cho địa phương xử lý một số hồ sơ, đồng thời đơn giản hóa các thủ tục hành chính, triển khai nộp hồ sơ cấp phép trực tuyến… nhằm cải thiện môi trường pháp lý, minh bạch cho hoạt động đường thủy nội địa.
“Quy định trên cũng sẽ giúp giảm chi phí đi lại của người dân và doanh nghiệp, hạn chế được nạn “tham nhũng vặt”, tạo được hình ảnh “thân thiện” của cơ quan có thẩm quyền…”- Bộ Xây dựng cho hay.
VIẾT LONG