Bộ Y tế đề xuất hỗ trợ nhà ở xã hội cho người sinh 2 con, Bộ Xây dựng nói gì?

Bộ Y tế đề xuất hỗ trợ nhà ở xã hội cho người sinh 2 con, Bộ Xây dựng nói gì?
một giờ trướcBài gốc
Tại dự thảo Luật Dân số, Bộ Y tế đề xuất nhiều giải pháp nhằm duy trì mức sinh thay thế.
Nhiều ưu đãi về tài chính
Về chế độ nghỉ thai sản, dự thảo quy định nghỉ thêm 1 tháng ngoài thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản; nghỉ thêm 5 ngày làm việc ngoài thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi vợ sinh con.
Về tài chính, dự thảo quy định chi hỗ trợ bằng tiền mặt hoặc hiện vật khi phụ nữ sinh con, sinh đủ 2 con, sinh đủ 2 con trước 35 tuổi.
Đáng lưu ý, Bộ Y tế đề xuất chi hỗ trợ sinh hoạt phí; mua hoặc thuê nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở; hỗ trợ chi phí ăn đối với trẻ em học mầm non.
Ngoài ra, Bộ cũng đề xuất hỗ trợ phụ nữ mang thai, sinh con trong sàng lọc trước sinh và sơ sinh; miễn, giảm chi phí khám thai định kỳ.
Bộ Y tế đề xuất hỗ trợ mua hoặc thuê nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở với người sinh đủ 2 con. Ảnh minh họa: TT
Bộ Y tế nêu rõ, căn cứ tình trạng mức sinh của từng thời kỳ, chính quyền địa phương cấp tỉnh quyết định áp dụng một hoặc đồng thời các biện pháp trên, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Chính phủ thực hiện hỗ trợ theo mục tiêu để đảm bảo duy trì mức sinh thay thế trên phạm vi toàn quốc.
Theo Bộ Y tế, các quy định trên sẽ góp phần cung cấp công cụ, chính sách linh hoạt và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương thực hiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích nhằm duy trì mức sinh thay thế.
Góp ý với dự thảo về chính sách hỗ trợ nhà ở, Bộ Xây dựng cho biết ghi nhận đề xuất này và sẽ phối hợp với Bộ Y tế để nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung phù hợp trong quá trình triển khai chính sách về nhà ở xã hội theo quy định tại Luật Nhà ở năm 2023.
Còn theo Sở Y tế tỉnh Long An (cũ), việc bổ sung quy định về nghỉ thêm 1 tháng cho lao động nữ sinh con thứ 2 có thể gây tranh cãi và ảnh hưởng đến chính sách dân số ở vùng có mức sinh cao; cần có đánh giá tác động kỹ lưỡng và quy định theo hướng thí điểm tại khu vực có mức sinh thấp.
Còn về quy định về hỗ trợ nhà ở xã hội cho phụ nữ sinh đủ 2 con, đại diện Sở Y tế tỉnh Long An cho rằng cần cụ thể hóa điều kiện, tránh phát sinh tâm lý “đẻ để có chính sách”.
Thực trạng dân số Việt Nam phát sinh nhiều vấn đề nghiêm trọng
Theo báo cáo của Bộ Y tế, mức sinh trên toàn quốc đang có xu hướng giảm thấp dưới mức sinh thay thế, từ 2,11 con/phụ nữ (2021) xuống 2,01 con/phụ nữ (2022), 1,96 con/phụ nữ (2023) và 1,91 con/phụ nữ (2024) - mức thấp nhất trong lịch sử và được dự báo là sẽ tiếp tục xuống thấp trong các năm tiếp theo.
Trong 2 thập kỷ qua, mức sinh khu vực thành thị đã xuống dưới mức sinh thay thế, dao động quanh 1,7-1,8 con/phụ nữ.
Mức sinh khu vực nông thôn luôn cao hơn mức sinh thay thế, ở mức 2,2-2,3 con/phụ nữ, nhưng đến năm 2024 đã giảm dưới mức sinh thay thế là 2,08 con/phụ nữ.
Có 2/6 vùng kinh tế - xã hội có mức sinh thấp dưới mức sinh thay thế là Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, 2/6 vùng mức sinh có mức sinh cao trên mức sinh thay thế là Trung du miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.
Chênh lệch giữa mức sinh vùng cao nhất (Trung du miền núi phía Bắc) và vùng thấp nhất (Đông Nam bộ) là 0,86 con/phụ nữ.
Có 24 tỉnh, thành có mức sinh thấp dưới 2 con/phụ nữ; 23 tỉnh, thành có mức sinh cao trên 2,2 con/phụ nữ và chỉ có 16 tỉnh, thành có mức sinh xung quanh mức sinh thay thế ở mức 2-2,2 con/phụ nữ.
“Mức sinh khác biệt giữa các đối tượng theo trình độ học vấn và mức sống. Mức sinh cao hơn ở nhóm phụ nữ nghèo và có trình độ học vấn thấp; mức sinh thấp hơn ở nhóm phụ nữ có thu nhập cao hơn và trình độ học vấn cao hơn”, báo cáo của Bộ Y tế nêu rõ.
Thế giới "bùng nổ" người cao tuổi
Hơn một nửa số quốc gia trên toàn cầu có mức sinh dưới mức thay thế (2,1 con/phụ nữ). Gần 1/5 số quốc gia trên thế giới đang trải qua tình trạng mức sinh “rất thấp” (ít hơn 1,4 con/phụ nữ).
Theo Bộ Y tế, mức sinh thấp kéo dài tác động trực tiếp, sâu sắc tới quy mô, cơ cấu dân số và để lại nhiều hệ lụy như thiếu hụt lực lượng lao động, suy giảm quy mô dân số, đẩy nhanh tốc độ già hóa dân số, gia tăng các dòng di cư.
Hiện nay, đa số các quốc gia giàu đang phải sử dụng lao động nhập cư để bù đắp thiếu hụt lao động, đảm bảo đủ nguồn nhân lực để phát triển kinh tế.
Một trong những hiện tượng nổi bật trên thế giới trong thế kỷ 21 là “bùng nổ” người cao tuổi. Năm 1950, thế giới có 2,5 tỉ người, trong đó 214 triệu là người cao tuổi, thì năm 2000, các con số này tương ứng là 6,080 tỉ và 590 triệu.
Dự báo dân số năm 2050 là 9,75 tỉ và người cao tuổi là 2,1 tỉ.
Như vậy, từ năm 1950 đến năm 2000, tỉ lệ người cao tuổi trong tổng dân số tăng từ 8,6% lên 9,7%, tức chỉ tăng thêm 1,1%; thì từ năm 2000 đến năm 2050, tỉ lệ này sẽ tăng thêm 11,9% và đạt tới 21,6%.
Tại Nhật Bản, quốc gia có tỉ lệ người cao tuổi cao nhất thế giới, tỉ lệ người dân trong độ tuổi trên 65 chiếm tới gần 30% dân số với 36,23 triệu người.
Năm 2023, số người trong độ tuổi trên 75 ở nước này lần đầu tiên vượt mốc trên 20 triệu người; số người từ 80 tuổi trở lên là khoảng 12,59 triệu người.
THANH THANH
Nguồn PLO : https://plo.vn/bo-y-te-de-xuat-ho-tro-nha-o-xa-hoi-cho-nguoi-sinh-2-con-bo-xay-dung-noi-gi-post860277.html